25/09/2014 19:31 GMT+7

Doanh nghiệp trước xu hướng "lên mây"

THANH TRỰC
THANH TRỰC

TTO - Giải pháp "đám mây lai" đã linh hoạt, bảo mật và tương thích hơn với môi trường hạ tầng doanh nghiệp. Vì sao nên dùng?

Ảnh minh họa: Internet
Ảnh minh họa: Internet

Thời của "đám mây lai"

Không còn bàn cãi về tính khả thi của điện toán đám mây. Trong danh sách 10 Xu hướng chiến lược công nghệ 2014 do Gartner công bố, "đám mây" chiếm đến ba vị trí, trong đó có "đám mây lai".

"Đám mây lai" (Hybrid Cloud) ra đời kết thúc cuộc tranh cãi giữa "đám mây công cộng" (Public Cloud) và "đám mây riêng" (Private Cloud) đối với hạ tầng công nghệ thông tin (IT) doanh nghiệp. "Đám mây lai" kết hợp độ an ninh của "đám mây riêng" với sức mạnh, khả năng co giãn (mở rộng hay thu hẹp) và tiết kiệm chi phí của "đám mây công cộng".

Hiểu đơn giản, "đám mây lai" cho phép các doanh nghiệp sử dụng nguồn lực bên ngoài (outsource) từ các nhà cung cấp dịch vụ "đám mây" như Microsoft, Google hay Amazon như một phần hạ tầng hay dịch vụ của họ.

Theo đó, ngày càng nhiều doanh nghiệp đưa hạ tầng của mình "lên mây". "Đám mây lai" cung cấp nhiều giải pháp, dịch vụ tùy biến cho những lãnh đạo IT, vừa đáp ứng yêu cầu về độ an toàn, đồng thời giúp doanh nghiệp hòa mình vào dòng Dữ liệu Lớn (Big Data).

Điện toán đám mây dần đi vào đời sống doanh nghiệp, người dùng và cả ở cấp độ quốc gia - Ảnh minh họa: Microsoft
Điện toán đám mây dần đi vào đời sống doanh nghiệp, người dùng và cả ở cấp độ quốc gia - Ảnh minh họa: Microsoft

Theo báo cáo từ Spiceworks, chi tiêu trung bình cho CNTT gồm dịch vụ và sản phẩm của các doanh nghiệp vừa và nhỏ (SMB) tại Mỹ tăng lên 192.000 USD năm ngoái so với mức 162.000 USD năm 2012. Hiện có 60% doanh nghiệp SMB sử dụng dịch vụ "đám mây" và có thể tăng lên 66% trong sáu tháng tới.

Số liệu công bố vào đầu năm từ RightScale còn lạc quan hơn khi khảo sát cho thấy 90% lãnh đạo IT từ các công ty hơn 1.000 nhân viên có kế hoạch mở rộng dịch vụ đám mây, tiếp cận "đám mây lai". 74% doanh nghiệp có một chiến lược "đám mây lai", hơn phân nửa số đó dùng cả hai "đám mây công cộng" và "đám mây riêng".

Xu hướng
Xu hướng "lên mây" của các doanh nghiệp chiếm đại đa số, với các mô hình đám mây - Nguồn: RightScale
"Đám mây lai" (Hybrid Cloud) chiếm vị trí chiến lược trong kế hoạch "lên mây" của doanh nghiệp - Nguồn: RightScale

Trong xu hướng này, ba ông lớn gồm Microsoft, Google và Amazon cùng đưa ra những giải pháp đón đầu lần lượt gồm Windows Azure, Google Cloud Platform hay Amazon AWS với những dịch vụ IaaS (Hạ tầng như một dịch vụ) và PaaS (Nền tảng như một dịch vụ), và theo thời gian, những "đám mây" ngày càng được cải tiến thích ứng với nhu cầu "lên mây" của doanh nghiệp SMB, thỏa mãn những khúc mắc khi triển khai, đưa hệ thống mô hình truyền thống sang "đám mây".

Microsoft gia tăng tốc độ trong cuộc đua "trên mây" cạnh tranh với Amazon và Google bằng nhiều giải pháp lẫn bơm sức mạnh vào Azure, giải pháp "đám mây lai" của Microsoft. Bổ sung bộ nhớ, trang bị ổ cứng thể rắn (SSD) thay cho ổ đĩa cứng (HDD) nhằm tăng tốc độ xử lý dữ liệu cho máy chủ ảo hóa D-series. Như dòng D14 có 112 GB bộ nhớ và 800 GB ổ cứng SSD.

Doanh nghiệp càng được lợi hơn khi bộ ba tay đua cùng bắt đầu cạnh tranh về giá trong khi vẫn gia tăng chất lượng và giải pháp. 

Theo số liệu từ RightScale, Amazon Web Services (AWS) dẫn đầu thị trường "đám mây công cộng" với 54% thị phần. Trong khi đó, Azure của Microsoft thu hút các doanh nghiệp quy mô lớn, Google Cloud Platform hấp dẫn đối với doanh nghiệp vừa và nhỏ (SMB).

Ở thị trường "đám mây riêng" là cuộc chơi giữa VMware và OpenStack.

Thị trường
Thị trường "đám mây" cho doanh nghiệp 2014 - Nguồn: RightScale

"Đám mây lai" giúp ích gì cho doanh nghiệp

Khảo sát từ RightScale cho thấy, doanh nghiệp hưởng được nhiều lợi ích thực tế khi triển khai "đám mây lai". 

Đại diện các doanh nghiệp cho biết lợi ích khi triển khai điện toán đám mây trong năm 2014 đã tăng hơn so với năm trước, bao gồm nhiều điểm như tính sẵn sàng cao hơn, tiết kiệm chi phí, xóa giới hạn địa lý, và kinh doanh tiếp nối. 

Lợi ích từ triển khai hạ tầng
Lợi ích từ triển khai hạ tầng "đám mây" cho các nhóm doanh nghiệp mới tiếp cận, đang tìm hiểu hay nhóm tập trung vào "đám mây" - Nguồn: RightScale
Lợi ích so sánh giữa năm 2013 và 2014 - Nguồn: RightScale
Lợi ích so sánh giữa năm 2013 và 2014 - Nguồn: RightScale

Lấy ví dụ từ Azure. Hệ điều hành Windows Azure và gói dịch vụ Windows Azure hướng tới giải pháp đám mây lai giúp doanh nghiệp chuyển đổi cơ sở hạ tầng hiện tại một cách linh hoạt và tiết kiệm chi phí. Doanh nghiệp triển khai giải pháp Azure đồng nghĩa họ chạy ứng dụng, lưu trữ dữ liệu trên hệ thống máy chủ "đám mây" được vận hành bởi Microsoft. Độ an ninh, bảo dưỡng, duy trì... thực hiện bởi đội ngũ kỹ sư Microsoft thay vì đầu tư phòng CNTT quy mô tại doanh nghiệp.

Hệ điều hành đám mây cho phép các doanh nghiệp nhanh chóng và linh hoạt trong việc xây dựng và quản lý các ứng dụng hiện đại được tích hợp xuyên suốt và nhuần nhuyễn giữa các nền tảng, địa điểm và thiết bị; hỗ trợ quá trình phân tích thông tin chính xác từ khối lượng dữ liệu cũ và mới; đồng thời hỗ trợ người dùng có thể làm việc ở bất cứ nơi nào và trên bất cứ thiết bị nào.

Gói dịch vụ Windows Azure mang các công nghệ thuộc Windows Azure đến trung tâm dữ liệu, giải quyết yêu cầu của các nhà cung cấp dịch vụ và những doanh nghiệp muốn sử dụng dịch vụ CNTT thông qua các nhà cung cấp. 

Giải pháp Azure còn giúp doanh nghiệp quản lý xu hướng BYOD (mang thiết bị cá nhân đến công sở), thực thi các ứng dụng chuyên biệt cho doanh nghiệp dễ dàng.

Các yếu tố được doanh nghiệp chú ý khi triển khai "đám mây lai" gồm: 

1. Độ an toàn
2. Tính tương thích với hạ tầng / hệ thống hiện tại, chuyển đổi lên "đám mây" linh hoạt
3. Chi phí
4. Hiệu năng / Độ co giãn
5. Quản lý cùng lúc nhiều dịch vụ đám mây
6. Mức độ kiểm soát thông tin, dữ liệu

THANH TRỰC
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp