Dán mắt vào máy tính bảng, tay quẹt quẹt bấm bấm là thú vui thường thấy ở trẻ em ngày nay - Ảnh: Như Hùng |
Đây là số liệu từ một khảo sát xã hội “Thực trạng sử dụng thiết bị thông minh ở trẻ em Việt Nam và nhận thức của phụ huynh” của Trung tâm Nghiên cứu văn hóa giáo dục và đời sống xã hội, trực thuộc Hội Dân tộc học - nhân học TP.HCM.
Theo kết quả của dự án, có 19% trẻ dưới 3 tuổi tiếp cận thiết bị số, có đến 59% trẻ từ 3-5 tuổi sử dụng thiết bị thông minh, trẻ 6-9 tuổi chiếm 20% và trẻ từ 10-12 tuổi chiếm 2%.
Khảo sát được tiến hành trong tháng 10-2014 tại bốn thành phố lớn: Hà Nội, Đà Nẵng, TP.HCM và Cần Thơ với 1.051 người là cha mẹ của 1.802 trẻ em từ 3-12 tuổi.
Tuyệt đối không được ứng dụng thiết bị thông minh một cách chính thức vào học sinh tiểu học, mà chỉ nên cho trẻ sử dụng khoảng hai giờ vào hai ngày cuối tuần. Lên cấp II cần quản lý chặt với thời gian và nội dung cụ thể |
TS Ngô Xuân Điệp |
Dùng thiết bị số để... giữ trẻ
Như vậy, nhiều trẻ đã được cha mẹ cho sử dụng thiết bị số từ trước 3 tuổi. Cũng theo kết quả khảo sát này, trung bình trẻ dùng thiết bị số từ 30-60 phút/ngày. Tuy vậy, vào những ngày nghỉ trong tuần hoặc dịp lễ tết, phụ huynh thường có xu hướng cho trẻ sử dụng thiết bị số nhiều hơn so với ngày thường.
Đặc biệt, tỉ lệ trẻ sử dụng thiết bị số từ 3-4 giờ/ngày từ 1% ở các ngày thường tăng lên từ 7% (trẻ từ 3 đến dưới 6 tuổi) đến 9% (từ 6 đến 12 tuổi) vào các ngày nghỉ. Nhiều phụ huynh thú nhận rằng đây là một cách “giữ trẻ” khi họ không thể vui chơi, trò chuyện cùng con cái.
Mục đích sử dụng thiết bị số của trẻ cũng khác nhau ở từng độ tuổi. Đa số trẻ ở độ tuổi từ 3-5 sử dụng thiết bị số để chơi trò chơi thông thường, nghe nhạc thiếu nhi, xem phim hoạt hình.
Trong khi đó, trẻ ở độ tuổi 6-12 sử dụng thiết bị số để học ngoại ngữ hay học toán chiếm tỉ lệ cao hơn so với chơi game.
Ở lứa tuổi 3-5 trẻ xem phim hoạt hình, nghe nhạc thiếu nhi chiếm 97-100%, trong khi khoảng 61-83% trẻ từ 6-12 tuổi sử dụng thiết bị số để học ngoại ngữ, toán, chơi trò chơi trí tuệ...
Trong khi đó, những nội dung, chương trình do trẻ tự tải về thường là trò chơi và giải trí. Ở nhóm 3-5 tuổi, nội dung được trẻ tự tải về nhiều nhất là phim, game và nhạc, trong khi ở lứa tuổi 6-12, trẻ tải nhiều nhất là nội dung phim, nhạc, game và sách.
Ở cả hai nhóm tuổi, nội dung học tập đều ít được trẻ tải về nhất, trong khi học tập và đọc sách đều được phụ huynh tải và cài đặt nhiều nhất.
Các kết quả từ cuộc khảo sát |
Đánh giá khi cho trẻ sử dụng thiết bị số, phụ huynh cho rằng sử dụng thiết bị số giúp trẻ được tiếp cận với những thông tin, kiến thức mới mẻ, giúp trẻ phát triển kỹ năng ngôn ngữ, là công cụ học tập hữu ích...
Tuy nhiên nó cũng khiến trẻ dễ xao nhãng việc học hành, có khuynh hướng ít giao tiếp với cha mẹ, người thân hơn, có khuynh hướng ít vận động hơn, giảm khả năng tư duy và tưởng tượng...
Tuy phụ huynh đánh giá trẻ dùng thiết bị số có nhiều điểm tích cực so với tác hại nhưng tỉ lệ phần trăm của những mặt tác hại chiếm tỉ lệ cao hơn hẳn so với mặt tích cực.
Trong đó một số tác hại có tỉ lệ lớn phụ huynh lo ngại là gây nghiện (75%), nguy cơ các bệnh về mắt (85%), có khuynh hướng ít vận động hơn (73%)...
Đối với mặt tích cực, 72% phụ huynh cho rằng trẻ được tiếp cận với những thông tin, kiến thức mới mẻ, có phạm vi hiểu biết rộng, nắm bắt nhanh những xu hướng mới; có hứng thú tìm hiểu thế giới xung quanh (68%)...
Khảo sát cũng cho thấy quan điểm của phụ huynh đối với việc cho trẻ sử dụng thiết bị số hay không. Trong đó số người hoàn toàn ủng hộ (vì tin rằng đây là phần không thể thiếu trong cuộc sống hiện đại, mang lại nhiều lợi ích cho quá trình học tập và vui chơi của trẻ): 594 người.
Ủng hộ mạnh mẽ nhưng cần có giải pháp định hướng và quản lý trẻ hữu hiệu: 995 người và không ủng hộ cho trẻ sử dụng: 583 người.
Các kết quả từ cuộc khảo sát |
Phụ huynh cần trang bị kiến thức
Khảo sát cũng tiến hành thăm dò hiểu biết của phụ huynh khi cho trẻ sử dụng thiết bị số. Tuy nhiên, khảo sát không đưa ra phương án trả lời sẵn mà để phụ huynh tự trả lời.
“Ở thời đại văn minh này cần phải cho trẻ tiếp cận với công nghệ thông tin nhưng mình phải kiểm soát trẻ, đừng chủ quan cho trẻ chơi mà không có sự kiểm soát của người lớn” - một phụ huynh trả lời.
Một số phụ huynh khác cho rằng nên có những ứng dụng mặc định trong máy dành cho bé, chuyên về phát triển khả năng sáng tạo; cho trẻ tiếp xúc và sử dụng cũng tốt nhưng cần có quản lý giám sát chặt chẽ về thời gian sử dụng mỗi lần, số lần dùng trong ngày và nội dung ứng dụng; điện thoại hay máy tính bảng đều đem đến sự tiện dụng nhất định với nhu cầu từng người nhưng không vì thế mà lạm dụng quá nhiều...
Đánh giá về hiểu biết của phụ huynh, nhóm khảo sát nhận định đa số phụ huynh không thật sự có thông tin và kiến thức cụ thể trong việc cho trẻ sử dụng thiết bị thông minh. Họ không biết thời lượng mà trẻ được phép sử dụng bao nhiêu mỗi ngày, mỗi tuần là hợp lý. Điều này khiến họ luôn trong trạng thái hoang mang, băn khoăn giữa việc cho trẻ sử dụng hay không.
Phần lớn phụ huynh mong đợi về chức năng hỗ trợ học tập của thiết bị số. Họ tải những nội dung, chương trình học tập, giáo dục cho trẻ. Tuy nhiên, khi tiếp cận với thiết bị số, trẻ thích dùng để chơi trò chơi và giải trí hơn.
Nhiều phụ huynh chưa biết đến, chưa áp dụng những giải pháp quản lý cách thức sử dụng của trẻ. Hiện nay, hầu hết chỉ quản lý trẻ bằng cảm tính.
Từ kết quả khảo sát này, nhóm thực hiện đánh giá phụ huynh có sự lúng túng, hoang mang khi chưa thật sự có sự hiểu biết thỏa đáng về việc cho trẻ sử dụng hợp lý, về tác dụng và tác hại. Rất nhiều khi phụ huynh còn tự mâu thuẫn với chính mình khi không xác định rõ lập trường về vấn đề.
Nhóm thực hiện dự án khuyến nghị: thiết bị số, thiết bị thông minh là xu hướng tất yếu của thế hệ trẻ trong cuộc sống hiện đại. Do đó, để giúp trẻ sử dụng thiết bị này một cách phù hợp, tối ưu, phụ huynh cần trang bị sự hiểu biết thực tế, cụ thể trước.
Thiết bị số và sản phẩm công nghệ sẽ không trở thành mối đe dọa cho sức khỏe, trí tuệ, tính cách và sự phát triển của trẻ nếu phụ huynh có kiến thức sử dụng chúng tốt hơn.
Không nên cho trẻ dưới 6 tuổi sử dụng Theo TS Ngô Xuân Điệp - trưởng khoa tâm lý học Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn (ĐHQG TP.HCM), thành viên hội đồng tư vấn, phản biện dự án: “Đối với trẻ em càng nhỏ càng tham gia các hoạt động thô sơ, đơn giản, đời thường, trực tiếp càng tốt. Và khi trẻ lớn dần (tuổi càng lớn), cho trẻ tiếp cận dần dần với những thiết bị, công nghệ tinh xảo, hiện đại. Trẻ em phải mất nhiều thời gian vận động (để thiết kế hệ thống gân cơ khớp vững chắc cho sức khỏe, phát triển cảm giác bản thể, hình thành sơ đồ cơ thể... cho phát triển nhân cách khỏe mạnh), giao tiếp (để phát triển ngôn ngữ, cảm xúc, tình cảm...), tham gia các hoạt động sống hằng ngày, vui chơi giải trí trong gia đình. Tại cộng đồng, trường học (để xã hội hóa bản thân, tự lĩnh hội các chuẩn mực, quy định xã hội, giá trị sống, phép ứng xử... giúp tạo nên một bộ khung nhân cách để khẳng định là một con người thật sự về mặt văn hóa, xã hội), tập nhiễm, bắt chước, học tập (để tiếp thu kiến thức, kinh nghiệm... tạo dựng nhân cách). Do vậy, trẻ càng nhỏ càng ít sử dụng thiết bị thông minh càng tốt. Vì nếu trẻ chơi quá nhiều và không kiểm soát sẽ mất nhiều thời gian vào thiết bị thông minh, không hoàn thành các nhiệm vụ thiết yếu đã nêu phần trên sẽ dẫn tới sự phát triển lệch lạc về nhân cách, nhiều trẻ như vậy trong một xã hội sẽ dẫn đến một khủng hoảng về tính nhân văn. Bản thân thiết bị thông minh tự nó gây ra nghiện và kiến thức có được trong thiết bị thông minh không bao giờ bằng kiến thức tự nhiên và xã hội bên ngoài. Trước 6 tuổi không nên cho trẻ sử dụng thiết bị thông minh”. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận