11/06/2017 11:11 GMT+7

Hãy văn minh khi dùng mạng xã hội

BÌNH MINH - NGỌC ĐÔNG thực hiện
BÌNH MINH - NGỌC ĐÔNG thực hiện

TTO - Một số người nước ngoài sống và làm việc tại Việt Nam chia sẻ về vấn đề này.

Qua Facebook, nhiều người biết và tham gia sự kiện dọn rác tại năm tỉnh, thành nhân Ngày trái đất 22-4-2017 do Tổ chức Việt Nam Sạch & Xanh khởi xướng. Trong ảnh: các thành viên tham gia dọn rác tại TP.HCM - Ảnh: Ngọc Đông
Qua Facebook, nhiều người biết và tham gia sự kiện dọn rác tại năm tỉnh, thành nhân Ngày trái đất 22-4-2017 do Tổ chức Việt Nam Sạch & Xanh khởi xướng. Trong ảnh: các thành viên tham gia dọn rác tại TP.HCM - Ảnh: Ngọc Đông

* Anh Andrew W. (người Mỹ):

Phải có trách nhiệm với những gì đăng tải

Chúng ta hay được dạy về việc hãy cẩn trọng với lời nói của mình, tránh gây tổn thương cho người khác. Ở thời đại mọi người đều sử dụng mạng xã hội, chúng ta cũng cần có trách nhiệm với những gì mình đăng tải trên mạng.

Nhiều bạn trẻ hiện nay cho rằng trang cá nhân là nơi để họ thoải mái thể hiện quan điểm mà không cần suy nghĩ về hậu quả những gì mình viết ra. Đừng nghĩ rằng bạn có thể ngồi sau bàn phím máy tính và thoải mái bộc lộ suy nghĩ của mình cũng như lời nói, vì ngôn từ viết ra có sức “sát thương” rất cao. Bằng chứng là có nhiều trường hợp đã tự tử chỉ vì những lời chế giễu, chửi mắng trên mạng.

Hãy tưởng tượng một ngày nọ bạn thức dậy và thấy hình ảnh, tên tuổi của mình được chia sẻ rộng rãi trên mạng xã hội kèm theo những lời khó nghe từ hàng trăm, hàng ngàn người bạn chưa hề gặp mặt lấy một lần. Bạn có cảm thấy dễ chịu không?

Tại Mỹ, nếu những thông tin bạn đăng tải gây tổn hại nặng nề cho danh dự hoặc uy tín một cá nhân hay tổ chức, bạn có thể bị kiện và chịu hình phạt rất nặng. Trong khi đó tại Việt Nam, mọi người thường nghĩ rất đơn giản rằng họ chỉ cần xóa bài đăng là đã có thể phủi hết mọi trách nhiệm
 

Trong thời đại mạng xã hội và Internet ngày càng phát triển, tôi nghĩ Việt Nam nên quan tâm nhiều hơn đến những vấn đề liên quan đến công nghệ. Cần có những luật hoặc quy định cụ thể để khiến người dùng có trách nhiệm hơn với những phát ngôn hoặc thông tin họ đăng tải trên mạng. Luật pháp nghiêm khắc là cách tốt nhất để đưa mọi thứ vào khuôn khổ.

Ngoài ra, người Mỹ được dạy cách tư duy phản biện từ khi còn rất sớm. Chính vì vậy, chúng tôi luôn nhìn vấn đề với con mắt suy xét nhiều góc độ trước khi chia sẻ bất cứ điều gì.

Ông Stivi Cooke (người Úc):

Góp ý trực tiếp hơn là lên Facebook phàn nàn

Nhiều người phàn nàn trên mạng xã hội với hi vọng người khác sẽ đồng ý hoặc ủng hộ mình. Tuy nhiên việc này, theo tôi, không hiệu quả bằng khiếu nại trực tiếp đến nơi mà mình không hài lòng đó.

Nếu góp ý người khác trên Facebook, người góp ý đưa ra được càng nhiều chi tiết càng tốt và không tấn công vào cá nhân. Ngoài ra, cố gắng ứng xử một cách thật khách quan với bất kỳ ý kiến nào trái chiều mình. Phần lớn các trường học phương Tây đều dạy cách sử dụng Internet hợp lý trong môn công nghệ thông tin và máy tính.

Nhiều quốc gia đã có luật về phỉ báng và các luật này đã được mở rộng, cập nhật cho lĩnh vực mạng xã hội. Do đó, khả năng người phỉ báng người khác vướng vào rắc rối pháp lý là rất cao và chuyện đó có thể ảnh hưởng đến sự nghiệp hiện tại và tương lai của họ.

Thanh thiếu niên thì thường không phải ra tòa, tuy nhiên, học sinh vẫn bị phạt theo luật nếu đưa ra những tuyên bố không chính xác, mang tính kỳ thị và gây hại cho người khác hoặc hàng hóa - dịch vụ của doanh nghiệp.

Để trẻ em có thể sử dụng mạng xã hội một cách thông minh, tôi nghĩ giáo dục là một phần của câu trả lời và cha mẹ nên giám sát việc sử dụng Internet của trẻ.

Trẻ em nên được dạy về tính công bằng, suy nghĩ trước khi đăng nội dung, cũng như làm thế nào để thể hiện ý kiến của mình mà không gây tổn thương cho ai, đồng thời phải biết đón nhận quan điểm của người khác.

* Ông Herby Neubacher (người Đức):

Nên hành xử như một xã hội thật

Trước hết xin chia sẻ ngay là tôi không thích Facebook vì đó hầu như là một “cỗ máy nhiều chuyện”.

Facebook là một “ngôi chợ” mở. Ở đó bạn có thể tán dương, nhiều chuyện và khiếu nại, nhưng bạn phải ý thức được hậu quả của những việc đó. Tôi nghĩ khi đã sử dụng Facebook, bạn nên ý thức được những quy định, đồng thời thể hiện sự tôn trọng cũng như dùng từ ngữ lịch sự khi nói về vấn đề gì đó với tinh thần không bắt nạt, không ghét bỏ, không kỳ thị.

Tại sao có nhiều người lên Facebook lại trở thành một con người khác và giấu mặt đằng sau cái gọi là mạng xã hội? Nếu đã có yếu tố “xã hội” thì chúng ta nên hành xử như một xã hội thật.

Ở Đức, chúng tôi phạt nặng Facebook nếu họ đăng hoặc không gỡ bỏ các nội dung gây tổn thương nặng nề đến người khác. Tôi nghĩ đây là một ý tưởng hay và nên được tham khảo để áp dụng ở Việt Nam.

Trong giới truyền thông, nếu trang nào đó đăng các nội dung vu cáo người khác, trang đó sẽ bị phạt. Facebook là một công cụ truyền thông nên cũng phải có trách nhiệm cho những gì họ đăng tải, hoặc cho phép thành viên của mình đăng tải. Họ có nghĩa vụ phải biên tập các nội dung đó, cũng như mọi tờ báo và đài truyền hình phải có trách nhiệm trước những nội dung đăng trên kênh của họ mà thôi.

Mạng xã hội không phải trò chơi

Tôi biết nhiều người Việt Nam hay có thói quen dùng từ “chơi” thay vì “sử dụng” Facebook. Ngay trong cách gọi đó đã cho thấy các bạn có cái nhìn không đúng đắn về mạng xã hội. Mạng xã hội không phải là một trò chơi.

Đó là nơi để bạn kết nối, giao lưu, học hỏi thêm nhiều kiến thức mới, nhưng cũng có thể là nguyên nhân đẩy một người nào đó, hoặc chính bạn, đến những rắc rối và hiểm nguy. Hãy nghiêm túc và văn minh khi sử dụng mạng xã hội, đặc biệt là khi bạn còn trẻ, có tri thức và tư duy.

Andrew W.

BÌNH MINH - NGỌC ĐÔNG thực hiện
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp