28/11/2016 11:28 GMT+7

Đi lại... thông minh 

NGỌC ẨN (ngocan@tuoitre.com.vn)
NGỌC ẨN ([email protected])

TTO - TP.HCM đã đi trước một bước trong việc ứng dụng công nghệ giao thông thông minh để phục vụ người dân đi lại như BusMap, bản đồ số thông minh... Hiện việc ứng dụng công nghệ giao thông thông minh đang ở bước khởi đầu.

Với ứng dụng BusMap, người dùng có thể tra cứu trạm xe buýt gần nhất, thời gian xe buýt đến bằng điện thoại thông minh hoặc máy tính bảng - Ảnh: Lê Phan
Với ứng dụng BusMap, người dùng có thể tra cứu trạm xe buýt gần nhất, thời gian xe buýt đến bằng điện thoại thông minh hoặc máy tính bảng - Ảnh: Lê Phan

Chỉ tay vào màn hình chiếc điện thoại di động, lãnh đạo Trung tâm Quản lý và điều hành vận tải hành khách công cộng TP.HCM cho biết hành khách đi xe buýt rất dễ dàng tiếp cận ứng dụng BusMap thông qua thiết bị di động thông minh (với thiết bị chạy ba hệ điều hành phổ biến là Android, Windows Phone và iOS).

Người dân chỉ cần bật mạng để truy cập Internet (WiFi hoặc 3G), tải ứng dụng BusMap về máy (tại kho ứng dụng AppStore hoặc CH Play), cài đặt và sau đó sử dụng.

Đi lại... thông minh

Vào BusMap thì nhấn vào nút dấu + dưới màn hình sẽ hiện ra mục “tìm đường” và “tra cứu”. Ứng dụng BusMap cho phép người dùng sử dụng tính năng xem thông tin của các tuyến xe buýt (lộ trình, biểu đồ giờ...).

Theo đó, người dùng đứng ở địa điểm nào có thể dễ dàng tìm đường ngắn nhất để đến trạm xe buýt gần nhất.

Ngoài ra, ứng dụng BusMap cho phép người dùng biết thêm thời gian xe sắp đến trạm (trạm do người dùng chọn) nhằm giúp người dùng chủ động và tiết kiệm thời gian để đón xe cho phù hợp với nhu cầu.

Ví dụ đến trạm Bến Thành (Q.1), hành khách có thể biết các tuyến xe buýt Bến Thành - Đại học Quốc tế, Bến Thành - Âu Cơ, Lạc Long Quân trong vòng vài ba phút sẽ có xe buýt đến đón. Đồng thời, hành khách thông qua BusMap có thể góp ý xe buýt vi phạm.

Theo Trung tâm Quản lý và điều hành vận tải hành khách công cộng, đến nay sau hơn một năm đưa BusMap vào hoạt động, mỗi ngày có hơn 26.000 người truy cập BusMap.

Anh Phạm Trần Như Tú - hành khách đi xe buýt - nhận xét: “Mình rất bất ngờ khi biết app này ở TP và cực kỳ dễ sử dụng”. Ứng dụng giao thông thông minh đã được đưa vào các biển quang báo điện tử trên nhiều đường phố.

Ông Lê Minh Triết - quyền giám đốc Trung tâm quản lý đường hầm sông Sài Gòn, đơn vị giám sát giao thông ở TP - cho biết đã lắp đặt 53 biển quang báo điện tử. Trong đó hiển thị thông tin đầy đủ về tình hình giao thông, sự cố trên đường để người dân lựa chọn hướng đi tránh điểm ùn ứ, kẹt xe.

Nhờ quan sát qua các camera giao thông nên các biển quang báo điện tử này cập nhật thường xuyên tình hình giao thông rất nhanh chóng. Dự kiến trong thời gian tới sẽ lắp đặt thêm 100 biển quang báo điện tử trên các trục đường chính.

Người dân được phục vụ tốt hơn

Ông Lê Minh Triết cho biết mọi người có thể nắm bắt tình hình giao thông trên tất cả các tuyến đường TP.HCM nhờ “hệ thống thông tin giao thông” thông minh.

Theo đó, trên màn hình điện thoại hiện lên bản đồ từng tuyến đường với gam màu xanh - đường thông thoáng, màu vàng - đường ùn ứ giao thông và màu đỏ là đường kẹt xe.

Đồng thời, mọi người cũng có thể biết được tốc độ xe lưu thông trên đường, từ đó chọn hướng giao thông phù hợp để tránh kẹt xe.

Hiện “hệ thống thông tin giao thông” - bản đồ số thông minh đang trong giai đoạn thí điểm, sẽ được đưa vào hoạt động chính thức đầu năm 2017 để người dân TP sử dụng.

Tương tự, với 300 camera của ngành giao thông lắp đặt trên các tuyến đường và 20 camera giám sát các điểm thường xuyên ngập nước cũng sẽ được đưa vào mạng. Theo đó, người dân có thể quan sát tình hình giao thông, ngập nước trên đường để chọn hướng đi tốt hơn.

“Hiện việc giám sát giao thông qua camera đang trong giai đoạn thí điểm và dự kiến đầu năm 2017 sẽ công bố công khai để người dân quan sát tình hình giao thông bằng hình ảnh camera trên điện thoại di động” - ông Triết cho biết.

Không chỉ giải quyết kẹt xe tại giao lộ trên đường Mai Chí Thọ - Võ Văn Kiệt, TP có kế hoạch đầu tư khoảng 250 tỉ đồng lắp đặt hệ thống điều khiển đèn tín hiệu giao thông ở 300 giao lộ trên các trục đường chính.

Như vậy, khi dự án này triển khai thì trung tâm sẽ điều khiển chu kỳ đèn tín hiệu giao thông ở các giao lộ sẽ kéo giảm kẹt xe ở TP.

Để phục vụ việc đi xe buýt tốt hơn, Trung tâm Quản lý và điều hành vận tải hành khách công cộng cho biết bên cạnh việc xe buýt phải lắp đặt thiết bị giám sát hành trình, phải lắp đặt camera trên xe.

Đến nay có hơn 1.200 xe đã lắp đặt camera, hiệu quả là một số tuyến xe buýt kéo giảm nạn móc túi, nạn quấy rối tình dục trên xe và qua theo dõi camera ở xe buýt trung tâm đã chấn chỉnh thái độ phục vụ hành khách của nhân viên xe buýt.

Theo lãnh đạo đơn vị này, trong năm 2017 bắt buộc hơn 2.700 xe buýt phải lắp đặt camera nhằm nâng cao chất lượng phục vụ hành khách.

Trong cuộc họp mới đây với Ban kinh tế - ngân sách HĐND TP, ông Lê Hoàng Minh - phó giám đốc Sở GTVT - khẳng định sở đang đẩy nhanh dự án xây dựng hệ thống vé điện tử thông minh và dự kiến đầu năm 2017 đưa vào sử dụng.

Đồng thời, xây dựng chính sách giá vé và phương án trợ giá vé phù hợp khi thực hiện vé thông minh.

Trung tâm điều khiển giao thông thông minh

Lãnh đạo Sở GTVT TP.HCM cho biết trong giai đoạn 1 năm 2016-2017 sẽ triển khai xây dựng trung tâm giám sát điều khiển giao thông thông minh TP bao gồm hệ thống hiển thị màn hình, hạ tầng công nghệ thông tin; đầu tư nâng cấp tích hợp các hệ thống điều khiển, giám sát quản lý giao thông thông minh dự kiến trên 300 chốt giao thông tại 78 tuyến đường trọng điểm.

Giai đoạn 2, dự kiến sau năm 2020 hoàn thành trung tâm điều khiển giao thông thông minh với quy mô toàn TP. Đây sẽ là “trái tim” của toàn bộ hệ thống giao thông thông minh của TP kết nối với tất cả các thiết bị ngoại vi, thông qua một hệ thống truyền thông tiên tiến.

NGỌC ẨN ([email protected])
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp