HLV Lampard không thể thành công dù rất được yêu mến tại Chelsea - Ảnh: Sky Sports
Hơn 10 năm trước, Pep Guardiola mở ra xu thế lựa chọn những cựu danh thủ làm HLV đội bóng. Chuyện này không hiếm gặp trong lịch sử trăm năm của bóng đá. Tuy nhiên, phải thừa nhận nó chỉ trở thành công thức kiểu mẫu sau thành công của Pep với thế hệ Messi, Iniesta, Xavi...
Thành công của Pep đã tạo nên xu thế sử dụng các cựu danh thủ suốt 10 năm qua. AC Milan là đội trung thành với công thức này nhất khi lần lượt bổ nhiệm các cựu danh thủ như Leonardo, Clarence Seedorf, Filippo Inzaghi, Christian Brocchi, Gennaro Gattuso... dẫn dắt đội bóng. Ngoài ra, có thể kể ra nhiều cái tên khác như Luis Enrique (Barca), Zinedine Zidane (Real Madrid), Diego Simeone (Atletico), Antonio Conte, Andrea Pirlo (Juventus), Ole Gunnar Solskjaer (M.U), Arteta (Arsenal) ...
Công bằng mà nói, tỉ lệ thành công của các cựu danh thủ khi chuyển sang công việc HLV ở đội bóng làm nên tên tuổi họ là 50/50. Sau Pep, Zidane, Enrique và Conte là những người thành công, nhưng những đồng nghiệp của họ ở Anh và đặc biệt là AC Milan phần lớn đều thất bại. Dù cần thêm thời gian để phán xét hai HLV Solskjaer (M.U) cùng Arteta (Arsenal), nhưng cho đến giờ họ vẫn chưa làm được gì nhiều.
Điều đó cũng giống như việc áp dụng một chiến thuật vào các đội bóng khác nhau. Thành công của HLV Mourinho ở Porto, Chelsea và Inter hầu hết dựa trên lối đá phòng ngự phản công. Áp đặt khuôn mẫu đó vào Real Madrid - đội bóng nổi danh hào hoa bậc nhất thế giới - là chuyện phi lý. Người ta kỳ vọng Lampard làm nên điều tương tự Pep Guardiola. Nhưng khổ nỗi Chelsea lại đối lập với Barca về cách xây dựng đội bóng.
Thương hiệu của Barca là gì? Đó là niềm kiêu hãnh của người Catalan - kiêu hãnh đến mức người dân xứ Catalunya cho rằng họ ưu tú hơn phần còn lại của Tây Ban Nha, và có thể tự lực tự cường nhờ các cầu thủ trưởng thành từ lò đào tạo La Masia. Triết lý đó đã tạo nên một boongke lãnh đạo Barca nhiều đời là những người Catalan chính gốc.
Trước khi Pep được bổ nhiệm ghế HLV trưởng, Barca đã có Joan Laporta giữ chức chủ tịch và Txiki Begiristian ngồi ghế giám đốc kỹ thuật thời gian dài. Đó là chưa kể thật ra lứa Messi, Pique, Busquets... là dàn cầu thủ "trăm năm có một" của La Masia. Và Pep chỉ là con số cuối cùng trong công thức chiến thắng đó.
Hai năm qua, Chelsea cố gắng tin rằng họ rất giống với Barca khi sản sinh ra một loạt cầu thủ trẻ bản địa khá chất lượng như Abraham, Mount, Hudson-Odoi... Nhưng cuối cùng đó chỉ là một ảo tưởng. Đầu tiên, những Abraham hay Mount không thể so sánh với Messi, Busquets. Và truyền thống của Chelsea lại khác hẳn.
Thật vậy, gần 20 năm qua, người ta biết đến Chelsea với tư cách một đội bóng nhà giàu, luôn sẵn tiền mua siêu sao chứ không phải là nơi chuyên đào tạo cầu thủ. Thứ văn hóa của sân Stamford Bridge gần giống với sân Santiago Bernabeu của Real Madrid - đó là cung cấp cho HLV những nguyên liệu tốt nhất và đòi hỏi thành công nhanh nhất.
Với tiêu chí đó, có lẽ Chelsea cần những HLV ngôi sao hơn là những ngôi sao bắt đầu làm HLV.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận