24/09/2016 08:04 GMT+7

Mất tiền oan từ tin quảng cáo, nhà mạng nhận đủ phần trăm?

VÕ HƯƠNG - ĐỨC THIỆN - MẠNH KHANG - TÀI PHONG
VÕ HƯƠNG - ĐỨC THIỆN - MẠNH KHANG - TÀI PHONG

TTO - Trong giao dịch với nhà mạng, người sử dụng luôn chịu thiệt như mất tiền oan từ tin nhắn quảng cáo, không thể yêu cầu mức dịch vụ tương xứng với giá tiền bỏ ra, nhận tin nhắn rác, khiếu nại nhiêu khê… 

Truy cập theo các tin nhắn mời tham gia trò chơi trúng thưởng các sản phẩm hấp dẫn có thể sẽ bị trừ tiền - Ảnh: CHÂU ANH
Truy cập theo các tin nhắn mời tham gia trò chơi trúng thưởng các sản phẩm hấp dẫn có thể sẽ bị trừ tiền - Ảnh: CHÂU ANH

Theo công bố của thanh tra Sở Thông tin và truyền thông (TT&TT) Hà Nội, từ tháng 1-2013 đến tháng 3-2016 đã có hàng chục ngàn khách hàng của bốn nhà mạng viễn thông Viettel, MobiFone, VinaPhone và Vietnamobile mất tiền cho cước phí các dịch vụ trên điện thoại mà họ đăng ký sử dụng. Nhiều khách hàng không biết rằng sẽ bị trừ phí, nên đã chấp nhận lời nhắn mời tham gia trò chơi có thưởng từ tin nhắn quảng cáo.

Tuy nhiên, Công ty SAM Media chỉ bị xử phạt 55 triệu đồng vì một số lỗi nhỏ trong khi đã kiếm được từ người dùng di động VN hơn 230 tỉ đồng. 

Hàng trăm bạn đọc cho rằng “Với những tin nhắn từ đầu số dịch vụ mất tiền, nhà mạng chắc chắn có thể cảnh báo với người dùng nhưng sao không chịu cảnh báo?”.

Nhiều bạn đọc kiến nghị các cơ quan chức năng xem xét trách nhiệm của các nhà mạng.

"Phần trăm" nhà mạng nhận được tỷ lệ nghịch trách nhiệm?

Một chuyên gia về nội dung số cho biết: “Hợp đồng thuê đầu số giữa doanh nghiệp cung cấp dịch vụ nội dung số (CP) với nhà mạng được chia thành 2 trường hợp. Trường hợp đầu tiên, CP thuê trực tiếp đầu số của nhà mạng. Thứ hai là CP thuê qua các công ty trung gian đã có hợp đồng đầu số với nhà mạng”.

Về tỷ lệ ăn chia, chuyên gia này cho hay, các nhà mạng đã có một khung tỷ lệ sẵn, mức tỉ lệ nhà mạng có thể nhận được là từ 45-75% tùy đầu số. Đối với các công ty cho thuê lại đầu số, tỷ lệ nhận được từ 9-15%. Phần còn lại là thuộc về doanh thu dành cho các CP.

Hợp đồng này sẽ tuân theo pháp luật Việt Nam cũng như quy định, nghị định về quản lý viễn thông, quản lý đầu số. Tuy nhiên, các hoạt động kinh doanh trên đầu số rất phức tạp và phong phú. Do vậy, nguyên nhân khiến người dùng đăng ký những dịch vụ không mong muốn và bị trừ tiền có thể đến từ chính người dùng hoặc đến từ CP.

Chuyên gia phân tích: “Về phía người dùng, họ thường xem thông tin về một số chương trình mà chính họ cũng không nắm hết nội dung và hiểu rõ bản chất nhưng lại đăng ký hoặc thì vô tình đăng ký vào những dịch vụ theo gói tuần, tháng, năm.

Từ phía CP, nếu CP đưa các kịch bản ban đầu đã được nhà mạng hoặc công ty cho thuê đầu số phê chuẩn nhưng sau đó lại đổi thành một kịch bản khác thì họ sẽ có những cách để gây nhầm lẫn, thậm chí đến mức lừa người tiêu dùng. Như việc các CP đưa ra những phần quà rất lớn, hết sức hấp dẫn,…hoặc CP đưa vào các ứng dụng, website khiến người dùng bấm nhầm vào dẫn đến việc đăng ký một dịch vụ nào đó”.

Theo thông tin từ Thanh tra Sở Thông tin và Truyền thông (TT&TT )Hà Nội thì số lượng khách hàng sử dụng dịch vụ của SAM Media tại thời điểm ngày 19-7-2016 là hơn 93.000 khách hàng. Trong đó có nhiều khách hàng khi được hỏi đều không biết mình đang sử dụng dịch vụ bị trừ tiền.

Sở TT&TT Hà Nội cũng kiến nghị Bộ TT&TT chỉ đạo các doanh nghiệp VN có liên quan thực hiện thông báo ngay cho các khách hàng trên hệ thống được biết khách hàng đang sử dụng dịch vụ mất tiền qua các đầu số và chỉ được tiếp tục cung cấp dịch vụ khi khách hàng đồng ý đăng ký gia hạn dịch vụ theo đúng quy định.

Cẩn thận khi sử dụng dịch vụ

Khảo sát của Tuổi Trẻ trên 100 người - Đồ họa: Võ Tân
Khảo sát của Tuổi Trẻ trên 100 người - Đồ họa: Võ Tân

PGS.TS. Ngô Trí Long - nguyên viện phó Viện Nghiên cứu thị trường giá cả - cho rằng, những trường hợp như SAM Media là một cú lừa ngoạn mục.

Trách nhiệm của nhà mạng là chắc chắn có nhưng hãy chờ cơ quan điều tra. Người dùng cũng có một phần trách nhiệm vì đã mất cảnh giác, tin vào những quà tặng, khuyến mãi lớn để đăng ký dịch vụ mà không biết rằng nếu không dùng nữa thì phải hủy đăng ký.

“Đến khi nhận ra thì họ đã mất tiền vài tháng liền. Muốn khiếu nại hay bồi thường là rất khó”, ông Long nói.

Theo TS. Nguyễn Minh Phong (ĐH Kinh tế - ĐHQG Hà Nội), các tổ chức cung cấp dịch vụ, kinh doanh không đảm bảo truyền đạt đến người tiêu dùng những thông tin cần thiết về quyền lợi, nghĩa vụ là kinh doanh không trung thực. Tuy nhiên, thực tế, trên thị trường người ta luôn muốn để những thông tin về lợi ích đập vào mắt người tiêu dùng để tạo động lực cho họ tham gia.

Quan trọng nhất, người tiêu dùng phải nắm rõ các thông tin và kiểm tra trước khi tham gia. Đừng nên dễ dãi, tò mò, chỉ nhìn vào cái được mà quên đi cái mất.

Ông Phong gợi ý, các nhà mạng có thể đưa thông tin sử dụng dịch vụ của thuê bao lên các trang web của họ chứ không nên để người dùng gọi tổng đài thì mới được biết. Có như vậy, bất cứ cước phí phát sinh nào người sử dụng cũng sẽ biết, họ không còn bị động nữa.

Điểm đ khoản 2 Điều 61 Nghị định số 174/2013/NĐ-CP của Chính phủ về xử phạt hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, công nghệ thông tin và tần số vô tuyến điện, đối với hành vi cung cấp thông tin về dịch vụ nội dung qua tin nhắn, nhắn tin trúng thưởng trên trang thông tin điện tử, Internet, nhưng thông tin giá, giá cước hiển thị không cùng kiểu mã lệnh, không ngay sát mã lệnh hoặc có kích thước nhỏ hơn 2/3 kích thước của mã lệnh thì mức xử phạt là từ 20-30 triệu đồng.

Nhưng nghị định lại không quy định về biện pháp khắc phục hậu quả đối với hành vi này, dẫn đến khó khăn trong việc xử lý các hành vi vi phạm, quyền lợi của người sử dụng dịch vụ bị xâm phạm.

TS. Nguyễn Hữu Thế Trạch

Mời bạn đọc nghe các phát biểu:

>> PGS. TS. Ngô Trí Long

>> Chuyên gia về nội dung số

VÕ HƯƠNG - ĐỨC THIỆN - MẠNH KHANG - TÀI PHONG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp