18/05/2016 11:28 GMT+7

Nhìn vụ “Phim Việt đấu với rạp Hàn” qua Luật cạnh tranh

CÁT KHUÊ - C.V.KÌNH thực hiện (catkhue@tuoitre.com.vn)
CÁT KHUÊ - C.V.KÌNH thực hiện ([email protected])

TTO - Tham vấn các chuyên gia, luật sư để có thêm cái nhìn từ góc độ pháp luật, Tuổi Trẻ ghi nhận được những ý kiến trái chiều... về vụ “phim Việt đấu với rạp Hàn” mà CGV chiếm 40% số rạp ở thị trường điện ảnh VN hiện tại.

Bao giờ có yêu nhau - một phim Việt đầy cảm xúc vừa ra mắt đầu tháng 5. Phim Việt giờ đây đã gần như ra mắt hằng tuần và càng ngày càng nhiều lên cùng sự nở nồi của hệ thống rạp chiếu... - Ảnh: tư liệu
Bao giờ có yêu nhau - một phim Việt đầy cảm xúc vừa ra mắt đầu tháng 5. Phim Việt giờ đây gần như ra mắt hằng tuần và càng ngày càng nhiều lên cùng sự nở nồi của hệ thống rạp chiếu... - Ảnh: tư liệu

Khó kết luận CGV vi phạm

Tôi nghĩ có sự nhầm lẫn về điều luật mà các nhà sản xuất trong nước trích dẫn. Nếu đúng với tên gọi thì hành vi áp đặt điều kiện thương mại khác nhau trong các giao dịch như nhau nhằm tạo bất bình đẳng về cạnh tranh được quy định tại khoản 4, điều 13 Luật cạnh tranh năm 2004.

Hành vi này được nghị định 116/2005/NĐ-CP quy định chi tiết như sau: “Áp đặt điều kiện thương mại khác nhau trong điều kiện giao dịch như nhau nhằm tạo bất bình đẳng trong cạnh tranh là hành vi phân biệt đối xử đối với các doanh nghiệp về điều kiện mua, bán, giá cả, thời hạn thanh toán, số lượng trong những giao dịch mua, bán hàng hóa, dịch vụ tương tự về mặt giá trị hoặc tính chất hàng hóa, dịch vụ để đặt một hoặc một số doanh nghiệp vào vị trí cạnh tranh có lợi hơn so với doanh nghiệp khác”.

Chiếu theo quy định này và thực tế của thông tin được đưa ra, tôi cho rằng khó có thể kết luận CGV đã vi phạm khoản 4 điều 13 Luật cạnh tranh năm 2004. Cụ thể như sau:

- Sẽ cấu thành vi phạm Luật cạnh tranh nếu CGV áp dụng các mức giá hoặc các điều kiện giao dịch khác nhau giữa các khách hàng của họ. Tức là CGV áp dụng các mức giá ưu đãi hơn cho một khách hàng nào đó so với các khách hàng khác.

Trong trường hợp này, hai giao dịch được đưa ra so sánh lại là hai giao dịch ngược chiều, tức là trong giao dịch thứ nhất, CGV là người bán (phát hành phim) áp dụng tỉ lệ cho mình là 55%; và giao dịch thứ hai, CGV lại là người mua (nhà chiếu phim) và cũng áp dụng tỉ lệ cho mình là 55%. Do đó, trường hợp này hoàn toàn không liên quan đến khoản 4 điều 11 Luật cạnh tranh.

- Các giao dịch bị áp đặt điều kiện mua bán khác nhau phải là các giao dịch như nhau, tức là ít nhất phải có cùng một đối tượng mua bán. Trong vụ việc này, cho dù cùng là phim nội địa nhưng nếu là các phim khác nhau thì các giao dịch đã là khác nhau. Bởi lẽ, hai giao dịch khác nhau về đối tượng thì không thể coi là các giao dịch như nhau.

- Muốn kết luận có bất lợi cho nhà sản xuất từ sự khác biệt về tỉ lệ phân chia thì còn cần xem xét theo số tiền thực tế mà các cụm rạp đã trả. Số tiền thực tế phụ thuộc vào tỉ lệ phân chia và doanh thu mà các cụm rạp đem lại cho nhà phát hành.

Do đó, nếu chỉ dựa vào tỉ lệ phân chia để kết luận có sự bất lợi thì chưa hoàn toàn thuyết phục. Tỉ lệ chia 55% hay 45% chỉ là con số tương đối. Muốn kết luận cụ thể phải tính thành số tiền được phân chia (tức là số tuyệt đối).

Có thể tỉ lệ phân chia cho nhà sản xuất chỉ là 45% nhưng do lượng rạp lớn, phòng chiếu nhiều, số ghế cao nên số tiền thực tế mà CGV đem lại cho các nhà phát hành khác là rất lớn.

Ngược lại, nếu tỉ lệ phân chia cho cụm rạp là 55% hoặc nhiều hơn nhưng doanh thu không cao do số lượng rạp, phòng chiếu không nhiều cũng chỉ đem lại số tiền phân chia khiêm tốn. 

Tiến sĩ NGUYỄN NGỌC SƠN 
(trưởng khoa luật - Đại học Tôn Đức Thắng)

Dòng người nô nức đứng chờ vào xem phim tại LHP Việt Nam tháng 12-2015 - Ảnh tư liệu.

 

Có dấu hiệu vi phạm

* Theo tôi, trong vụ việc này, phía hệ thống rạp Hàn Quốc CGV chiếm thị phần lớn, nên đã có hành vi có thể xem là lạm dụng vị thế thống lĩnh thị trường. Đó là khi doanh nghiệp VN phân phối trên hệ thống của CGV, họ đòi được ăn chia 55%. Tuy nhiên, khi họ phát hành trên hệ thống của VN thì họ chỉ chịu chi 45%.

Như vậy, CGV đã phân biệt đối xử, áp đặt điều kiện thương mại khác nhau trong giao dịch như nhau nhằm tạo bất bình đẳng trong cạnh tranh. Điều này theo tôi là vi phạm khoản 4, điều 13 Luật cạnh tranh. Có thể có người cho rằng sở dĩ có phân biệt vì giá vé khác nhau.

Nhưng tôi cho rằng không hợp lý. Khi bán giá vé cao hơn, chưa chắc doanh thu đã cao hơn, thậm chí có thể thấp hơn. Vấn đề ở đây không phải là giá vé, mà cuối cùng phải là doanh thu. Nên lấy giá vé biện minh là không thuyết phục.

Trong khoản 2, điều 13 Luật cạnh tranh đã có nêu về việc lạm dụng vị thế thống lĩnh thị trường áp đặt giá bán dịch vụ bất hợp lý. Tỉ lệ ăn chia mà CGV áp đặt, theo tôi, có thể dẫn tới làm cho nhà sản xuất thất thu, thậm chí lỗ, không thể phát triển nền công nghiệp điện ảnh VN phù hợp chủ trương của Chính phủ.

Nếu việc này cứ được duy trì, các nhà sản xuất VN cũng khó mà phát triển, thậm chí lâm vào khó khăn. Tỉ lệ ăn chia đó cũng không phù hợp với thông lệ thế giới, vì vậy cần được xem xét, xử lý nghiêm túc, công bằng.

Theo tôi, đã đủ dấu hiệu vi phạm Luật cạnh tranh, vì vậy cơ quan chức năng nên vào cuộc, yêu cầu CGV công khai minh bạch chi phí, từ đó có cơ sở để xem xét các hành vi.

Thanh tra Bộ Văn hóa - thể thao và du lịch cũng nên kiểm tra để có biện pháp phù hợp. Chúng ta cần tạo môi trường cạnh tranh bình đẳng, minh bạch, có thế mới phát triển được ngành điện ảnh VN.

Luật sư PHẠM VŨ KHÁNH TOÀN
(trưởng văn phòng luật sư Phạm và liên danh)

* Theo thông tin mà báo chí đã cung cấp, về cơ bản ta có thể thấy được cùng một mối quan hệ phát hành phim, khi phát hành phim của các nhà sản xuất khác thì điều kiện CGV đặt ra là 55% lợi nhuận, thế nhưng ngược lại, khi CGV ở vị trí là nhà sản xuất phim làm việc với các nhà phát hành phim thì CGV vẫn áp điều kiện là 55% lợi nhuận.

Chính điều này đã tạo ra sự mâu thuẫn vốn có trong cùng một mối quan hệ giữa nhà sản xuất và nhà phát hành do chính CGV đặt ra.

Nếu như thông tin mà báo chí đưa ra là chính xác về việc CGV đang nắm giữ 40% thị phần thì CGV đang ở vị trí thống lĩnh. Và với vị trí đó CGV nếu áp đặt điều kiện kinh doanh không chỉ có lợi về mình mà còn góp phần hạn chế sự phát triển của các doanh nghiệp khác thì có thể vi phạm quy định tại khoản 4, điều 13 Luật cạnh tranh.

Tuy nhiên với các thông tin sơ sài trên thì chưa đủ cơ sở để kết luận hành vi của CGV có là hành vi vi phạm pháp luật hay không.

Để có thể kết luận đúng đắn và phù hợp với quy định của pháp luật thì cần phải đánh giá kỹ hơn về cơ cấu và chức năng nội bộ của chính CGV trong hoạt động sản xuất và phát hành phim cũng như mối quan hệ và điều kiện giao dịch thương mại trong thị trường có liên quan.

Luật sư PHAN VŨ TUẤN
(phó chủ tịch Hội Sở hữu trí tuệ TP.HCM)

Tám đại diện các nhà sản xuất, phát hành phim VN cùng gửi thư khiếu nại đến Hội Điện ảnh VN cho rằng họ đang bị CGV (hệ thống rạp của doanh nghiệp Hàn Quốc) chèn ép 

*Diễn viên, đạo diễn kiêm nhà sản xuất phim Ngô Thanh Vân (Công ty VAA) nói: "Tôi mong các công ty nước ngoài kinh doanh rạp Việt bắt buộc phải hỗ trợ và lấy phần trăm phát hành luôn ở mức ổn định, chứ không nên chèn ép phim Việt".

CÁT KHUÊ - C.V.KÌNH thực hiện ([email protected])
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp