04/08/2017 16:35 GMT+7

Mỹ - Trung quyết đấu thành siêu cường về trí tuệ nhân tạo

DUY LINH
DUY LINH

TTO - Cuộc đua cho vị trí "cường quốc" về trí tuệ nhân tạo đang diễn ra giữa hai cường quốc kinh tế hàng đầu thế giới. Bên nào sẽ trở thành siêu cường trước tiên?

Rốt cuộc đua giữa Mỹ và Trung Quốc về trí tuệ nhân tạo, ai sẽ là người cán đích trước tiên? - Ảnh chụp màn hình
Mỹ và Trung Quốc bước vào cuộc đua quyết liệt về trí tuệ nhân tạo - Ảnh chụp màn hình

Năm 1957, khi Liên Xô phóng vệ tinh đầu tiên tên Sputnik 1 vào không gian, nước Mỹ đã cảm thấy bị bẽ mặt. Một cuộc đua không gian giữa hai đối thủ trong Chiến tranh Lạnh đã bùng nổ sau đó.

60 năm sau, năm 2017, thế giới có lẽ sắp chứng kiến thêm một "thời khắc Sputnik" nữa. Nhưng đó không phải cuộc đua vào vũ trụ mà là cuộc cạnh tranh về việc tạo ra trí tuệ nhân tạo (AI). Và lần này, Trung Quốc là người tỉnh giấc.

"Thời khắc Sputnik" thứ hai đã tới khi AlphaGo, một hệ thống AI do DeepMind thuộc Google phát triển, đánh bại kỳ thủ cờ vây số 1 thế giới người Trung Quốc hồi tháng 5 vừa qua.

Thất bại của Ke Jie đã khiến các nhà lãnh đạo Trung Quốc giật mình và quyết định đổ tiền vào công nghệ này, báo New York Times của Mỹ dẫn lời hai giáo sư cố vấn cho chính quyền Bắc Kinh về AI.

Và chỉ mất 2 tháng sau đó, tháng 7-2017, tham vọng trở thành cường quốc số 1 về AI trước năm 2030 của Trung Quốc đã được đề cập trong một báo cáo chính thức của chính phủ.

Số đông là sức mạnh

"Đó là một tham vọng rất thực tế", ông Anthony Mullen - Giám đốc bộ phận nghiên cứu tại tập đoàn phân tích công nghệ Gartner, nói với tờ The Verge. "Giờ là cuộc đua song mã giữa Mỹ và Trung Quốc".

Trung Quốc có mọi thành tố để có thể dẫn trước trong cuộc đua đó: sự ủng hộ của chính phủ, dân số đông, môi trường nghiên cứu sống động và một xã hội sẵn sàng với những thay đổi về công nghệ.

Thất bại của kỳ thủ cờ vây số 1 thế giới trước trí tuệ nhân tạo đến từ Google được xem như
Thất bại của kỳ thủ cờ vây số 1 thế giới trước trí tuệ nhân tạo đến từ Google được xem như "thời khắc Sputnik" đối với các nhà lãnh đạo Trung Quốc - Ảnh chụp màn hình

Nhưng tại sao lại là dân số đông?

Để phát triển một AI đẳng cấp, cần nguồn dữ liệu khổng lồ. Không thứ gì có thể tạo ra dữ liệu giống như con người.

Với dân số hơn 1,4 tỉ người và gần một nửa trong số đó sử dụng Internet, Trung Quốc đã ngồi trên mỏ vàng dữ liệu cho AI.

Trong khi các công ty như Facebook, Google còn đang chật vật ở các nước phương Tây vì chính sách người dùng, các công ty công nghệ Trung Quốc không phải lo, thậm chí có thể điều chỉnh điều khoản để thu thập thêm càng nhiều dữ liệu từ người sử dụng càng tốt, nhất là khi đã được chính phủ bật đèn xanh. Ứng dụng WeChat của Trung Quốc được xem là một công cụ tập hợp dữ liệu như vậy.

Tôi không nghĩ Trung Quốc sẽ vướng vào các cuộc khủng hoảng hiện tại khi phát triển AI như những gì phương tây đang gặp phải
Ông Anthony Mullen - Giám đốc bộ phận nghiên cứu tại tập đoàn phân tích công nghệ Gartner

Bàn tay của chính phủ

Một báo cáo hồi tháng 10-2016 của Nhà Trắng cho thấy Trung Quốc đã bắt đầu vượt Mỹ về số lượng các công trình nghiên cứu chuyên sâu; số bằng đăng ký sáng chế liên quan tới AI của các nhà nghiên cứu Trung Quốc đã tăng hơn 200% trong vài năm trở lại đây.

Trong khi ở phương Tây, việc nghiên cứu và phát triển AI chủ yếu tập trung vào các tập đoàn, công ty tư nhân như Google Brain, OpenAI vàDeepMind, thì ở Trung Quốc là sức mạnh tổng hợp của nhiều nguồn.

Chẳng hạn một công ty phát triển AI tại Trung Quốc có thể trở thành trọng tâm trong mối quan hệ với một trường đại học, một viện nghiên cứu công lập và nhận được những biệt đãi từ chính quyền trung ương.

Với việc quyết tâm trở thành cường quốc số 1 về AI, những mối quan hệ như vậy và ngày càng thắt chặt hơn nữa xuất hiện ở Trung Quốc sẽ không phải điều hiếm.

Bắc Kinh đã vạch rất rõ đường hướng phát triển AI theo chặng đường 5 năm. Năm 2020: ngang hàng với các nước khác; năm 2025: AI trở thành động lực chính lèo lái các ngành công nghiệp Trung Quốc; năm 2030: trở thành nước đẫn dầu về AI.

Bên kia bờ đại dương, chính quyền Donald Trump lại quyết định cắt giảm ngân sách dành nghiên cứu, bao gồm cả nghiên cứu AI. Bất chấp trước đó chính quyền tiền nhiệm Barack Obama đã nhìn thấy vai trò và những nguy hiểm tiềm tàng đến từ AI và đưa ra cảnh báo nên kiểm soát.

Theo tạp chí The Economist, đến năm 2030, AI sẽ giúp kinh tế toàn cầu tăng trưởng thêm 16.000 tỉ USD và phân nửa trong số này sẽ diễn ra ở Trung Quốc.

Những công ty phát triển trí tuệ nhân tạo của Trung Quốc có sẵn nguồn dữ liệu khổng lồ trong nước nhưng không thể đạt tới mức toàn cầu như Google hay Facebook - Ảnh chụp màn hình
Những công ty phát triển trí tuệ nhân tạo của Trung Quốc có sẵn nguồn dữ liệu khổng lồ trong nước nhưng không thể đạt tới mức toàn cầu như Google hay Facebook - Ảnh chụp màn hình

Ai sẽ chiến thắng?

Những tập đoàn như Google, Deepmind, Facebook đều dư sức tạo ra một AI cấp tuyệt đỉnh với số lượng người sử dụng trên khắp thế giới. Một khoản chi nhỏ từ tiền quảng cáo của các tập đoàn này đủ để phát triển AI theo ý của riêng họ.

Cuộc đua về AI không phải là một trò chơi có tổng bằng 0. Trong khi việc phát triển là bí mật, sự chia sẻ những thành tựu liên quan tới AI lại rộng khắp, vượt ra khỏi biên giới các nước.

Giống như "thời khắc Sputnik" lần thứ 1, đến cuối cùng, khi cuộc đua vào không gian giữa Mỹ và Liên Xô kết thúc, chỉ có nhân loại là người được hưởng những thành tựu phát sinh từ đó.

Cuộc đua giữa Trung Quốc và Mỹ cúng sẽ như vậy, quyết liệt nhưng đến cuối cùng lợi ích sẽ thuộc về tất cả.

"Một cuộc đua để phát triển AI tốt hơn sẽ đem lại lợi ích cho tất cả mọi người", báo The Verge kết luận.

DUY LINH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp