Ban giám khảo chấm vòng loại cuộc thi "Kỳ vọng Việt Nam 20 năm tới" - Ảnh: Duyên Phan |
Đây là cuộc thi thu hút được rất nhiều người trẻ tham gia, với gần phân nửa người dự thi trong độ tuổi 15 - 30, trong đó có nhiều học sinh, sinh viên đã gửi gắm những kỳ vọng đầy trăn trở, tâm huyết.
Trước cuộc hội ý này, 40 bài viết vượt qua vòng sơ tuyển (trong tổng số 598 bài dự thi) cũng đã lấy nhiều thời gian của thành viên ban giám khảo khi phải cân nhắc lựa chọn bài xứng đáng vào vòng chung khảo, bởi “các ý tưởng, kỳ vọng đều tốt” - như nhận xét của TS Huỳnh Thế Du, giám đốc đào tạo Chương trình giảng dạy kinh tế Fulbright.
Như kỳ vọng của cô nữ sinh 18 tuổi Lưu Vĩnh Trinh (học sinh lớp 12 Trường THPT Nguyễn Thượng Hiền, TP.HCM), mong muốn 20 năm tới giáo dục VN sẽ sánh ngang tầm với Singapore, với nền giáo dục lành mạnh, thực chất và phương pháp dạy tiếng Anh hiệu quả.
Tất cả giám khảo đều dành điểm cao cho bài viết của Vĩnh Trinh, trong đó PGS.TS Phạm Duy Nghĩa - trưởng khoa luật Trường đại học Kinh tế TP.HCM và bà Bồ Thị Hồng Mai - cán bộ Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam - đã dành cho bài viết điểm cao nhất trong thang điểm của hai vị giám khảo này.
Tác giả Phạm Thị Biên Thùy, 32 tuổi, vạch ra con đường để 20 năm nữa thương hiệu gạo Việt sẽ nổi tiếng toàn cầu. Ý tưởng này được ông Phạm Duy Nghĩa - một giám khảo “khó tính” - đánh giá cao dù theo ông, những giải pháp mà tác giả Biên Thùy đưa ra cần được bổ sung...
Nguyễn Thế Phương, một tác giả 24 tuổi ở TP.HCM, mong muốn VN sẽ có một lực lượng học giả mạnh về Biển Đông, khi mà hiện nay “hàng trăm học giả Trung Hoa được cử đi khắp thế giới nhằm tìm kiếm những dữ liệu, chứng cứ ủng hộ cho các lập luận lạc điệu và nhiều phần khiên cưỡng, trong khi các quan điểm chính thống của nước ta lại ít được bạn bè thế giới tiếp cận”.
Ông Lê Xuân Trung, tổng thư ký tòa soạn báo Tuổi Trẻ, tỏ ra tâm đắc với kỳ vọng này và cho rằng rất cần thiết trong giai đoạn hiện nay.
Và còn nhiều kỳ vọng khác. Đó là những kỳ vọng trải trên rất nhiều lĩnh vực, trong đó nhiều nhất là về giáo dục, phát triển du lịch, nông nghiệp, giải quyết tốt các vấn đề xã hội... để VN có thể ngẩng cao đầu, “sánh vai với các cường quốc năm châu” trong vòng 20 năm tới.
Những kỳ vọng thì luôn cao xa và tốt đẹp, nhưng còn giải pháp lại là điều các thành viên ban giám khảo băn khoăn.
“Tôi thấy hơi buồn khi xem giải pháp của các bài thi để thực hiện ý tưởng của mình. Những giải pháp chủ yếu là đặt ra cho Nhà nước phải làm mà không nói nhiều đến cá nhân và cộng đồng phải làm. Điều này chưa phù hợp lắm với xu hướng giáo dục lấy người học làm trung tâm, coi trọng quyền tự quyết của các bạn trẻ”- ông Huỳnh Thế Du nói.
Trăn trở của ông Du đã khơi nguồn cho một cuộc tranh luận nhỏ giữa các giám khảo về “người trẻ tự quyết”.
Ông Xuân Trung, bà Trần Kim Chi (cán bộ Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam) cũng chia sẻ câu chuyện khi đến một trường đại học để giới thiệu về cuộc thi này, có những sinh viên hơi thụ động, không trình bày được mạch lạc ước mơ, kỳ vọng của mình.
Rõ ràng để biến ước mơ thành hiện thực, không chỉ Nhà nước mà bản thân những người trẻ phải nỗ lực không ngừng để quyết định tương lai của chính mình.
Cân nhắc trên số lượng bài dự thi khá nhiều và có nhiều bài chất lượng tốt, ban giám khảo đã quyết định chọn số lượng bài vào vòng chung khảo là 14 thay vì 10 bài như thể lệ ban đầu.
Ở vòng thi chung khảo, các tác giả sẽ có cơ hội trình bày trực tiếp ý tưởng của mình và trả lời các chất vấn của ban giám khảo. Cũng như vòng sơ khảo và vòng loại, vòng chung khảo chú trọng nhiều đến giải pháp thực hiện các ý tưởng của tác giả.
Các thành viên ban giám khảo đều bày tỏ mong muốn với hơn một tuần để chuẩn bị chi tiết hóa bài viết của mình, các tác giả tham gia vòng chung khảo sẽ trình bày được những giải pháp khả thi, có tính đột phá cho những điều mình kỳ vọng.
14 bài dự thi vào vòng chung khảo 1. Giáo dục Việt Nam sánh ngang tầm Singapore (tác giả Lưu Vĩnh Trinh, 18 tuổi) 2. Một lớp trẻ được trao quyền tự quyết (Lê Hồng Mận, 26 tuổi) 3. Tránh được đại dịch béo phì (Đàm Nhung, 28 tuổi) 4. Bộ máy hành chính công thực sự công bằng và khoa học (Đỗ Huy Bình, 26 tuổi) 5. Có lực lượng học giả mạnh về Biển Đông (Nguyễn Thế Phương, 24 tuổi) 6. Năng suất lao động vươn tầm khu vực (Đỗ Huyền Trang, 20 tuổi) 7. Hạn chế được bia, rượu và cấm hút thuốc lá (Nguyễn Bích Thủy, 28 tuổi) 8. Việt Nam - một trong mười nước có hệ thống giáo dục tốt nhất (Công Khanh, 51 tuổi) 9. Mơ một xã hội bình đẳng (Lê Minh Tiến, 41 tuổi) 10. Cùng tạo màu xanh cho đất nước (Song Phương, 37 tuổi) 11. Người nghèo không bị gạt ra bên lề của sự phát triển (Lê Công Sĩ, 37 tuổi) 12. Thương hiệu gạo Việt nổi tiếng toàn cầu (Phạm Thị Biên Thùy, 32 tuổi) 13. 10.000 giờ trải nghiệm - chìa khóa vạn năng cho cánh cửa vào đời (Nguyễn Quang Hòa, 34 tuổi) 14. Người lao động ai cũng có nhà ở (Thu Phan, 34 tuổi) Giải thưởng được tăng thêm 4 giải khuyến khích so với công bố ban đầu. Cụ thể, sẽ có 7 giải thưởng cho mỗi nhóm tuổi (từ 15 - 30 tuổi và trên 30 tuổi), với 1 giải nhất (25 triệu đồng), 1 giải nhì (15 triệu đồng), 1 giải ba (10 triệu đồng) và 4 giải khuyến khích (5 triệu đồng/giải). Vòng chung khảo sẽ diễn ra vào sáng 11-7 tại báo Tuổi Trẻ. Các tác giả có bài chọn vào vòng chung khảo sẽ được tài trợ 3 triệu đồng để làm báo cáo chi tiết cho bài trình bày của mình trước ban giám khảo. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận