Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tổng đầu tư của Samsung vào Việt Nam đến năm 2017 sẽ chạm ngưỡng 12,6 tỉ USD - Ảnh: exhibitoronline.com |
Việt Nam đang tìm cách vận động nguồn nhân lực trở thành đội ngũ lao động am hiểu công nghệ, nhằm tạo ra hấp lực đối với các công ty công nghệ lớn.
Trong tháng 1, Đặc sứ Khoa học và Công nghệ của Mỹ năm 2015 - Tiến sĩ Geraldine L. Richmond đã đến thăm Việt Nam, gặp gỡ đại diện cộng đồng khoa học, doanh nghiệp và học thuật để thảo luận cách thức xây dựng mạng lưới hợp tác nghiên cứu vững chắc giữa các nhà khoa học - kỹ sư 2 nước.
Thương hiệu toàn cầu ồ ạt gõ cửa
Với các ưu đãi tài chính hào phóng của chính phủ và đội ngũ lao động có trình độ ngày một gia tăng, nhiều công ty công nghệ cao đã di chuyển cơ sở sản xuất khá lớn của họ về Việt Nam, bao gồm Samsung, Intel, LG Electronics, và Nokia.
Cùng với gói đầu tư “khủng”, Samsung hiện là nhà xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam sau khi đưa ra quyết định sản xuất phần lớn các dòng điện thoại thông minh của hãng tại đây. Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tổng đầu tư của Samsung vào Việt Nam đến năm 2017 sẽ chạm ngưỡng 12,6 tỉ USD, và trở thành nhà đầu tư ngoại lớn nhất cả nước.
Trong khi đó, Nokia đang mở rộng các cơ sở sản xuất ở Việt Nam ngay tại thời điểm cắt giảm 12.500 việc làm chuyên nghiệp và phổ thông tại Trung Quốc trong năm 2015. Công ty nay sẽ sản xuất hầu hết điện thoại của hãng tại Hà Nội.
Hôm 29-7-2014, Intel đã công bố lần đầu tiên sản xuất CPU tại Việt Nam. Hãng dự báo Việt Nam sẽ là “đại bản doanh” sản xuất 80% CPU Intel cho thị trường toàn cầu.
Điện thoại nội địa đang “đổ chuông”
Trong khi Samsung rõ ràng chiếm trọn vị trí đầu tàu trong ngành sản xuất điện thoại tại Việt Nam, thì hàng loạt công ty địa phương vẫn sản xuất riêng những mẫu điện thoại thông minh (smartphone) của họ để bán ra thị trường nước ngoài.
Năm 2013, Tập đoàn VNPT đã cho ra đời công ty sản xuất smartphone nội địa đầu tiên của Việt Nam - Vivas Lotus S1. Hãng đã tung ra một loạt phiên bản giá rẻ của cùng một model.
Ngoài ra, Tập đoàn Viễn thông Quân đội Viettel cũng rục rịch sản xuất smartphone từ năm 2013. Smartphone sản xuất tại Việt Nam đều có xu hướng tập trung vào thị trường cấp thấp.
Bỏ ngỏ
Ngành công nghiệp công nghệ cao vẫn còn nhiều việc phải làm trong quá trình kiến thiết. Để tránh bị đóng khung là "dây chuyền lắp ráp công nghệ cấp thấp", chính phủ muốn đất nước nhanh chóng đẩy mạnh chuỗi giá trị và giúp doanh nghiệp địa phương phát triển. Trong dài hạn, Việt Nam sẽ phải đối mặt với cái bẫy "thu nhập trung bình" - một mối lo đã được gọi tên.
Chính phủ quyết tâm nâng cấp cơ sở hạ tầng và các điều kiện kinh doanh thuận lợi hơn cho giới đầu tư, đặc biệt là công ty công nghệ cao. Chỉ có thời gian mới trả lời được Việt Nam có thể trở thành Thung lũng Silicon mới của châu Á, nhưng trước mắt các doanh nghiệp ngoại đang hưởng lợi từ lực lượng lao động giá rẻ với nhiều ưu đãi chính sách.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận