20/10/2014 19:39 GMT+7

Một ngày công nghệ: điện thoại lại đeo trên thắt lưng

PHẠM HỒNG PHƯỚC
PHẠM HỒNG PHƯỚC

TTO - Cuộc chạy đua mở rộng kích thước smartphone đang làm người ta phải thay đổi cách sử dụng những chiếc phablet có màn hình từ 5.1 inch tới xấp xỉ 7 inch.

Ngay từ cái cách để mang nó theo bên người cũng đã phải thay đổi.

Người ta đã phải cơi nới, mở rộng những cái túi, đặc biệt là với quần jeans, để nhét lọt chiếc smartphone màn hình lớn như Apple iPhone 6 Plus, Samsung Galaxy Note 4, Oppo Find 7,… Và điều đáng nói là cái kiểu đeo điện thoại trên dây thắt lưng đang "bị" phục hồi trở lại.

Đã có những nhà sản xuất phụ kiện đưa ra những loại bao đựng phablet để kẹp lưng quần hay gắn vào dây thắt lưng. Thật ra cái cách đeo điện thoại trên "vòng số 2" này vừa xấu xí, vừa vướng víu, lại vừa nguy hiểm trước những bàn tay của bọn cướp giựt.

Biết đâu chừng cũng có lúc người ta nhận ra được những bất cập và nguy hiểm khi kết hợp lại với nhau giữa một thiết bị liên lạc (chỉ cần bắt sóng tốt, xài pin lâu) với một thiết bị lướt web, xem phim (cần màn hình lớn). Còn bây giờ thì cứ hồn ai nấy giữ, phablet ai nấy lo.

Samsung vẫn có Galaxy nắp gập

Cho dù điện thoại dạng thanh (bar) ngày nay là phổ biến, nhưng điện thoại vỏ sò nắp gập cũng chưa hề chết.

Trang công nghệ Phone Arena (20-10-2014) cho biết chiếc smartphone nắp gập sắp ra mắt của Samsung là Galaxy Golden 2 vừa được cơ quan xác thực thiết bị viễn thông Trung Quốc TENAA phê chuẩn.

Nó chạy CPU Qualcomm Snapdragon 801 quad-core 2,5GHz; bộ nhớ RAM 2GB, bộ nhớ lưu trữ 16GB, hỗ trợ thẻ nhớ microSD. Hệ điều hành Android 4.4.4 KitKat. Máy ảnh sau 16MP và máy ảnh trước 3.7MP. Nó có 2 màn hình Super AMOLED 3.9 inch với độ phân giải 720 x 1280 pixel.

Smartphone nắp gập Galaxy Golden 2 sẽ chỉ được bán ở Hàn Quốc và Trung Quốc. 

Mã hóa dữ liệu trở thành nỗi ám ảnh cho nhân viên an ninh Mỹ

Với lý do rất chính đáng và được lòng người tiêu dùng là để bảo vệ khách hàng của mình, các công ty công nghệ đang tiến hành mã hóa các hệ điều hành và dữ liệu của smartphone.

Không chỉ do bị ám ảnh bởi chuyện nghe lén của Cơ quan An ninh Quốc gia Mỹ (NSA) mà cựu điệp viên Edward Snowden từng tiết lộ, người ta ngày càng thêm lo lắng trước sự lộng hành của các tin tặc.

Nhưng người dân bảo vệ dữ liệu và thông tin cá nhân của mình như vậy lại là nỗi đau đầu cho các cơ quan an ninh Mỹ. Giám đốc FBI James Comey đã khuyến cáo rằng việc mã hóa smartphone sẽ dẫn tới những hậu quả nghiêm trọng.

Các cuộc điều tra án sát nhân có thể bị đình trệ khiến kẻ thủ ác vẫn sống ngoài vòng pháp luật, những đối tượng tình nghi vẫn nhơn nhởn trong xã hội, công lý sẽ bị bó tay khi điện thoại của các đối tượng đó bị khóa hay ổ đĩa lưu trữ bị mã hóa.

Người đứng đầu cơ quan điều tra liên bang Mỹ nhấn mạnh rằng luật mới cho phép nhà chức trách can thiệp vào các cuộc liên lạc của người dân khi cần thiết để điều tra, đặc biệt là đối với các nguy cơ khủng bố. Chỉ có điều, FBI thiếu khả năng công nghệ để mở khóa dữ liệu đã mã hóa.

Dùng hình ảnh thay cho các mật khẩu ký tự

Hãng khởi nghiệp Peekabu (Anh) vừa giới thiệu một dự án mới tên là Passage, dùng các hình ảnh để thay thế cho các mật khẩu bằng ký tự mà người ta phải gõ nhập vào mỗi khi đăng nhập hệ thống.

"Passage" là chữ viết tắt của "password" (mật khẩu) + "image" (hình ảnh).

Khi muốn đăng nhập hệ thống, bạn chỉ cần đưa hình ảnh đó ra trước camera của thiết bị. Ngay cả trong quá trình lướt web, việc đăng nhập các dịch vụ online cũng sẽ được làm bằng những hình ảnh. Bạn có thể dùng ảnh của gia đình mình hay bằng lái xe.

Hiện nay, dịch vụ Passage chỉ hoạt động trên nền Web. Nhưng nhóm phát triển cho biết đã có giải pháp để nó chạy trên các thiết bị iOS và Android.

PHẠM HỒNG PHƯỚC
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp