30/03/2016 07:57 GMT+7

Ngỡ ngàng metro "đứng bánh" do kẹt tần số vô tuyến

VÕ HƯƠNG - AN NHIÊN - TÀI PHONG
VÕ HƯƠNG - AN NHIÊN - TÀI PHONG

TTO - Thông tin metro có nguy cơ “đứng bánh” thu hút được sự quan tâm của đông đảo bạn đọc. Chẳng lẽ làm tuyến metro được, giải quyết kẹt tần số vô tuyến không xong?

Theo thông tin từ Ban quản lý đường sắt đô thị TP.HCM, hiện nay tại TP có 11 dự án đường sắt. Trong đó, hai dự án trên đang được triển khai và đề xuất sử dụng tần số vô tuyến điện để liên lạc, điều khiển, giám sát các tuyến metro hoạt động.

Còn thông tin từ Sở Thông tin và truyền thông (TT&TT) TP.HCM cho biết trước đây, cụ thể cuối năm 2008, Cục Tần số vô tuyến điện (Bộ TT&TT) có văn bản đồng ý “giữ chỗ” các tần số vô tuyến điện cho Ban quản lý đường sắt đô thị TP đối với dự án tuyến metro số 1 đến năm 2013.

Tuy nhiên, sau khi Luật tần số vô tuyến điện có hiệu lực năm 2009 không cho phép “giữ chỗ” trước tần số dự kiến sử dụng. Hơn nữa, hiện hồ sơ xin “giữ chỗ” này đã hết hạn.

Và theo Sở TT&TT TP, đây là những lý do dẫn đến Cục Tần số vô tuyến điện chỉ “giữ chỗ” khi Ban quản lý đường sắt đô thị TP đồng ý đóng phí “giữ chỗ” giống như phí sử dụng tần số. Chi phí này ước tính hơn 800 triệu đồng/năm.

Câu hỏi được nhiều người đặt ra là tại sao các bên liên quan lại không tìm được tiếng nói chung trên tinh thần phục vụ việc đi lại của nhân dân?

Tại sao không dành riêng tần số cho những công trình trọng điểm?

Phải chăng nên rõ ràng và có sự hợp tác ngay từ đầu giữa các bên liên quan khi lập kế hoạch để tránh những sự việc tương tự xảy ra, khi một bên yêu cầu được “giữ chỗ” tần số (không phải đóng phí), một bên nói các quy định hiện không có quy định về “giữ chỗ” tần số ?

Nếu việc khai thác sử dụng tần số này được thực hiện vào năm 2020, chi phí phải đóng cho việc “giữ chỗ” này là 3 tỉ 200 triệu đồng. Ai chịu khoản tiền phát sinh này?

Quy định là do con người đặt ra cho nên con người sẽ chỉnh đổi quy định của mình.

Vì lợi ích chung của toàn xã hội, rất mong các ban ngành bỏ qua hay giảm hay chỉnh sửa các quy định của mình hợp thời đại để phục vụ cộng đồng thiết thực hơn, hợp lý hơn, hiệu quả hơn, giá rẻ hơn.

Bạn đọc Thu Lan

Trao đổi với TTO về vấn đề này, từ kinh nghiệm làm việc tại Mỹ, kiến trúc sư (KTS) Ngô Viết Nam Sơn cho biết theo anh nhận thấy, việc quy hoạch các dải tần số luôn dành ưu tiên một cho chính quyền liên bang, kế đến là chính quyền tiểu bang, chính quyền thành phố là ưu tiên ba và cuối cùng là khu vực tư nhân.

“Những tần số phục vụ công cộng phải được ưu tiên và để riêng ra (ngay cả khi chưa dùng đến), không thể nói là ai đăng ký trước được dùng trước. Đây không phải là “giữ chỗ” cho riêng tuyến metro mà là “giữ chỗ” cho những công trình quốc gia, công trình trọng điểm ”- KTS Ngô Viết Nam Sơn chia sẻ.

PGS.TS Nguyễn Văn Hiệp nhận định Luật tần số vô tuyến điện có hiệu lực từ năm 2009, tức sau thời điểm Ban quản lý đường sắt đô thị TP.HCM đề xuất sử dụng tần số vô tuyến điện để liên lạc với Cục Tần số vô tuyến điện (Bộ TT&TT).

Do đó, sau khi Luật tần số vô tuyến điện có hiệu lực và quy định không cho phép “giữ chỗ” trước tần số dự kiến sử dụng, Cục Tần số vô tuyến điện nên là đơn vị đứng ra tìm cách giải quyết.

“Các cơ quan quản lý nhà nước đang làm khó nhau” - PGS.TS Nguyễn Văn Hiệp thẳng thắn.

Ai cũng đúng quy trình nhưng... dân chịu thiệt

Ông Ngô Viết Nam Sơn đánh giá sự việc lần này một lần nữa cho thấy quản lý đô thị ở Việt Nam có vấn đề khi các cơ sở, ban ngành không quen làm việc nhóm với nhau.

“Đây là một cảnh báo về việc mạnh ai nấy lo, thiếu sự phối hợp nhóm với nhau. Một ví dụ dễ nhìn thấy là hệ thống điện, nước, cáp…, có khi tuần trước đơn vị này vừa lấp lại thì tuần sau đơn vị khác đã đào lên tiếp. Ngay cả những văn bản pháp luật đôi khi cũng thiếu sự hỗ trợ để các đơn vị, ban ngành làm việc ăn khớp với nhau” - ông Sơn nói.

Theo ông Ngô Viết Nam Sơn, tư duy và cơ chế quản lý đô thị cần phải thay đổi theo hướng hợp tác nhóm giữa các ban ngành với nhau nhằm tạo ra hiệu quả tối đa khi làm việc, tránh tình trạng thiếu thông tin, thiếu phối hợp dẫn đến những câu chuyện giờ chót nảy sinh và đổ lỗi cho nhau.

“Nếu cuối cùng ai cũng nói rằng “tôi đúng quy trình” nhưng công việc không chạy thì người chịu thiệt chính là người dân”, KTS Ngô Viết Nam Sơn chia sẻ thêm.

Trong văn bản vừa gửi Bộ TT&TT, Cục Tần số vô tuyến điện, UBND TP.HCM đưa kiến nghị Bộ TT&TT chỉ đạo Cục Tần số quy hoạch dãy tần số dự kiến được sử dụng cho dự án tuyến metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên) và dự án tuyến metro số 2 (Bến Thành - Tham Lương) được tiến hành thử nghiệm toàn tuyến vào cuối năm 2019 và đưa vào khai thác sử dụng vào cuối năm 2020.

“Việc đóng phí đối với các tần số khi chưa sử dụng sẽ tăng thêm chi chí đầu tư toàn dự án và gây lãng phí ngân sách nhà nước” - văn bản kiến nghị nêu.

ĐỨC THIỆN

Nên hợp tác

Có hơn 100 lượt thích cho bình luận “các bộ nên hợp tác với nhau hơn là hành nhau để lấy uy” của bạn đọc Hana về vấn đề này.

Bạn đọc Phúc Hoành hỏi: "Tuyến metro còn làm được, mỗi việc giải quyết tần số không xong là sao?".

Phân tích sâu hơn, độc giả Ngô Hán Chiêu cho rằng tuyến metro là để phục vụ an sinh xã hội, do đó phải quy hoạch hẳn dải tần số cho hệ thống này, thay vì áp dụng kiểu “ai đăng ký trước thì dùng trước”.

Đồng tình với ý kiến này, một bạn đọc đánh giá không cho giữ chỗ là đối với doanh nghiệp kinh doanh, còn dự án kinh tế xã hội, phục vụ cộng đồng như tuyến metro thì không thể có chuyện “giữ chỗ 800 triệu/năm” được.

Một vài ý kiến khác cũng đặt câu hỏi về vấn đề tầm nhìn trong việc lập dự án.

Nghe phát biểu trong bài

>> KTS Ngô Viết Nam Sơn

VÕ HƯƠNG - AN NHIÊN - TÀI PHONG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp