15/11/2015 15:04 GMT+7

Cắt sóng nửa tháng vẫn chưa được 
hỗ trợ đầu thu

TRƯỜNG TRUNG
TRƯỜNG TRUNG

TT - Dù tại TP Đà Nẵng chính thức tắt sóng truyền hình tương tự (analog) chuyển sang số hóa truyền hình được nửa tháng nhưng đến nay gần 6.000 hộ dân bị ảnh hưởng ở Quảng Nam vẫn chưa biết đến bao giờ mới được hỗ trợ đầu thu theo quy định 
Nhà nước.

Một hộ dân ở tỉnh Quảng Nam đi mua đầu thu số tại cửa hàng điện máy ở Đà Nẵng - Ảnh: Tr.Trung
Một hộ dân ở tỉnh Quảng Nam đi mua đầu thu số tại cửa hàng điện máy ở Đà Nẵng - Ảnh: Tr.Trung

Sau khi TP Đà Nẵng cắt sóng analog vào ngày 1-11, có gần 12.000 hộ dân ở bốn huyện, thành phố phía bắc tỉnh Quảng Nam và hơn 5.000 hộ tại Đà Nẵng được hỗ trợ đầu thu số để xem truyền hình. Tuy nhiên, trong quá trình khảo sát công tác số hóa truyền hình tại Quảng Nam vào tháng 8-2015, phát hiện thêm 12 xã ở hai huyện Đại Lộc và Duy Xuyên nằm trong khu vực bị lõm, không xem được truyền hình khi Đà Nẵng cắt sóng.

Cụ thể là xã Duy Phú, Duy Sơn (huyện Duy Xuyên) và thị trấn Ái Nghĩa, xã Đại Nghĩa, Đại Quang, Đại Đồng, Đại Hồng, Đại Thạnh, Đại Chánh, Đại Lãnh, Đại Sơn, Đại Hưng (huyện Đại Lộc), các địa phương này không nằm trong danh sách hỗ trợ đầu thu. Tại cuộc họp với ban chỉ đạo đề án số hóa truyền hình VN vào cuối tháng 9-2015, ông Nguyễn Chín - phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam - đề nghị sớm hỗ trợ đầu thu cho các đối tượng ở 12 xã này. Bộ trưởng Bộ Thông tin và truyền thông Nguyễn Bắc Son cũng lưu ý tính cấp thiết hỗ trợ đầu thu trước khi thực hiện số hóa truyền hình ở Đà Nẵng, nhưng đến nay người dân vẫn đang chờ được hỗ trợ đầu thu.

Trao đổi với Tuổi Trẻ, bà Phạm Thị Ngọc Quyên - phó giám đốc Sở Thông tin và truyền thông Quảng Nam - nói chưa biết khi nào các hộ dân được hỗ trợ đầu thu. Theo bà Quyên, sau khi khảo sát lại thì có 2.292 đối tượng là hộ nghèo và 3.624 đối tượng hộ cận nghèo nằm trong diện được hỗ trợ đầu thu tại 12 xã nói trên. “Ngay sau khi phát hiện vùng lõm sóng mới, tỉnh đã chỉ đạo các ngành khảo sát và lập kế hoạch. Cuối tháng 9-2015, lãnh đạo tỉnh cũng có công văn gửi Bộ Thông tin và truyền thông đề nghị sớm bổ sung vào danh sách các đối tượng được hỗ trợ. Tuy nhiên, bộ chưa trả lời nên đến nay chúng tôi vẫn chưa biết đến khi nào người dân ở đây mới được hỗ trợ đầu thu” - bà Quyên nói.

Trong một diễn biến khác, những ngày qua, nhiều bạn đọc tại Đà Nẵng, Quảng Nam liên tục phản ảnh không xem được chương trình trên kênh DRT1 (Đài phát thanh - truyền hình Đà Nẵng), trên màn hình hiển thị cho biết phải dùng truyền hình trả tiền mới xem được. Ông Huỳnh Văn Hùng, giám đốc Đài phát thanh - truyền hình Đà Nẵng, cho biết kênh DRT1 ngừng phát sóng quảng bá (miễn phí) từ khi Đà Nẵng chuyển sang số hóa truyền hình.

Theo ông Hùng, trước đây đơn vị này có hai kênh DRT1 và DRT2 phát sóng miễn phí. Từ thời điểm số hóa truyền hình, hạ tầng phát sóng được giao về cho đơn vị của Đài truyền hình VN (VTV), thực hiện theo kiểu dịch vụ nên đài không thể phát sóng miễn phí. “Kênh DRT2 là kênh truyền hình thiết yếu phục vụ nhiệm vụ chính trị được Nhà nước cấp kinh phí nên chúng tôi phát sóng miễn phí.

Riêng kênh DRT1 do không có kinh phí thuê hạ tầng phát sóng, hơn nữa theo lộ trình quy hoạch báo chí sắp tới thì kênh này sẽ thành kênh truyền hình trả tiền nên chúng tôi phát sóng khi có dịch vụ truyền hình trả tiền của Sông Thu, FPT, Viettel” - ông Hùng nói. Theo ông Hùng, hiện nay đơn vị đang tìm hướng khắc phục để ít gián đoạn chương trình của người xem. Trong đó từng bước chuyển một số chương trình trên kênh DRT1 (chuyên về khoa giáo, giải trí, sân chơi truyền hình) sang DRT2 nhằm giúp kênh này phong phú hơn về thể loại.

TRƯỜNG TRUNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp