05/09/2014 19:15 GMT+7

Một ngày công nghệ: "Tin nhắn" gửi … thần giao cách cảm

PHẠM HỒNG PHƯỚC
PHẠM HỒNG PHƯỚC

TTO - Lần đầu tiên các nhà khoa học đã có thể gửi một thông điệp tâm thần (mental message) đơn giản từ người này tới người khác mà không có bất cứ một phương thức liên lạc nào.

Một ngày công nghệ 5-9: "Tin nhắn" đầu tiên được gửi qua... thần giao cách cảm

"Tin nhắn" gửi qua… thần giao cách cảm 

Hãng tin Pháp AFP (5-9-2014) cho biết: lần đầu tiên các nhà khoa học đã có thể gửi một thông điệp tâm thần (mental message) đơn giản từ người này tới người khác mà không có bất cứ một phương thức liên lạc nào giữa 2 đối tượng đang ở cách xa nhau hàng ngàn dặm, người ở Pháp, kẻ ở Ấn Độ.

Ảnh minh họa: Internet

Các chuyên gia tại Đại học Harvard (Mỹ) đã trình diễn công nghệ có thể được dùng để truyền thông tin từ não người này tới não người khác cho dù cả hai ở cách xa nhau. Giulio Ruffini, một nhà vật lý lý thuyết Tây Ban Nha tham gia cuộc nghiên cứu này nói rằng: "Đây là một loại nhận thức mang tính công nghệ về giấc mơ thần giao cách cảm, Nhưng nó rõ ràng không phải là phép thần thông, ma thuật đâu. Chúng tôi dùng công nghệ để tương tác theo phương pháp điện từ (electromagnetics) với não."

Trong cuộc thí nghiệm này, một người gắn một chiếc điện não đồ có kết nối không dây với Internet và nghĩ tới một câu chào đơn giản như: "Xin chào". Một máy tính đã số hóa lời chào đó thành mã nhị phân được thể hiện bằng chuỗi các số 1 và 0. Sau đó, thông điệp này được gửi qua email từ Ấn Độ tới Pháp và được chuyển qua người máy tới người nhận.

Người này thông qua một sự kích thích não không can thiệp có thể nhìn thấy những chớp sáng trong thiết bị nhìn ngoại vi của mình. Người nhận không hề nghe hay nhìn thấy những chữ trong thông điệp đó, nhưng lại có thể diễn giải từ những chớp sáng đó thành nội dung thông điệp một cách chính xác.

Đồng tác giả của công trình là Giáo sư thần kinh học Alvaro Pascual-Leone của Trường Y Harvard cho biết: "Chúng tôi muốn tìm hiểu xem liệu người ta có thể liên lạc trực tiếp giữa 2 người bằng cách đọc hoạt động não bộ của người này và chèn hoạt động não đó vào người thứ hai, và làm như vậy vượt qua những khoảng cách địa lý thật xa bằng cách khai thác các con đường truyền thông đang tồn tại. Và dĩ nhiên, một trong những con đường như vậy là Internet."

Đây là một thành tựu lớn trong cuộc nghiên cứu về thần giao cách cảm. Trong suốt một thập niên qua, các nhà nghiên cứu đã nỗ lực tìm cách để gửi một thông điệp từ người này sang người khác theo cách như vậy. Nhà vật lý Ruffini nói rằng: "Chúng tôi hy vọng về lâu dài, việc này có thể thay đổi một cách triệt để cách chúng ta thông tin liên lạc lẫn nhau."

Tin tặc Nga sử dụng mạng máy tính thuê để xâm nhập ngân hàng lớn nhất của Mỹ

Lại một lần nữa các tin tặc Nga chứng tỏ mình cao tay ấn hơn giới bảo mật ngân hàng Mỹ. Hãng tin kinh doanh Mỹ Bloomberg (4-9-2014) cho biết: các nhân viên điều tra của JPMorgan Chase, ngân hàng lớn nhất của Mỹ, vừa phát hiện rằng trong vụ tấn công hồi tháng 8-2014 vào ngân hàng này, bọn tội phạm tin học đã sử dụng một hệ thống toàn cầu gồm các máy tính cho thuê làm phương tiện gây án. Tin tặc đã tuồn một khối lượng lớn dữ liệu từ các máy tính của các nhà quản trị và nhân viên ngân hàng này tới một thành phố lớn ở Nga.

Ảnh minh họa: Internet

Cuộc điều tra nội bộ của JPMorgan Chase cho thấy bọn tin tặc đã điều khiển các máy tính đặt tại châu Mỹ Latinh và châu Á để đẩy làn sóng mã độc vượt qua hàng rào an ninh của ngân hàng này rồi chuyển dữ liệu đánh cắp được về Nga.

Giới chuyên môn mô tả cách làm này là "áo giáp chống đạn" vì nó giúp che giấu tung tích các tin tặc và chống lại các cuộc phản công từ cơ quan pháp luật. Trước đó, có báo cáo rằng hệ thống máy tính thuê mà bọn tin tặc vừa sử dụng này từng được dùng trong những cuộc tấn công ngân hàng khác do những tên tội phạm mạng Đông Âu thực hiện.

Keith Alexander, nguyên chỉ huy lực lượng chống tội phạm tin học của Mỹ và Cơ quan An ninh Quốc gia (NSA) nay là nhà tư vấn về an ninh mạng, nhận định rằng sự thành công của cuộc tấn công vào ngân hàng lớn nhất nước Mỹ đã làm rõ hơn "tình trạng dễ bị tổn thương" của khu vực tài chính Mỹ và cho thấy những cuộc tấn công trong tương lai có thể còn gây tổn thất nặng nề hơn.

Alexander nói với hãng tin Bloomberg: "Nếu bạn có thể đánh cắp những dữ liệu (của ngân hàng lớn nhất nước Mỹ) này, bạn có thể làm được bất cứ điều gì mình muốn. Bạn đánh sập một ngân hàng và toàn bộ cấu trúc tài chính của chúng ta bị sụp đổ."

Hiện nay cả FBI lẫn NSA đều đang điều tra về vụ tin tặc tấn công ngân hàng JPMorgan Chase dựa theo chứng cứ là bọn tội phạm mạng đã sử dụng một trung tâm dữ liệu của Nga.

Đáng tiếc là những tin tức, vụ việc như vậy càng làm căng thẳng hơn cho mối quan hệ Nga và Mỹ vốn đang căng như sợi dây đàn.

Bản đồ béo phì làm đau lòng người Mỹ

Bạn nào từng có dịp đi Mỹ, mà cũng chỉ cần xem những bộ phim trên những kênh truyền hình Mỹ thôi, ắt đã phải thốt lên: "Trời, sao mà dân Mỹ nhiều người béo phì tới như vậy!" Đó là nỗi lo và cũng phần nào là "nỗi đau muốn chôn kín" của người Mỹ khi mà nhìn chung quanh thấy "con phì, mẹ béo, cả nhà béo phì".

Ảnh minh họa: Internet

Ngày 4-9-2014, Cơ quan Trung tâm Kiểm soát và Phòng chống Dịch bệnh (CDC) của Mỹ đã cho công bố một bản đồ mới mô tả chi tiết tỷ lệ béo phì của người lớn trên khắp nước Mỹ. Còn nhớ hồi năm 1995, khi CDC lần đầu tiên thu thập dữ liệu béo phì ở tất cả các bang, không có bang nào có tỷ lệ béo phì cao hơn 19%. Hồi năm ngoái, cơ quan này báo động, tất cả các bang đều có tỷ lệ báo phì ít nhất là 20%.

Hai bang vô địch béo phì là Mississippi và West Virginia, cùng có tỷ lệ 35,1% người lớn như những chiếc thùng tô-nô. Hai bang "mi-nhon" nhất là Hawaii (có tỷ lệ béo phì 21,8%) và Colorado (21,3%).

Tiêu chuẩn của Mỹ để xác định một người lớn béo phì là đạt chỉ số khối lượng cơ thể (body mass index, BMI) từ 30 trở lên. Nếu bạn cao 1,6 mét mà nặng 77kg, xin chia buồn cùng bạn vì bạn đã đạt chuẩn của "bảng phong thần" béo phì rồi. (Bạn có thể vào trang web này để kiểm tra chỉ số BMI của mình: http://www.nhlbi.nih.gov/health/educational/lose_wt/BMI/bmi_tbl.htm)

Báo Business Insider (5-9-2014) khuyến cáo rằng: béo phì là một xu hướng ở Mỹ.

Đồng hồ thông minh có từ bao giờ?

Bây giờ, thị trường xuất hiện vô số mẫu đồng hồ thông minh, thiết bị theo dõi thể lực đeo tay,… mà chúng được xếp vào một chủng loại sản phẩm mới là thiết bị thông minh có thể mang được (wearables). Chỉ có điều, đây không phải là một chủng loại thiết bị mới của thời công nghệ đâu nghen - công nghệ tiên tiến chỉ giúp làm ra hàng loạt chúng thôi.

Ảnh minh họa: Internet

Này nhé. Hồi năm 1946, trong loạt truyện tranh của Mỹ, thanh tra cảnh sát Dick Tracy từng có một chiếc đồng hồ đeo tay có tính năng gọi điện thoại. Giờ đây, 68 năm sau, những cậu bé từng coi sếp Dick Tracy là thần tượng đang là những ông lão trên dưới 80 tuổi phải cố nhướng đôi mắt kèm nhèm của mình coi những thông tin hiện trên những chiếc đồng hồ thông minh như Gear, SmartWatch, G Watch R, Pebble Smartwatch, ZenWatch, Moto 360,…

Tiền thân của chiếc đồng hồ thông minh ngày nay là Casio Databank ra đời hồi thập niên 1980. Nó là một chiếc đồng hồ điện tử với màn hình tinh thể lỏng đơn sắc, có chức năng của một chiếc máy tính toán và có thể lưu giữ các số điện thoại của người dùng.

Có lẽ đồng hồ thông minh thật sự là chiếc Microsoft Spot Suunto ra đời hồi năm 2004 dựa trên phần mềm và dịch vụ của Microsoft. Hãng này đã phát triển công nghệ SPOT (Smart Personal Object Technology, công nghệ đối tượng cá nhân thông minh) và được một số nhà sản xuất đồng hồ ứng dụng để làm ra những mẫu đồng hồ thông minh. 

Galaxy Note 4 mới chào đời đã bị kiện tụng

Chuyện Samsung và Apple kiện tụng lẫn nhau về chuyện vi phạm bản quyền công nghệ lâu nay giống như những loạt phim truyền hình nhiều mùa, nhiều tập. Hai ông lớn điện tử Hàn Quốc và Mỹ này đeo bám nhau như sam và làm giàu cho các tòa án và luật sư Mỹ.

Ảnh minh họa: Internet

Cũng tội nghiệp cho Samsung, ngồi trên cái ngai nhà sản xuất smartphone số 1 toàn cầu (hồi quý 2-2014 chiếm 25,2% thị phần, trong khi nhân vật số 2 là Apple chiếm 11,9% thị phần), nào có yên ổn. Không chỉ có đạo binh đang mọc lên như nấm sau mưa của các hãng điện thoại nhỏ cạnh tranh giành thị phần, mà những đối thủ tên tuổi khác cũng luôn canh me tấn công.

Mới nhất là vụ hãng chuyên sản xuất chip đồ họa NVIDIA của Mỹ khởi kiện Samsung và hãng Qualcomm (vốn cung cấp chip xử lý và chip đồ họa cho Samsung) ra tòa án Mỹ với lý do hai hãng này xâm phạm 7 bản quyền của NVIDIA có liên quan tới đồ họa điện toán. Đó là những công nghệ về chip xử lý đồ họa GPU mà NVIDIA phát minh ra.

Mục đích của NVIDIA rất rõ: yêu cầu Ủy ban Thương mại Quốc (ITC) và Tòa án Mỹ ở bang Delaware ra phán quyết công nhận sự xâm phạm bản quyền của Samsung và Qualcomm, rồi ra lệnh cấm bán các sản phẩm sử dụng những thành phần vi phạm đó ở Mỹ và bồi thường thiệt hại cho NVIDIA.

NVIDIA đã liệt kê 8 sản phẩm Samsung bị cho là vi phạm, trong đó có 2 smartphone mới được ra mắt hôm 3-9-2014 tại Berlin (Đức) là Galaxy Note 4 và Note Edge. Tablet "đỉnh" Galaxy Tab S cũng có tên. Ngay cả Galaxy S5, S4, Note 3 cũng có tên trong "danh sách đen" của NVIDIA.

NVIDIA có dòng chip xử lý di động Tegra. Hai dòng chip xử lý di động của hãng Qualcomm là Snapdragon và của Samsung là Exynos. Xưa nay, các thiết bị di động của Samsung nếu không chạy chip "cây nhà lá vườn" thì cũng chỉ xài của Qualcomm. Có lẽ cốt lõi của vụ kiện tụng này nó nằm ở chỗ đó.

PHẠM HỒNG PHƯỚC
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp