19/12/2016 09:08 GMT+7

Nhìn vào lòng dân để có quyết sách đúng

NGỌC HÀ thực hiện
NGỌC HÀ thực hiện

TTO - Tháng 12 lịch sử đã ghi những mốc hào hùng của dân tộc, đánh dấu ý chí quyết tâm làm đất nước thay da đổi thịt từng ngày: 70 năm toàn quốc kháng chiến, 30 năm thực hiện đường lối đổi mới.

Cả Hà Nội đứng lên "Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh". Trong ảnh: quân và dân Hà Nội chiến đấu, giành giật với địch từng góc nhà, đường phố (tháng 12-1946) - Ảnh: TTXVN

Nhân những cột mốc ý nghĩa này, Tuổi Trẻ đã có cuộc trao đổi cùng - PGS.TS Nguyễn Mạnh Hà, nguyên viện trưởng Viện lịch sử Đảng Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh.

* Dưới góc nhìn của các nhà nghiên cứu, 70 năm toàn quốc kháng chiến, 30 năm đổi mới đã để lại những dấu ấn gì trong lịch sử dân tộc, thưa ông?

PGS.TS Nguyễn Mạnh Hà
PGS.TS Nguyễn Mạnh Hà - Ảnh: Nguyễn Khánh

- Đúng ngày này cách đây 70 năm, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ra Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến.

Mở đầu lời kêu gọi, Bác viết: “Hỡi đồng bào toàn quốc! Chúng ta muốn hòa bình, chúng ta phải nhân nhượng. Nhưng chúng ta càng nhân nhượng, thực dân Pháp càng lấn tới, vì chúng quyết tâm cướp nước ta một lần nữa! Không! Chúng ta thà hi sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ.

Hỡi đồng bào! Chúng ta phải đứng lên!”.

Trong toàn bộ lời kêu gọi dài 200 chữ, có sáu lần Bác dùng chữ “phải”.

Chủ trương giao thiệp thân thiện, hòa hoãn, nhân nhượng là chủ trương nhất quán nhằm tránh bất lợi khi phải đương đầu với kẻ thù có sức mạnh quân sự vượt trội lúc ban đầu...

Tuy nhiên, một khi chúng ta không dùng được phương thức đàm phán để có hòa bình thì buộc phải cầm súng để giành lại hòa bình đã có.

Ý nghĩa sâu xa của lời kêu gọi chính là mong muốn, khát khao hòa bình, kháng chiến để có hòa bình.

Bác Hồ viết Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến trên tầng 2 ngôi nhà của cụ Nguyễn Văn Dương ở Vạn Phúc, Hà Đông. Bà Nguyễn Thị Hà - con gái út của cụ Nguyễn Văn Dương - mới đây đã kể trước khi rời khỏi nhà, Bác gọi cụ Dương lên cảm ơn vì đã chăm lo chu đáo cho đoàn.

Bác hỏi: Gia chủ có điều gì muốn nói? “Pháp mạnh thế, tôi chỉ muốn hỏi Cụ Chủ tịch một điều liệu chúng ta có đánh thắng được giặc Pháp?”.

Không do dự, Bác đáp: “Đánh thắng được chứ, toàn dân đánh thì sẽ chiến thắng được thực dân”.

* Đất nước đã đứng lên, đã chiến đấu và đã chiến thắng từ những ngày tháng 12 năm ấy. Nhưng cũng vào tháng 12 này 30 năm trước, Đại hội VI đã diễn ra...

- Bốn mươi năm sau thời khắc lịch sử ấy, một lần nữa đất nước rơi vào hoàn cảnh cực kỳ khó khăn. Khó khăn trong thời bình nhưng rất nặng nề, thử thách lòng tin của người dân. Khi đó chúng ta cũng đã đặt ra câu hỏi bức thiết “Đổi mới hay là chết?”.

Thực tế, nếu nhìn lại lịch sử sẽ thấy rõ nếu không quyết tâm đổi mới thì đời sống người dân sẽ vô cùng khốn khó, thậm chí chế độ cũng có thể không còn.

Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VI vào tháng 12-1986 đã quyết định đường lối đổi mới toàn diện đất nước, hội nhập quốc tế sau một thời gian bị bao vây, cấm vận.

Sau khi có đường lối đổi mới, đời sống được nâng lên, đất nước thay đổi từng ngày, lòng tin của người dân được khôi phục. Đó giống như một cuộc cách mạng.

Đặc biệt từ năm 1989, từ một nước trường kỳ phải nhập khẩu lương thực, chúng ta đã bắt đầu xuất khẩu lương thực.

Luật đầu tư nước ngoài thông thoáng, Việt Nam bắt đầu gỡ bỏ cấm vận, bình thường hóa quan hệ với Trung Quốc, rồi Mỹ, gia nhập ASEAN, mở cửa quan hệ với một số định chế tài chính quốc tế như WB, IMF...

* Như phân tích của PGS Nguyễn Mạnh Hà, thành công của những dấu mốc lịch sử Việt Nam phần lớn đều bắt nguồn từ việc lắng nghe, tập hợp và hiệu triệu lòng dân... Còn bây giờ?

- Người dân vẫn tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, tin tưởng vào chế độ nhưng cũng đang rất trông đợi, mong mỏi Đảng, Chính phủ đổi mới quyết liệt hơn, có những quyết sách mạnh mẽ hơn và hiệu quả hơn.

Có cảm giác người dân đang có nhiều vấn đề bức xúc trong đời sống.

Ví dụ việc chống tham nhũng, chúng ta đã coi là quốc nạn, hô hào quyết tâm, nhưng mấy năm qua hầu như không đẩy lùi được, không có biện pháp nào triệt tận gốc. Rồi quy định kê khai thu nhập cũng vậy, vẫn chỉ dừng ở mặt hình thức.

Người dân chỉ tin khi nhìn thấy những chuyển biến thật sự của đời sống, chứ không dốc hết lòng tin vào khẩu hiệu, hô hào suông.

Người dân sẽ có niềm tin nếu ra đường giao thông dù đông đúc nhưng vẫn trật tự, vào bệnh viện không phải 4-5 người chung một giường, giáo dục không tái diễn cảnh quanh năm xoay đi xoay lại, lúc nào cũng thí điểm...

Chính phủ đã truyền đi thông điệp Chính phủ kiến tạo, liêm chính, hành động và người dân đang chờ đợi kết quả hiện thực của thông điệp đó.

Kiến tạo quốc gia không cần nhìn đâu xa, hãy nhìn vào lòng dân, đi thẳng vào lắng nghe những tâm tư, bức xúc, mong mỏi, những phản biện của người dân để có quyết sách đúng.

* Ông kỳ vọng gì nhân những ngày lịch sử tháng 12 này?

- Sau 30 năm đổi mới, diện mạo đất nước đã khác, thế và lực của Việt Nam đã mạnh lên nhiều. Nhưng theo quan sát của tôi, chúng ta cần phải tiếp tục đổi mới mạnh mẽ, có thể phải bước vào công cuộc đổi mới lần thứ hai.

Nếu cứ bình bình thế này, biết bao giờ chúng ta mới vượt lên được?

Muốn có động lực mới cho nỗ lực đổi mới, rất cần sự quyết tâm của toàn Đảng, toàn dân, tìm ra hướng đi mới cho đất nước cả trăm triệu dân.

Nếu 30 năm trước chúng ta đổi mới với khẩu hiệu “Đổi mới hay là chết”, thì hôm nay chúng ta cũng buộc phải đổi mới vì đang đứng trước lựa chọn quá rõ ràng: “Đổi mới hay là tụt hậu?”.

Trao cơ hội, người trẻ sẽ tận hiến

Trước đây, cũng có lúc tôi hoài nghi về trách nhiệm công dân của thế hệ mới. Nhưng có những sự kiện thực tế đã giúp tôi nhìn nhận chuẩn xác hơn, có niềm tin lớn hơn vào lớp trẻ.

Đó là khi Đại tướng Võ Nguyên Giáp mất. Không cần ai kêu gọi, không ai bảo ai, nhưng những người trẻ đã lặng lẽ xếp hàng trật tự, thức cả đêm để có một chỗ trên vỉa hè vào viếng Đại tướng. Một người nằm xuống, muôn người đứng dậy.

Rồi sự kiện Trung Quốc đưa giàn khoan vào vùng thềm lục địa Việt Nam tháng 5-2014, lớp trẻ cũng đứng lên thể hiện lòng yêu nước của mình.

Vậy nên để tinh thần ấy lớn mạnh hơn, Chính phủ phải khơi gợi, tập hợp được họ, trao cho họ cơ hội được cống hiến.

Với đất nước đang trong thời bình, một nền kinh tế thật sự chuyển mình sẽ trao nhiều cơ hội hơn cho người trẻ. Nghĩa là như tôi đã nói, chúng ta cần tiến hành cuộc đổi mới lần thứ hai thật mạnh mẽ, quyết liệt.

PGS.TS Nguyễn Mạnh Hà

NGỌC HÀ thực hiện
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp