Giá cổ phiếu bất động sản giảm, tăng ở nhóm công nghệ thông tin
VN-Index đã đóng cửa tuần thứ 33 của năm nay với 2 phiên tăng, 3 phiên giảm, mất đi 54,22 điểm tương đương 4,4% và đóng cửa tại 1.177,99 điểm.
Giá trị giao dịch trung bình một phiên trên sàn HoSE đạt 25.012 tỉ đồng, tăng 11% so với tuần trước, và tăng 22,45% so với trung bình 5 tuần và 68,6% so với trung bình 20 tuần trước.
Dữ liệu của Fiintrade cho thấy xu hướng dòng tiền tuần này tiếp tục tăng vào bất động sản, chứng khoán, công nghệ thông tin, giảm ở nhóm ngân hàng, thực phẩm và đồ uống, dầu khí.
Trong phiên đỏ lửa ngày cuối tuần (18-8), nhà đầu tư nước ngoài mua ròng với gần 460 tỉ đồng nhưng tính chung cả tuần, họ bán ròng 960 tỉ đồng trên HoSE.
Về nhóm ngành, cổ phiếu ngành bất động sản có tỉ trọng giá trị giao dịch tăng lên 29,19% toàn thị trường, là mức cao nhất trong 10 tuần liên tiếp nhưng chỉ số giá giảm 6,17%, giảm mạnh thứ 2 thị trường. Điều này cho thấy nhóm này có lực chốt lời mạnh. Theo Fiintrade, hầu hết mức giảm được thực hiện trong phiên thứ 6 cuối tuần.
Ngược lại, nhóm cổ phiếu công nghệ thông tin có tỉ trọng giá trị giao dịch tăng lên 1% toàn thị trường, mức cao nhất 10 tuần, chỉ số giá ngành tăng 2,98% trong tuần.
Điều này cho thấy nhóm này có lực cầu tăng giá tăng bất chấp thị trường chung giảm.
Tính trong vòng 1 năm, nhóm này vẫn đang tăng 8,33% và tính từ đầu năm nhóm này tăng 22,69%, mạnh hơn mức tăng 16,97% của VN-Index.
Xu hướng giao dịch thời gian tới?
Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Phan Dũng Khánh - giám đốc tư vấn đầu tư của Maybank Investment Bank, cho biết việc giảm điểm đã được dự báo trước khi thị trường liên tục tăng trong khoảng thời gian dài.
Khi tốc độ tăng điểm mạnh hơn đà phục hồi của nền kinh tế khiến cho định giá thị trường không còn rẻ nữa. Điều này, theo ông Khánh, đã làm cho nhà đầu tư mới khó tham gia mà nhà đầu tư cũ sẵn hàng để chốt lời.
"Thực tế nhà đầu tư nước ngoài, nhà đầu tư tổ chức đã có nhiều phiên bán ròng trước đó và có tác động đến thị trường hiện tại", ông Khánh nói.
Về xu hướng trong tuần tới, ông Phan Dũng Khánh cho rằng sau nhiều tháng tăng điểm, việc giảm mạnh ở một phiên chưa thể đánh giá được xu hướng tăng đã kết thúc hoặc giảm giá quay trở lại.
Do đó, vị chuyên gia dự báo thị trường có thể tăng giảm xen kẽ nhưng xu thế giảm có thể áp đảo hơn và trước mắt chưa thể quay trở lại đỉnh cũ trong ngắn hạn.
"Thường dòng tiền của nhà đầu tư cá nhân chỉ rõ ràng khi thị trường có xu hướng rõ rệt. Phiên giảm mạnh cuối tuần có thể khiến họ e dè hơn", ông Khánh nhận định.
Vì vậy, với động thái "bắt đáy" trong phiên giảm điểm mạnh ngày 18-8, ông Khánh cho rằng việc này chỉ phù hợp với nhà đầu tư trung dài hạn, không margin, còn tỉ trọng tiền cao, còn ngược lại các nhà đầu tư khác nên đứng ngoài, thậm chí giảm bớt tỉ trọng nếu có sử dụng đòn bẩy hoặc không còn tiền mặt.
Nên chọn lọc các nhóm ngành tiềm năng
Còn theo nhận định của bộ phận nghiên cứu Chứng khoán Đông Á, nhóm nhà đầu tư cá nhân tăng mức độ sử dụng margin trong thời gian qua dễ dẫn đến dao động tâm lý và thúc đẩy lượng cung khi thị trường điều chỉnh. Chiến lược ngắn hạn thận trọng giảm tỉ lệ margin, và chờ cơ hội mới khi thị trường điều chỉnh.
Theo các chuyên gia này, VN-Index có thể phục hồi khi về vùng hỗ trợ ngắn hạn 1.220 điểm. Với định giá chung không còn quá rẻ, nhà đầu tư nên chọn lọc các nhóm ngành tiềm năng để theo đuổi chiến lược đầu tư trung dài hạn.
Một số công ty chứng khoán khác lại dự báo vùng hỗ trợ mạnh của VN-Index nằm tại 1.160-1.175 điểm. Họ khuyến nghị nhà đầu tư không cần thiết phải bán tháo giá thấp trong các nhịp rung lắc mạnh của thị trường.
Thay vào đó, có thể tính toán tận dụng các nhịp tăng của thị trường để bán chốt lời từng phần. Việc "bắt đáy" có thể áp dụng khi thị trường có tín hiệu đảo chiều, tuy nhiên các nhà đầu tư cũng được khuyến nghị nên tuân thủ chặt chẽ các kỷ luật đầu tư.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận