01/09/2016 09:01 GMT+7

Ireland chê 14,5 tỉ USD của Apple!

HOÀNG DUY - N.QUÂN
HOÀNG DUY - N.QUÂN

TTO - Ủy ban châu Âu (EC) đã yêu cầu Ireland phải truy thu 13 tỉ euro tiền thuế của Hãng Apple trong hơn 10 năm được hưởng ưu đãi. Nhưng Ireland lại đứng về phía Apple đòi kháng án.

Cách Apple né thuế ở Ireland - Nguồn: Uỷ ban Châu Âu - Đồ họa: V.Cường

Ngày 30-8, EC đã ra phán quyết được cho là “lời tuyên chiến” với việc cho rằng chính quyền Dublin đã tạo ra nhiều thuận lợi về thuế cho Hãng Apple của Mỹ. Cơ quan của châu Âu yêu cầu chính quyền Ireland phải truy thu thuế lên đến 13 tỉ euro (14,5 tỉ USD) trong giai đoạn kinh doanh 2003-2014 của Apple ở Ireland.

Súng lệnh đã nổ

Thông cáo của EC nêu rõ: “Việc Ireland cho Apple hưởng ưu đãi thuế là bất hợp pháp xét theo các quy định của Liên minh châu Âu (EU), vì cách này đã giúp Apple trả thuế ít hơn các doanh nghiệp khác. Ireland nay phải truy thu số tiền hỗ trợ bất hợp pháp đó”.

Bà Margrethe Vestager, ủy viên châu Âu phụ trách chính sách cạnh tranh, trong cuộc họp báo tại Brussels đã chỉ rõ rằng “kiểu chính sách tài chính có chọn lọc dành riêng cho Apple” của chính quyền Dublin đã giúp tập đoàn Mỹ “chỉ phải đóng thuế 1% trên lợi nhuận thu được vào năm 2003 và thậm chí còn giảm, chỉ còn 0,005% vào năm 2014”.

EC đã tính toán doanh thu của Apple trong giai đoạn đó để đưa ra con số 13 tỉ euro - số tiền truy thu thuế được cho là lớn nhất đến hiện nay áp dụng đối với một công ty.

Với phán quyết này, Brussels mong muốn tạo ra sự công bằng trong kinh doanh giữa tập đoàn của Mỹ với các doanh nghiệp của Ireland vốn tuân thủ theo luật của châu Âu là phải đóng thuế đến 12,5%.

Đây không phải là một phán quyết nghe qua rồi bỏ, nên Apple đã phản ứng tức khắc. Trong lá thư gửi EC của tổng giám đốc Apple, ông Tim Cook viết: “EC đã muốn viết lại lịch sử của Apple ở châu Âu mà không tính đến luật tài chính của Ireland và như thế làm đảo lộn cả hệ thống tài chính quốc tế”.

Phía Apple cáo buộc: “Phán quyết của EC không có cơ sở gì cả trong thực tế lẫn trong luật định. Hãng chúng tôi chưa bao giờ yêu cầu cũng như nhận được sự ưu ái đặc biệt về thuế. Chúng tôi hiện đang trong tình cảnh chưa từng có về chuyện phải trả thêm phần thuế bổ sung cho một chính phủ vốn không đòi hỏi chúng tôi phải trả thêm gì ngoài phần chúng tôi đã trả cho họ”.

Chính quyền Washington dù vẫn luôn cho rằng tìm giải pháp cứng rắn với nạn né thuế ở nước mình (tức tìm cách thu hồi tài chính từ những tập đoàn tìm cách đặt trụ sở vào các “thiên đường thuế”) lần này lại nhảy ra bênh vực cho Apple. Washington nhắn nhe châu Âu rằng nếu thực thi phán quyết kiểu “đơn phương” như thế này sẽ ảnh hưởng đến đầu tư của nước ngoài vào châu Âu.

Ireland chẳng muốn truy thu

Vấn đề rất lạ là chiếu theo phán quyết của EC thì chính quyền Dublin có lợi vì thu về được 13 tỉ euro, nhưng họ lại chấp nhận bỏ tiền ngân sách ra đến 667.000 euro cho phí thuê luật sư để cãi, không tuân thủ phán quyết của EC! Nói một cách khác là Dublin không muốn thu hồi số tiền to từ Apple.

Ông Michael Noonan, bộ trưởng tài chính của Ireland, đã tuyên bố đang chờ đợi sự chấp thuận của chính phủ để tiến hành kháng án. Khi đó vụ việc “từ chối truy thu thuế” này sẽ được đưa lên Tòa tư pháp của EU (CJUE).

Có ý kiến cho rằng Ireland không muốn đòi tiền Apple vì những thỏa thuận đã có trước kia và thực tế thì trong phán quyết lần này, EC cũng đồng thời khuyến khích các quốc gia thành viên EU có cho phép Apple kinh doanh truy thu thuế từ số doanh thu của Apple trên lãnh thổ mình (số này trước đây bị dồn về cho Ireland). Như thế thì Ireland sẽ khó lòng đút túi đủ 13 tỉ euro.

Chưa kể nếu Ireland đứng ra tính sổ với Apple thì cũng dễ mất đi sức hút “môi trường kinh doanh tuyệt hảo” với các công ty, tập đoàn quốc tế khác.

Vấn đề này cũng đã được ông Tim Cook nhắc lại rằng hồi năm 1980, tức “rất lâu trước khi có iPhone, iPad hay máy Mac”, Apple đã mở văn phòng tại Cork ở Ireland trong bối cảnh “tỉ lệ thất nghiệp cao và rất ít nhà đầu tư có mặt tại đây”. Ông giám đốc điều hành của Apple nhấn mạnh thêm: “Chúng tôi đã là người đóng thuế lớn nhất ở Ireland, ở Mỹ và cả ở toàn thế giới”.

Trong vụ việc này, tất cả các thành viên của EU đều bị Apple xỏ mũi thời gian qua. Bởi lẽ Apple đã không công bố cụ thể doanh thu bán các sản phẩm và dịch vụ của mình ở các nước thành viên EU, mà gom về một mối tại Ireland như thể tất cả đã được bán tại Ireland.

Theo điều tra của EC, Apple lợi dụng kẽ hở để thỏa thuận riêng với Ireland. Apple mở một đơn vị có tên gọi Apple Sales International chuyên trách bán các sản phẩm của tập đoàn ở châu Âu, châu Phi, Trung Đông và Ấn Độ. Đơn vị này kiếm hàng tỉ USD lợi nhuận. Đơn vị thứ hai là Apple Operations Europe chỉ sản xuất một số dòng máy tính của Apple để bán ở châu Âu. Hai đơn vị này đóng ngược về cho công ty mẹ ở Mỹ 2 tỉ euro mỗi năm cho cái gọi là “đầu tư vào nghiên cứu và phát triển”.

Sự dính líu mang tính ưu ái của chính quyền Dublin ở chỗ từ năm 1991, Ireland đã cho phép Apple đóng thuế đúng mức 12,5% chỉ với một phần nhỏ doanh thu bán được ở châu Âu. Phần lớn còn lại được phù phép chuyển ra một công ty chỉ nằm trên giấy và quan trọng là nằm ngoài lãnh thổ của Ireland, để chính quyền Dublin có thể vô tư phủi tay trách nhiệm.

Báo cáo của EC chỉ rõ vào năm 2011, chi nhánh của Apple ở Ireland từng lãi đến 16 tỉ euro, nhưng đã phù phép với sự trợ giúp của Dublin để chỉ phải đưa doanh số 50 triệu euro vào diện chịu thuế.

Mãi đến năm 2015, trước sức ép của châu Âu, Ireland mới điều chỉnh thuế với Apple, nhưng lúc đó Apple cũng đã điều chỉnh cơ cấu hoạt động tại đất nước này!

“Chưa phải đã có chiến thắng hoàn toàn trong cuộc chiến chống trốn thuế, nhưng rõ ràng nó đã được phát động"

Ông Olivier Petitjean (phụ trách Tổ chức Quan sát tập đoàn đa quốc gia)

 
HOÀNG DUY - N.QUÂN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp