30/05/2016 08:08 GMT+7

Lùi việc chuyển mạng giữ số thêm 1 năm

ĐỨC THIỆN - QUỐC THANH (ducthien@tuoitre.com.vn)
ĐỨC THIỆN - QUỐC THANH ([email protected])

TTO - Bạn sẽ không lo mất số điện thoại di động khi chuyển sóng nhà mạng khác. Nhưng tại sao việc này lại lùi thêm một năm?

Nâng cao chất lượng dịch vụ nhà mạng sẽ góp phần giữ chân khách hàng của mình - Ảnh: Quang Định
Nâng cao chất lượng dịch vụ nhà mạng sẽ góp phần giữ chân khách hàng của mình - Ảnh: Quang Định

​Bộ trưởng Bộ Thông tin và truyền thông vừa quyết định thay đổi lộ trình cung cấp dịch vụ chuyển mạng giữ nguyên số thuê bao di động. Theo đó, thời gian cung cấp chính thức dịch vụ này là trước ngày 31-12-2017, thay vì từ 1-1-2017 như quyết định ban hành từ tháng 9-2013.

Cũng với quyết định nói trên, việc kết nối thử nghiệm dịch vụ kéo dài ít nhất 6 tháng và hoàn thành trước ngày 30-6-2017 (lộ trình trước đây ấn định hoàn thành trước 30-6-2016).

Giải thích việc thay đổi lộ trình này, ông Nguyễn Phong Nhã - phó cục trưởng Cục Viễn thông, Bộ Thông tin và truyền thông - cho biết lý do là dành thời gian để tạo điều kiện cho doanh nghiệp, Cục Viễn thông đầu tư... nâng cấp mạng lưới. Đồng thời thống nhất quy trình, phương án kỹ thuật đảm bảo cung cấp dịch vụ chất lượng tốt nhất cho người sử dụng.

Không lo mất số điện thoại ưng ý

Chị Kim Dung (khu đô thị Phú Mỹ Hưng, Q.7, TP.HCM) sở hữu số điện thoại di động mà theo chị là khá đẹp, ưng lòng, song đôi lúc cũng muốn chuyển sang nhà mạng chăm sóc khách hàng tốt hơn, chi phí cước phí có thể tiết kiệm hơn...

Nhưng chị cứ đắn đo mãi nếu chuyển sang mạng khác sẽ mất số điện thoại đang sử dụng và đã có biết bao nhiêu kết nối bạn bè, làm ăn... bằng số này. Chị Dung chọn giải pháp sử dụng hai số điện thoại của hai nhà mạng.

Nếu lộ trình cung cấp dịch vụ chuyển mạng thông tin di động giữ nguyên số thuê bao không có gì thay đổi nữa thì vào ngày 31-12-2017 (hoặc có thể sớm hơn), điều lo lắng, đắn đo của chị Dung sẽ không còn nữa.

Chị có thể chuyển sang nhà mạng khác mà số điện thoại di động đang sử dụng của chị không bị thay đổi bất kỳ một số nào trong dải 10 số - không giống như hiện tại, muốn chuyển sang nhà mạng khác, hoặc là phải chấp nhận mất số, hoặc phải sử dụng cả hai số điện thoại của hai nhà mạng khác nhau.

Còn theo cách giải thích của các nhà chuyên môn, dịch vụ chuyển mạng di động giữ nguyên số thuê bao sẽ cho phép thuê bao có thể thay đổi nhà cung cấp dịch vụ di động mà vẫn giữ nguyên được số điện thoại của mình.

Một trong những mục tiêu của dịch vụ, đứng về phía người sử dụng, là giúp họ có cơ hội lựa chọn nhà cung cấp dịch vụ tốt hơn mà không lo lắng vấn đề đổi số thuê bao mới, đặc biệt với những số thuê bao được coi là “đẹp”.

Ông Nguyễn Phong Nhã cũng khẳng định đây là dịch vụ đáp ứng nhu cầu của những khách hàng muốn thay đổi mạng đang sử dụng, tìm kiếm chất lượng dịch vụ tốt hơn, thậm chí giá cước ưu đãi hơn.

Theo ông Nhã, trên thế giới hiện nay có hơn 80 quốc gia đã có dịch vụ chuyển mạng không đổi số, trong đó có các quốc gia có nền viễn thông tiên tiến như: Mỹ, Anh, Singapore, Phần Lan, Nga, Đức...

“Kinh nghiệm quốc tế cho thấy khi thị trường đã đi vào bão hòa, mức cước di động đã tương đối ổn định, để thúc đẩy các doanh nghiệp nâng cao chất lượng dịch vụ, phát triển nhiều dịch vụ mới cho khách hàng thì các quốc gia cho phép triển khai dịch vụ chuyển mạng giữ nguyên số điện thoại” - ông Nhã chia sẻ.

Nhu cầu sử dụng điện thoại di động rất cao, nên việc nâng cao chất lượng dịch vụ là điều quan trọng trong thời gian tới - Ảnh: Quang Định
Nhu cầu sử dụng điện thoại di động rất cao, nên việc nâng cao chất lượng dịch vụ là điều quan trọng trong thời gian tới - Ảnh: Quang Định

 

Nhà mạng: giữ khách hàng bằng chất lượng

Theo tìm hiểu của chúng tôi từ phía một số nhà mạng, việc Bộ Thông tin và truyền thông quyết định lùi thời điểm cho chuyển mạng giữ nguyên số thuê bao là do đến thời điểm này, khâu chuẩn bị giữa các bên liên quan vẫn chưa hoàn thiện. So với thực tế triển khai, dịch vụ này được giới chuyên môn đánh giá là diễn ra khá chậm.

Ngay từ năm 2008, Sở Thông tin và truyền thông TP.HCM từng kiến nghị “phải sử dụng chung tài nguyên sẽ là cơ sở pháp lý cho việc bắt buộc các doanh nghiệp thực hiện quy định giữ nguyên số thuê bao khi chuyển mạng, góp phần hạn chế việc sử dụng tài nguyên kho số...”.

Trong khi đó, các doanh nghiệp viễn thông lại đang khá bị động trong tình trạng vừa làm vừa chờ hướng dẫn từ cơ quan chức năng.

Trao đổi với Tuổi Trẻ, các nhà mạng lớn đều cho biết đã thử nghiệm chuyển mạng giữ số theo đúng kịch bản (cũ) nhưng vẫn chưa có sự phối hợp giữa các mạng với nhau vì còn phải chờ hướng dẫn.

Đại diện nhà mạng VNPT - Vinaphone lý giải: “Do hiện nay việc tổ chức cơ sở dữ liệu tập trung của bộ chưa hoàn tất nên các kịch bản thử nghiệm vẫn còn nhiều hạn chế. Hiện tại VNPT đã tiến hành thử nghiệm việc chuyển mạng giữ số theo đúng kịch bản yêu cầu của bộ. Tuy nhiên, cũng do chưa có cơ sở dữ liệu dùng chung nên việc thử nghiệm mới đáp ứng được một phần kịch bản. Vấn đề này là khó khăn chung của các nhà mạng tại VN”.

Theo đại diện MobiFone, hiện nay hệ thống kỹ thuật của MobiFone đã sẵn sàng để tiến hành thử nghiệm chuyển mạng giữ số và đang chờ các chỉ đạo tiếp theo của Bộ Thông tin và truyền thông.

Còn Viettel cho biết họ đã có kinh nghiệm xây dựng hoàn thiện và áp dụng hệ thống chuyển mạng giữ số ở thị trường nước ngoài nên không lo lắng về việc áp dụng ở VN, chỉ cần chờ có hướng dẫn cụ thể từ bộ là sẽ tiến hành ngay.

Theo nhận định của đại diện MobiFone, nguy cơ mất thị phần, đặc biệt là thị phần khách hàng trung thành, hoàn toàn có thể xảy ra, ví dụ như việc khách hàng chuyển sang các mạng có chất lượng dịch vụ tốt hơn, đặc biệt là giá tốt hơn. Khi đó, công tác đảm bảo chất lượng dịch vụ sẽ rất quan trọng.

Đây cũng là cơ hội cho các nhà mạng tối ưu hóa các hệ thống như hệ thống thông tin thuê bao. Ngoài ra, cũng là cơ hội mở rộng thị phần, phát triển thuê bao lớn hơn tại các khu vực có ưu thế về chất lượng mạng lưới, chăm sóc khách hàng.

Dự kiến 7 bước chuyển mạng

Dự kiến quy trình chuyển mạng di động giữ nguyên số thuê bao sẽ gồm 7 bước:

1. Nhà mạng tiếp nhận yêu cầu chuyển mạng từ người dùng.

2. Kiểm tra điều kiện chuyển mạng của thuê bao.

3. Lập lịch chuyển mạng.

4. Thực hiện chuyển mạng.

5. Cập nhật thông tin định tuyến sau chuyển mạng.

6. Đồng bộ cơ sở dữ liệu thông tin định tuyến và thông tin thuê bao chuyển mạng.

7. Thông báo cho khách hàng thông tin về quá trình chuyển mạng.

Cơ bản vì người dùng, nhưng...

Trao đổi với Tuổi Trẻ, TS Nguyễn Trọng (chuyên gia công nghệ thông tin) nhấn mạnh trước hết đây là chủ trương nhằm hai mục tiêu tốt: một là vì quyền lợi người tiêu dùng, hai là nâng cao năng lực cạnh tranh của các nhà mạng mà mục tiêu cơ bản cũng là vì người dùng. Vấn đề là nhu cầu thực có ở mức nào và ai đầu tư?

Vậy Nhà nước có nên đầu tư thiết lập trung tâm chuyển mạng quốc gia hay không? Trước hết, nên nghiêm túc khảo sát thị trường xem liệu nhu cầu này lớn đến mức nào ở ta hiện nay và dòng chảy sẽ từ đâu về đâu. Giả sử có khoảng vài triệu thuê bao muốn chuyển từ MobiFone sang Viettel, vài triệu thuê bao muốn ngược lại...

Với đồ thị dòng chảy đó thì có lẽ Nhà nước không cần đầu tư mà sẽ có những giải pháp khác không cần sử dụng vốn ngân sách, chỉ cần Nhà nước yêu cầu các nhà mạng phải đáp ứng nhu cầu này của khách hàng bắt đầu từ thời điểm nào đó, chẳng hạn từ tháng 12-2016.

Các nhà mạng sẽ có cách giải quyết vì quyền lợi của chính họ. Về lâu dài, nhu cầu này có khả năng ngày càng ít đi là chính dù có thể vẫn tồn tại. Hãy để thị trường tự giải quyết trên cơ sở chủ trương của Nhà nước.

ĐỨC THIỆN - QUỐC THANH ([email protected])
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp