07/12/2016 20:52 GMT+7

AsiaCrypt 2016 (Hà Nội): đón nhà mật mã học lừng danh 

THÁI DƯƠNG - THANH TRỰC
THÁI DƯƠNG - THANH TRỰC

TTO - Diễn ra từ ngày 4 đến 8-12 tại Hà Nội, Đại hội mật mã châu Á (AsiaCrypt) chào đón nhà khoa học lừng danh Adi Shamir, giáo sư Ngô Bảo Châu cùng nhiều tên tuổi khác.

Các giáo sư, tiến sĩ và các nhà khoa học đầu ngành mật mã học tham dự Đại hội mật mã châu Á (AsiaCrypt) 2016 tại Hà Nội từ ngày 5-12 đến 8-12 - Ảnh: Viện Nghiên Cứu Cấp Cao về Toán (VIASM)
Các giáo sư, tiến sĩ và các nhà khoa học đầu ngành mật mã học tham dự Đại hội mật mã châu Á (AsiaCrypt) 2016 tại Hà Nội từ ngày 5-12 đến 8-12 - Ảnh: Viện Nghiên Cứu Cấp Cao về Toán (VIASM)

Đại hội mật mã châu Á (AsiaCrypt) lần thứ 22 nằm trong chuỗi đại hội về ngành mật mã học tổ chức thường niên ở ba khu vực gồm châu Âu (EuroCrypt), Crypto (Mỹ) và châu Á (AsiaCrypt). Năm nay, AsiaCrypt 2016 tổ chức tại khách sạn InterContinential Hà Nội từ ngày 4 đến 8-12, chào đón những chuyên gia và các nhà khoa học đầu ngành tham dự, trong đó có sự góp mặt của giáo sư Adi Shamir, giáo sư Ngô Bảo Châu (ĐH Chicago, Mỹ) và giáo sư Phan Dương Hiệu (ĐH Limoges, Pháp) tham dự.

Được biết, đây là lần đầu tiên có người đoạt giải Turing, giải thưởng tương đương với Nobel trong ngành khoa học máy tính, đến Việt Nam. Ký tự “S" trong tên của giáo sư mật mã học người Israel Adi Shamir được đưa vào đặt cho hệ mật mã RSA lừng danh, nhằm vinh danh sự đóng góp sáng tạo của ông, mở đường cho nhiều hướng nghiên cứu mật mã hiện đại. Ông được ví như "cha đẻ" của mật mã học hiện đại.

Nhân dịp giáo sư Adi Shamir đến Việt Nam tham dự hội nghị Asiacrypt 2016, Viện Nghiên Cứu Cấp Cao về Toán (VIASM) đã mời giáo sư Shamir giảng bài về mật mã học hiện đại và những nghiên cứu mới nhất của ông.

Phát biểu chào mừng giáo sư Shamir, giáo sư Ngô Bảo Châu chia sẻ rằng đối với người làm mật mã việc được gặp giáo sư Shamir, một trong những vị cha đẻ của mật mã học hiện đại, cũng giống như việc những người làm toán được gặp những Fermat, Euler hay Gauss.

Ngành mật mã hiện đại có lịch sử 40 năm thì giáo sư Shamir cũng đã có từng ấy thời gian làm việc trong ngành. Ông là một trong những người mở đường cho mật mã hiện đại, những công trình của ông mang tính bản lề, giải quyết những vấn đề quan trọng nhất trong ngành và định ra những hướng nghiên cứu mới.

Bài giảng của giáo sư Shamir gồm hai phần. Phần một tóm tắt lại quá trình phát triển của mật mã học từ những năm 1970 cho đến nay. Thú vị nhất là những đánh giá cá nhân của giáo sư về những vấn đề lớn trong ngành. Ở tuổi 64, nhưng giáo sư Shamir vẫn có những công trình mới và trong phần hai giáo sư trình bày về những thuật toán mới nhất mà ông và đồng sự vừa công bố cách đây không lâu.

* Xem thông tin thêm về giáo sư Shamir ở đây

Bên cạnh sự góp mặt của giáo sư Adi Shamir còn có giáo sư toán học Neal Koblitz (ĐH Washington, Mỹ) chia sẻ về những thông tin sử dụng mật mã trong chiến tranh Việt Nam với những dẫn chứng chi tiết. Tài liệu quý giá này được đăng tải trên kênh YouTube của AsiaCrypt 2016.

Bài giảng của giáo sư Neal Koblitz về sử dụng mật mã học trong chiến tranh - Nguồn: YouTube / AsiaCrypt

Các buổi thuyết giảng quy tụ đông đảo các chuyên gia không chỉ trong ngành mật mã học mà còn giới khoa học máy tính nhiều nơi trên thế giới tham gia trao đổi, ước tính có khoảng 250 nhà khoa học từ 40 nước. Các giáo sư, tiến sĩ ngành khoa học máy tính gốc Việt cũng về nước tham dự.

Theo Ban Cơ yếu Chính phủ, Ban tổ chức ASIACRYPT 2016 đã nhận được 240 công trình khoa học gửi tới từ nhiều nước trên thế giới. Sau quy trình lấy ý kiến nhận xét của các nhà khoa học đã có 67 công trình khoa học được lựa chọn để xuất bản và trình bày tại Hội nghị lần này.

* Kỷ yếu hai phần của AsiaCrypt 2016 có thể tải tại đây: Phần 01 | Phần 02

* Loạt bài giảng của các giáo sư tại AsiaCrypt 2016 (Hà Nội) qua kênh YouTube: R-Track LivestreamI-Track

THÁI DƯƠNG - THANH TRỰC
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp