Ông Donald Trump và bà Hillary Clinton - Ảnh: Venturebeat/ Shutterstock |
Theo trang tin VentureBeat, nếu nhìn về những tác động tiêu cực của công nghệ thông tin đối với cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm nay, người ta có thể quan sát thấy 5 yếu tố đáng lưu ý sau:
Mạng xã hội Twitter
Ngay từ đầu tỉ phú Trump đã chiếm lĩnh mạng xã hội này. Điều này không chỉ bởi ông có một lượng người theo dõi đông đảo trên đó, mà còn vì ông đã "kích động" được một làn sóng những người theo dõi có quan điểm "siêu bảo thủ" liên tục săn lùng thông tin từ đối thủ của ông, bà Clinton.
Vì thiếu một hạ tầng tổ chức chiến dịch tranh cử kinh điển, mạng xã hội Twitter trở thành chiếc "loa phát ngôn" khổng lồ của tỉ phú New York.
Những thông tin ông tung lên đó đã được các cơ quan truyền thông chính thống dõi theo và đưa tin một cách nghiêm túc, và rốt cuộc lại trở thành câu chuyện chính lan truyền ngay trên các cơ quan báo chí truyền thông lớn của quốc tế.
Nói ngắn gọn thì Twitter đã giúp các thông điệp của ông Trump được "nâng tầm cao, vươn tầm xa" hơn nhiều so với những gì ông ấy có thể làm được nếu ở một thời đại khác.
Trong bối cảnh Twitter đang lao đao trong cơn khủng hoảng, sự kiện ông Trump đắc cử Tổng thống Mỹ rất có thể sẽ phải khiến giới công nghệ có một cái nhìn khác về mạng xã hội này.
An ninh mạng
Bất kể ai là người đứng sau vụ tin tặc tấn công hệ thống email của chiến dịch tranh cử cho bà Clinton, việc rò rỉ những email đó cũng cho thấy trong thời đại này cho thấy mỗi người chúng ta đều ở trong tình thế dễ bị tổn hại như thế nào.
Rất khó để nói rằng vụ tấn công đã khiến bà Clinton thất bại. Nhưng trong số những người đã ủng hộ ông Trump hẳn không ít người từng trải qua những hoang mang, ám ảnh khi phải đọc 25 ngày liên tục tài liệu công bố các email rò rỉ trên trang WikiLeaks.
Vụ tấn công mạng có thể đã có ảnh hưởng tới kết quả cuộc bầu cử thổng thống Mỹ năm nay.
Dữ liệu lớn (Big Data), chiêu thức cũ không còn uy lực
Sau hai lần đắc cử của ông Obama, chiến dịch đầu tư "khủng" vào việc thu thập dữ liệu về những cử tri sẽ đi bỏ phiếu do chiến dịch tranh cử của ông tiến hành được ngợi ca khắp nơi và có thể nhiều người muốn bắt chước thành công đó.
Người ta cho rằng bà Clinton đã tiến hành một chương trình hành động tương tự và chiến dịch của bà đã rất tự tin khi tiến tới ngày bầu cử chính thức chính vì điều đó.
Trong khi đó, người ta cho rằng ông Trump gần như không làm vậy.
Kết quả là dữ liệu lớn (Big Data) hóa ra lại khiến bà Clinton thất bại, bởi nhiều khả năng, nó đã khiến bà quá tự tin và góp phần dẫn tới thất bại trong chiến dịch tranh cử của bà tại những bang chủ chốt mà rốt cuộc bà đã thua.
Thăm dò ý kiến
Chiến thắng của ông Trump khiến nhiều người choáng váng một phần vì gần như mọi kết quả thăm dò (survey) của các tổ chức uy tín đều đã sai. Ngay cả những trang phân tích và tổng hợp kết quả thăm dò kiểu như Real Clear Politics và FiveThirtyEight cũng sai.
Chắc chắn rồi đây sẽ có nhiều bài phân tích chỉ ra vì sao những thăm dò đó đã sai, nhưng trên thực tế, độ tin cậy của những cuộc thăm dò đã giảm dần trong nhiều năm qua, nhất là khi các cử tri chuyển sang dùng điện thoại di động mà số điện thoại của họ không được đăng ký nên rất khó tiếp cận phân khúc thăm dò.
Các hãng thăm dò dư luận cũng đã chuyển sang kết hợp với dạng thức thăm dò trực tuyến, tuy nhiên điều này cũng có những phức tạp riêng.
Bất kể sự thật là gì thì phải công bằng khi nói rằng, khi chúng ta có thêm những phương tiện liên lạc, chúng ta càng khó đoán biết chắc chắn về những việc đang diễn ra trên thế giới.
Tin tức giả mạo
Trang tin tổng hợp BuzzFeed từng công bố bài viết phanh phui câu chuyện về một nhóm những thành viên chỉ độ tuổi teen chuyên "sản xuất" ra hàng trăm trang tin tức giả mạo để ủng hộ ông Trump tại Macedonia.
Những tin tức này đã được đọc rất nhiều và chia sẻ rộng rãi trên mạng. Ai dám khẳng định những tin tức không thể kiểm chứng đó không tác động tới kết quả bầu cử tổng thống Mỹ năm nay?
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận