Sách do Trần Thị Kim Chi và Hoàng Thạch Quân dịch, TS Vũ Thành Tự Anh hiệu đính vừa ra mắt bạn đọc - Ảnh: L.ĐIỀN
Là chuyên gia nghiên cứu về tài sản và bất bình đẳng thu nhập, Thomas Piketty trong công trình hơn 700 trang trình bày về mức độ tập trung và phân phối tài sản trong hơn 250 năm qua, khảo sát qua 20 quốc gia như một cách tiếp cận hấp dẫn về sự vận hành của tư bản các nước.
Đây là cuốn sách không dễ đọc, với tác giả, đó là kết quả của 15 năm nghiên cứu, với các học giả thuộc lĩnh vực tài sản và thu nhập, đây là công trình quan trọng thực sự.
Tác giả đặt vấn đề trên một thực tế không chỉ của giới nghiên cứu: "Cuộc tranh luận học thuật và chính trị về phân phối tài sản lâu nay vẫn dựa trên vô vàn định kiến nhưng lại thiếu thốn dữ liệu". Và quyển sách Tư bản thế kỷ 21 này là một bổ khuyết hữu ích về mặt tư liệu mà tác giả đã dày công khảo cứu, tập hợp được.
Và đó cũng chính là thế mạnh cũng như sức thuyết phục chính của công trình này: Tác giả bằng vào những dữ liệu cụ thể, đưa ra các phân tích về sự vận động lịch sử của tài sản và thu nhập.
Có hàng loạt vấn đề chuyên môn về thế giới tư bản được nhìn theo trục quan hệ này, người đọc có lẽ sẽ nhận ra sự bất bình đẳng trong thu nhập và phân phối tài sản vốn là một tồn tại cố hữu. Tác giả cũng khảo cứu kỹ về lập thuyết và dữ liệu của Marx, nhận ra ở đó những logic còn có giá trị tham khảo cho các vấn đề tích lũy tài sản trong thế kỷ 21.
Nhưng công trình của Thomas Piketty còn vượt xa hơn các vấn đề ấy rất nhiều. Nội dung thú vị được trình bày trong phần bốn: Điều tiết tư bản trong thế kỷ 21 với những gợi ý quan trọng có giá trị tham khảo không chỉ cho các nhà kinh tế mà còn hữu dụng cho các nhà hoạch định chính sách quốc gia.
Tác giả có cách hành văn trong sáng, đây quả thật là một điểm rất cần thiết cho quyển sách với quá nhiều vấn đề chuyên sâu, hẹp, dành cho giới kinh tế vĩ mô.
Chẳng hạn từ việc gợi lại bối cảnh cuộc khủng hoảng năm 2008, tác giả đặt vấn đề về "Một nhà nước xã hội cho thế kỷ 21". Có thể nhiều người còn chưa kịp nắm bắt khái niệm "logic quyền lợi" để hiểu cặn kẽ phần trình bày về tái phân phối trong xã hội hiện đại, nhưng quả thực nếu không có công trình ngồn ngộn thông tin và đầy ắp quan điểm được đề xuất như ở đây, việc tìm hiểu và vận hành các nền kinh tế tư bản hẳn sẽ gặp trục trặc không nhỏ.
"Một tác phẩm tiên phong, vừa thấu đáo, vừa thận trọng, nhưng cũng không kém phần khiêu khích. Tác phẩm này sẽ có tác động lớn đến các cuộc thảo luận của của chúng ta về bất bình đẳng đương đại và ý nghĩa của điều đó đối với các thể chế và lý tưởng dân chủ của chúng ta. Tôi phải kinh ngạc trước khả năng xử lý vấn đề và sự chặt chẽ của Piketty"
Rakesh Khurana - Trường Kinh doanh Harvard
"Liệu thế giới vào năm 2050 hay 2100 sẽ thuộc sở hữu của các nhà giao dịch, các nhà quản lý hàng đầu, hay những kẻ siêu giàu, hay sẽ thuộc về những nước sản xuất dầu, hay rơi vào tay ngân hàng Trung Quốc (Bank of China)? Hay biết đâu thế giới sẽ thuộc sở hữu của những thiên đường thuế, là nơi mà những kẻ nói trên sẽ tìm đến tị nạn. Thật là ngây ngô nếu không đặt vấn đề ai sẽ sở hữu cái gì, mà chỉ đơn thuần chấp nhận ngay từ đầu rằng tăng trưởng tự động sẽ "cân đối" trong dài hạn".
Những lời gợi mở trên đây của Thomas Piketty cho thấy biên độ ứng dụng khá lớn của tập sách và cả những quyến rũ từ đề tài mà ông theo đuổi, hẳn vậy.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận