Nguồn: Youtube.com |
1. Keecker có hình thức như một quả trứng khổng lồ. Bên trong nó tích hợp máy chiếu (hỗ trợ Full HD 1080p), hệ thống loa surround không dây và hệ thống an ninh.
Đây là tác phẩm tim óc của Pierre Lebeau, cựu quản lý dự án của Google ở Paris (Pháp). Anh đã đưa dự án này lên trang web khởi nghiệp Kickstarter để gây vốn sản xuất nó. Lebeau gọi Keecker là thiết bị Home Pod đầu tiên trên thế giới, một loại máy tính công cộng di động cho gia đình.
Bất cứ ai trong nhà hễ có nhu cầu cũng có thể gọi nó tới để phục vụ, biến bất cứ bức tường nào trong nhà thành một màn ảnh chiếu phim, chơi game hay trình diễn hội họa số, hay đơn giản là một máy phát nhạc không dây (có 6 loa 25 watt và 1 loa woofer 30 watt).
Khi được đặt vào nhà lần đầu tiên, Keecker sẽ tự động lăn đi khắp mọi nơi, sử dụng chiếc camera 360 độ gắn trên đầu để tránh các vật cản và để lập bản đồ sàn nhà. Sau đó, bạn có thể đặt tên cho mỗi phòng, vị trí trong nhà rồi hướng dẫn Keecker tìm tới từng nơi.
Với camera, Keecker còn làm thêm nhiệm vụ bảo vệ an ninh cho cả nhà, đi tuần tra khắp nơi, thậm chí thay thế cho cô giữ trẻ để giám sát nhóc tì.
Nó có cả microphone để giúp bạn nhận các cuộc điện thoại gọi tới. Khi cặp với smartphone qua sóng Bluetooth, nó sẽ lẽo đẽo lăn theo bạn khi bạn vừa nói chuyện điện thoại, vừa đi tới đi lui.
Với kết nối Wi-Fi 802.11n có tính năng Access Point, nó có thể biến thành trạm phát sóng lưu động cho cả nhà.
Keecker chạy hệ điều hành Android 4.4 và có CPU quad-core như smartphone. Ổ đĩa lưu trữ dữ liệu tới 1TB. Nó cũng chạy được các ứng dụng di động của Android.
Thiết bị dự định sẽ được bán vào tháng 4-2015. Chỉ có điều, giá của nó chẳng êm ái gì, ở mức từ 3.000 tới 4.000 USD.
2. Ổ khóa thông minh Smart Lock của hãng August giờ đây đã có trên thị trường với giá 250 USD. Nó đang được bán trên website của hãng và các cửa hàng bán lẻ của hãng Apple.
Ổ khóa không chìa này là một khối hình trụ bằng nhôm được gắn vào lưng của chốt khóa ở mặt sau của cánh cửa. Hệ thống khóa thông minh này hoạt động với một ứng dụng di động và kết nối với smartphone của người dùng thông qua sóng Bluetooth LE.
Với ứng dụng này, bạn có thể quản lý nhiều ổ khóa và thậm chí nhiều ngôi nhà khác nhau. Bạn cũng có thể cấp chìa khóa ảo cho người khác với chế độ vĩnh viễn hay có thời hạn.
Ổ khóa có thêm tính năng sẽ tự động khóa chốt cửa lại sau một thời gian ngắn và tự động mở khóa sẵn khi người dùng được cấp chìa khóa tiến tới gần, dĩ nhiên là với chiếc smartphone đã nạp mã mở khóa.
Chỉ có điều, bọn đạo tặc bây giờ không chỉ rình đánh cắp chiếc chìa khóa mà còn cuỗm luôn cả chiếc smartphone có chứa mã chìa khóa.
3. Cặp bài trùng ăn ý nhất Intel - Asus ngày 15-10-2014 công bố đứa con chung mới là thiết bị Asus Padfone X Mini với phiên bản dành cho nhà mạng di động Mỹ AT&T. Thiết bị 2-trong-1 này sử dụng tới 2 con chip Intel: một chip CPU và một chip modem 4G.
Theo báo Mỹ The Wall Street Journal (15-10-2014), Asus Padfone X Mini là smartphone 4G LTE chạy chip Intel đầu tiên trên thị trường Mỹ.
Giới quan sát nói rằng Intel đã tìm được Asus là một bạn đồng hành xứng tầm. Intel có chip xử lý và công nghệ, trong khi Asus có kinh nghiệm và năng lực sản xuất những thiết bị cho thị trường.
Thiết bị Padfone X Mini có một thiết kế khác thường. Nó gồm một chiếc smartphone có màn hình 4.5 inch (độ phân giải 480 x 854 pixel) có thể hoạt động độc lập như một chiếc smartphone Asus Zenfone và một màn hình 7 inch (độ phân giải 1280 x 800 pixel) có tích hợp pin bổ sung.
Khi gắn smartphone đó vào khe phía sau lưng màn hình, Padfone X Mini sẽ biến thành một chiếc máy tính bảng Android có thời lượng pin lên tới 28,3 giờ (riêng smartphone Padfone có thời lượng pin 15,8 giờ).
Thiết bị Padfone X Mini sẽ được nhà mạng AT&T cung cấp từ ngày 24-10 với giá 199,99 USD kèm một hợp đồng thuê bao trả trước.
Một ngày công nghệ 15-10: Thiết bị thông minh lăn khắp nhà |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận