30/03/2015 09:04 GMT+7

IPU-132 cảnh báo chiến tranh mạng

LÊ KIÊN
LÊ KIÊN

TT - Ngày 29-3, tại Trung tâm Hội nghị quốc gia Mỹ Đình, Đại hội đồng Liên minh nghị viện thế giới lần thứ 132 (IPU-132) nhộn nhịp với nhiều hoạt động về các chủ đề khác nhau.

Phó chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng, trưởng đoàn Quốc hội Việt Nam, phát biểu tại Đại hội đồng Liên minh nghị viện thế giới lần thứ 132 - Ảnh: TTXVN

 Các đoàn của Quốc hội VN tham gia tất cả các nội dung được thảo luận.

Chủ tịch Quốc hội VN Nguyễn Sinh Hùng được bầu làm chủ tịch Đại hội đồng IPU-132 và điều hành phiên toàn thể thứ nhất Hội đồng điều hành IPU.

Ông khẳng định IPU-132 là hoạt động ngoại giao nghị viện lớn nhất của Quốc hội VN từ trước đến nay, đồng thời là điểm nhấn trong tổng thể ngoại giao nhà nước và ngoại giao đa phương của VN với cộng đồng quốc tế.

Ông Hùng đề nghị các đại biểu tập trung thảo luận về vai trò, nhiệm vụ và những biện pháp của Quốc hội các nước để thật sự “biến những lời nói thành hành động”.

Đẩy nhanh tiến trình cải tổ Liên Hiệp Quốc

Đại diện đoàn VN, Phó chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng bày tỏ sự tán thành với nội dung cơ bản của 17 mục tiêu phát triển bền vững mà Liên Hiệp Quốc đang soạn thảo, nhất là các nội dung về xóa đói giảm nghèo; phát triển tiểu vùng và thu hẹp khoảng cách phát triển; bảo đảm an ninh năng lượng, an ninh nguồn nước; quản lý sử dụng tài nguyên; bảo đảm quyền con người, bình đẳng giới; bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu và nước biển dâng; giải quyết tình trạng bất công, bất bình đẳng xã hội, bảo đảm các nhu cầu cơ bản của con người, đào tạo bồi dưỡng nguồn nhân lực...

Bà Tòng Thị Phóng nhấn mạnh sự phát triển bền vững phải dựa trên ba trụ cột: tăng trưởng kinh tế, môi trường được bảo vệ và công bằng, tiến bộ xã hội.

Trong khi đó, tại phiên họp của Ủy ban thường trực về các vấn đề Liên Hiệp Quốc thảo luận chuyên đề kỷ niệm 70 năm thành lập Liên Hiệp Quốc, ông Hà Minh Huệ - đại diện đoàn VN - kiến nghị Liên Hiệp Quốc, Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc cần đẩy nhanh tiến trình cải tổ.

“Tiến trình này cần được tiến hành một cách toàn diện, cân bằng, minh bạch, bình đẳng và đáp ứng lợi ích của các nước thành viên” - ông Huệ nói.

VN ủng hộ nỗ lực cải tổ các hoạt động phát triển của Liên Hiệp Quốc và đang tích cực thực hiện sáng kiến “Một Liên Hiệp Quốc” nhằm đáp ứng tốt nhất các ưu tiên của quốc gia, phát huy vai trò làm chủ của Chính phủ và nâng cao hiệu quả hợp tác phát triển của Liên Hiệp Quốc ở các nước. VN sẽ tiếp tục tích cực tham gia cơ chế thương lượng liên chính phủ về cải tổ Liên Hiệp Quốc.

Chiến tranh mạng

Một trong các phiên họp đáng chú ý trong khuôn khổ IPU-132 là phiên họp của Ủy ban thường trực về hòa bình và an ninh quốc tế thảo luận về dự thảo nghị quyết “Chiến tranh mạng - mối đe dọa nghiêm trọng đối với hòa bình và an ninh thế giới”.

Các đại biểu thống nhất việc sử dụng Internet rộng rãi trên phạm vi toàn cầu đồng thời với sự gia tăng số lượng các cuộc tấn công trên không gian mạng, đe dọa đến an ninh của mỗi quốc gia, cộng đồng.

Hầu hết các cuộc xung đột chính trị, xung đột kinh tế và xung đột quân sự xảy ra trong thời gian qua đều có sự tham gia của công nghệ cao và mạng Internet.

“Chiến tranh mạng là vấn đề cấp bách nhưng những gì chúng ta biết về chúng chỉ là một phần nổi của tảng băng chìm. Chính vì vậy việc thảo luận về chủ đề này là rất quan trọng” - ông José Calos Mahía, báo cáo viên của ủy ban, nói.

Các thành viên ủy ban này khuyến cáo nghị viện các nước dùng quyền năng lập pháp và giám sát của mình để đảm bảo sự tuân thủ các cam kết quốc tế và thực hiện nghĩa vụ quốc gia trong việc sử dụng Internet, đảm bảo an ninh thông tin.

Vấn đề chiến tranh mạng cũng được cùng lúc thảo luận tại diễn đàn nghị sĩ trẻ. Nhiều ý kiến tại diễn đàn này cho rằng trong bối cảnh công nghệ kỹ thuật số, công nghệ thông tin bùng nổ, việc trước mắt là cần phải đưa ra định nghĩa chung toàn cầu về khái niệm chiến tranh mạng, tội phạm mạng, đạt được nhận thức chung về những nguy hiểm từ loại hình tội phạm này cũng như việc ngăn chặn tội phạm mạng, chiến tranh mạng.

Ông Nguyễn Đắc Vinh, chủ tịch nhóm nghị sĩ trẻ VN, nhấn mạnh đến những hậu quả từ chiến tranh mạng có thể nguy hiểm hơn so với các cuộc chiến tranh thông thường do không gian mạng không có giới hạn, khó nhận biết được các cuộc tấn công xuất phát từ người nào và ở đâu trên thế giới.

“Chúng tôi khuyến nghị IPU nên đưa ra tuyên bố chung kêu gọi tất cả các quốc gia không tiến hành chiến tranh mạng nhằm vào nhau dưới bất kỳ hình thức nào, đề nghị Liên Hiệp Quốc nhanh chóng xây dựng hiệp ước quốc tế về an toàn và an ninh mạng, yêu cầu các quốc gia thành viên IPU tăng cường hợp tác an ninh mạng và xây dựng năng lực quốc gia về an ninh thông tin” - ông Vinh nói.

Các hoạt động quan trọng trong khuôn khổ IPU-132 sẽ tiếp tục diễn ra vào hôm nay.

LÊ KIÊN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp