22/07/2017 15:12 GMT+7

Khám phá tầng ngầm của đại dương Internet (phần II)

TIÊU NGỌC LANG
TIÊU NGỌC LANG

TTO - Trong phần này chúng tôi sẽ giúp bạn đọc có cái nhìn sâu hơn về tầng đáy bí ẩn của Internet: Dark web, nơi lưu trữ các thông tin về khủng bố, các giao buôn bán ma túy, vũ khí, buôn người cho đến cả ám sát

Các công cụ của Dark web

Khám phá tầng ngầm của đại dương Internet (phần II) - Ảnh 1.

Hiện nay công cụ phổ biến nhất của dark web là TOR. Ban đầu, TOR là một công cụ được tạo ra cho hoạt động quốc phòng. Xuất phát từ nhu cầu bảo vệ những thông tin tình báo nhạy cảm, phòng nghiên cứu thí nghiệm Hải quân Hoa Kỳ đã nghiên cứu ra TOR (The Onion Router). Chữ Onion (nghĩa là củ hành) thể hiện cho nội hàm của công cụ, để đến được lõi thông tin phải đi qua nhiều lớp "vỏ". 

Được thiết kế để ngăn chặn việc đọc trộm thông tin gửi – nhận của hải quân và từ đó xác định được vị trí các con tàu, TOR sẽ mã hóa các thông tin và gửi chúng đi vòng vèo qua một loạt các "đường hầm ảo" (virtual turnel) và qua rất nhiều các máy tính ngẫu nhiên có mặt trên mạng vì vậy rất khó để có thể định vị được nguồn của thông tin phát ra.

Cũng như Internet, vốn là một nghiên cứu phục vụ quân đội, TOR cũng đã được đưa ra cho người dùng từ năm 2004 và đã nhanh chóng lan rộng và trở thành một công cụ phổ biến nhất trong việc thiết lập và truy cập Dark Web.

 Để có thể truy cập vào các trang Dark web xây dựng từ TOR, người ta chỉ có một cách là dùng các trình duyệt TOR. Tất nhiên, việc truy cập các Dark web bằng TOR sẽ chậm hơn rất nhiều so với các trang web thông thường do gói tin bị chuyển đi vòng vèo qua nhiều trạm trung gian khác nhau.

Khám phá tầng ngầm của đại dương Internet (phần II) - Ảnh 2.

mô hình đường đi vòng vèo của thông tin trong TOR

Ngoài ra, Dark web còn có thể sử dụng các dạng mã hóa theo lớp và mạng ngang hàng (peer-to-peer) như Hyperboria, Zeronet, FreeNet, FAI, GruNet, I2P…

Trong Dark Web có gì?

Bản chất của Dark Web đó là nơi các thông tin được mã hóa, được cất giấu một cách bí mật nhất, rất khó khăn để tìm ra được địa chỉ của nơi lưu trữ thông tin, và ở phía người dùng, cũng rất khó để lần vết được địa chỉ IP của người truy cập vào Dark web. 

Tất cả những điểm xuất phát và điểm đích của thông tin đều được xem là nặc danh (anonymous). Vì vậy một phần lớn thông tin trong dark web là những dữ liệu cần có độ bảo mật cao của các tổ chức, chính phủ.

Nhóm sử dụng Dark web tiếp theo là những người cần trao đổi thông tin riêng tư, những tổ chức lật đổ, tổ chức khủng bố. Ví dụ như trong cách mạng Mùa xuân Ả rập có một lượng lớn thông tin đã được dùng qua Tor, hoặc những thông tin của tổ chức khủng bố IS đưa lên trong thời gian gần đây cũng bằng Dark web.

Và cuối cùng, Dark web là vùng đất màu mỡ cho những giao dịch bất hợp pháp, những thị trường ngầm của giới tội phạm (cả trên mạng lẫn đời thực), nơi buôn bán ma túy, chất cấm, buôn bán phụ nữ … đến hacker và cả ám sát, như Silk Road trong phần I là một điển hình.

Khám phá tầng ngầm của đại dương Internet (phần 1) Khám phá tầng ngầm của đại dương Internet (phần 1)

TTO - Người dùng Internet thường cho rằng cần biết thông tin gì, chỉ cần tra Google. Nhưng liệu Google có thể tìm ra được mọi thứ hiện có trên Internet không? Câu trả lời là không. Đại dương thông tin Internet mênh mông hơn tưởng tượng rất nhiều.

Có nên thử dạo quanh Dark web

Có lẽ bạn đọc sẽ rất tò mò và muốn thử truy cập vào Dark Web, nhưng lời khuyên là KHÔNG, trừ khi bạn là một chuyên gia an toàn mạng. Việc thử lang thang vào Dark Web cũng giống như việc cố gắng đi qua một khu vực nhiễm xạ với hi vọng sẽ không bị ảnh hưởng. 

Việc giao dịch, mua bán trên Dark Web càng không nên bởi lẽ: nếu người mua không tiết lộ danh tính thì việc tìm được người bán càng khó hơn gấp bội. Sẽ không ngạc nhiên khi nhiều trang web trong Dark web xuất hiện và biến mất rất nhanh. 

Việc giao dịch trên Dark web không có bất kỳ một sự bảo đảm nào. Chưa kể đến một số trang còn cố gắng cấy virus, backdoor vào máy của người truy cập vào trang để đánh cắp thông tin.

Lời khuyên:

- Không nên truy cập vào các trang mạng thuộc nhóm Dark Web. Thường các trang dùng TOR sẽ có tên .onion, nếu vô tình bạn thấy các trang này hãy tránh xa.

- Luôn luôn cài đặt phần mềm chống virus trên máy và hãy quét virus tất cả những phần mềm được tải xuống từ các trang mạng, đặc biệt từ các trang Dark web.

- Cập nhật bản mới nhất của các trình duyệt.

- Khi sử dụng thẻ tín dụng trên mạng, bạn đọc nên đặc biệt lưu ý cẩn thận với những trang không có SSL (cách kiểm tra: đọc dòng địa chỉ trang web, https:// là có SSL, còn không có sẽ là http://)

- Nếu lỡ truy cập vào các Dark web, tuyệt đối không dùng các email cá nhân có thông tin cá nhân thật, không cung cấp thông tin thẻ tín dụng, không cung cấp thông tin cá nhân. Thậm chí, để cẩn thận hơn, cần phải dán băng keo đen vào camera, micro của máy tính đang dùng để truy cập.

Khám phá tầng ngầm của đại dương Internet (phần II) - Ảnh 4.

Ông chủ Facebook – Mark Zuckerberg dán băng keo đen vào Webcam và micro của laptop đang sử dụng.

Khi đã biết Deep web và Dark web là gì, bạn có tò mò muốn thử một lần đi dạo vào tầng ngầm của đại dương Internet? Đối với Deep web, đó sẽ chỉ là một số công cụ tìm kiếm sâu hơn Google. Nhưng với Dark web, lại là một chuyến đi nguy hiểm vì bạn sẽ bước chân vào thế giới ngầm xuyên biên giới. Và chúng tôi, đang cân nhắc việc hướng dẫn bạn truy cập Dark web một cách an toàn trong phần tiếp theo.

TIÊU NGỌC LANG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp