18/01/2020 09:47 GMT+7

Nhìn thất bại để hướng tới tương lai

SĨ HUYÊN ghi
SĨ HUYÊN ghi

TTO - Thất bại của tuyển U23 VN ở VCK U23 châu Á 2020 tuy làm buồn lòng nhưng cũng giúp người hâm mộ nhìn rõ hơn nội lực của bóng đá VN sau thời gian bay bổng cùng các chiến tích. Và phải sửa chuyện này sao đây?

Nhìn thất bại để hướng tới tương lai - Ảnh 1.

Với lực lượng không đồng đều, Quang Hải không thể “gánh” nổi tuyến giữa U23 VN ở VCK U23 châu Á 2020 - Ảnh: NGUYỄN KHÁNH

Tuổi Trẻ đã trao đổi với các nhà chuyên môn để tìm những giải pháp nhằm đảm bảo sự tiếp nối, tránh sự hụt hẫng về mặt nhân sự ở các cấp độ đội tuyển của bóng đá VN.

Thiếu nhân tố mới

Theo chuyên gia Đoàn Minh Xương: "Để có được sự ăn ý và làm nên kỳ tích tại VCK U23 châu Á 2018 ở Thường Châu, lứa Công Phượng, Văn Toàn, Duy Mạnh, Xuân Trường, Đức Huy, Tiến Dũng... có không dưới 4 năm tập luyện, thi đấu liên tục từ trong đến ngoài nước, bắt đầu từ giải U19. 

Khi cứng cáp một chút, những Công Phượng, Xuân Trường (HAGL), Quang Hải, Duy Mạnh (CLB Hà Nội)... đã sớm được tung vào thử lửa ở đấu trường V-League. Những va vấp, thất bại khi "vào đời" sớm đã giúp trui rèn để lứa cầu thủ này tỏa sáng dưới sự dẫn dắt của HLV Park Hang Seo trong những trận đấu ở Thường Châu năm 2018.

Thầy giỏi cần phải có trò hay. Cả hai yếu tố này hòa quyện đúng thời điểm đã giúp bóng đá VN thăng hoa. Còn tại VCK U23 châu Á 2020, mọi chuyện đã đảo chiều. Bóng đá trẻ trở lại với chính mình bởi hàng loạt nguyên nhân: không được đầu tư chu đáo như lứa trước, không có nhân tố đủ sức thay thế đàn anh, đối thủ mạnh hơn, lối chơi không còn giữ được yếu tố bất ngờ".

Khoảng trống từ Hùng Dũng, Trọng Hoàng

Cả HLV kỳ cựu Lê Thụy Hải lẫn HLV Nguyễn Văn Dũng (CLB Nam Định) đều cùng chung nhận định về việc U23 VN sớm dừng chân ở vòng bảng VCK U23 châu Á 2020: "Mục tiêu lớn nhất của bóng đá VN trong năm 2019 là chinh phục chiếc HCV SEA Games 30, thành tích mà cả nền bóng đá chờ đợi suốt 60 năm qua. Vì mục tiêu "vàng", chúng ta chấp nhận tăng cường hai cầu thủ trên 23 tuổi là Hùng Dũng và Trọng Hoàng. Sự tăng cường ấy mang lại hiệu quả giúp chúng ta đoạt chiếc HCV SEA Games. Tuy nhiên, điều này cũng đồng nghĩa với việc có hai cầu thủ trẻ mất cơ hội cọ xát ở SEA Games.

Và đến khi thầy trò ông Park đến với VCK U23 châu Á 2020 mà không có hai cầu thủ quá tuổi, đội hình của U23 VN trên đất Thái Lan đã không tìm ra người đủ sức lấp đầy khoảng trống ấy. Đó là chưa kể đến việc thiếu vắng Văn Hậu. Chưa hết, U23 VN còn phải đối mặt với tình trạng hai tiền vệ biên thay nhau làm khán giả vì chấn thương. Hai cánh bị "xệ" như thế và không có sự dẫn dắt của một thủ lĩnh như Hùng Dũng, tuyến giữa của U23 VN không còn giữ được sức mạnh như ở SEA Games 30, việc bại trận là điều tất yếu".

Không đúng điểm rơi phong độ

HLV Lê Thụy Hải bổ sung: "Ở góc độ khoa học huấn luyện, "tinh túy" của U23 VN đã bộc lộ hết mức ở SEA Games 30. Nói nôm na, điểm rơi của các tuyển thủ U23 VN diễn ra tại Philippines, chứ không phải ở Thái Lan. Chúng ta đặt trọng tâm chinh phục HCV SEA Games thì việc trật điểm rơi, thất bại ở VCK U23 châu Á 2020 là không bất ngờ, bởi đỉnh cao phong độ của cầu thủ không thể duy trì mãi ở trên đỉnh.

Sự khác biệt về thành tích giữa Thái Lan và VN ở VCK U23 châu Á chính là việc chọn đúng trọng tâm và có điểm rơi chính xác. Đề ra mục tiêu ít nhất là vào tứ kết, Thái Lan không cần tăng cường hai cầu thủ trên 23 tuổi, họ đến với SEA Games 30 không ngoài ý định cọ xát để giúp dàn cầu thủ trẻ lớn dần hơn. Đó là toan tính hợp lý và kết quả: họ lấy vé vào tứ kết VCK U23 châu Á 2020".

Chăm chút hơn cho các tài năng trẻ

U23 VN là bàn đạp để các tuyển thủ trẻ tỏa sáng trước lúc được tiến cử vào đội tuyển quốc gia. Muốn tỏa sáng, họ cần được cọ xát thường xuyên. HLV Lê Thụy Hải nhấn mạnh: "Không chỉ U23 hay đội tuyển, mà ngay cả CLB cũng cần có sự kế thừa mang tính liên tục vì đó là bộ mặt, là tương lai của một CLB và xa hơn là bộ mặt của đội tuyển quốc gia. 

Các cầu thủ trẻ cần được tung vào sân, nhưng do thành tích CLB gắn liền với sự tồn tại lẫn nguồn tài trợ nên rất ít HLV dám sử dụng cầu thủ trẻ ở đấu trường V-League. Giải bài toán này là điều không đơn giản".

Còn theo chuyên gia Đoàn Minh Xương: "Cần kiện toàn hệ thống đào tạo trẻ với giáo án huấn luyện đồng nhất, để khi các em được chọn vào các đội tuyển trẻ quốc gia thì HLV trưởng không mất thời gian chỉnh sửa. Bóng đá trẻ cần có sự đầu tư xuyên suốt, dài hạn, chẳng hạn như việc bầu Đức đã chăm chút cũng như dũng cảm tung lứa Công Phượng, Xuân Trường, Hồng Duy... vào trận rất sớm ở V-League. Hệ thống thi đấu các giải trẻ cần phải khoa học và tăng số trận đấu nhiều hơn để gia tăng thực chiến cho các cầu thủ trẻ".

Tăng cường thi đấu cho các lứa tuổi U

"Sau thời gian dài bảo thủ với nguyên tắc: không tham dự các giải trẻ quốc gia, kể từ năm 2020 trở đi, Học viện bóng đá Hoàng Anh Gia Lai JMG và NutiFood JMG sẽ đưa cầu thủ ra thử sức từ giải U15. Tôi đánh giá cao việc này, bởi cầu thủ trẻ mà chỉ ăn và tập luyện "chay" thì khó thoát khỏi sự nhàm chán, đơn điệu và có thể khiến các em giảm khát vọng vươn lên.

Thất bại của U23 VN cho thấy sự hụt hẫng khá lớn ở lớp kế thừa. Vì vậy, ngoài chuyện đào tạo của các CLB, LĐBĐ VN (VFF) phải đưa ra chiến lược, đầu tư mạnh mẽ vào lứa tuyển thủ U19 sắp tham dự VCK U19 châu Á do HLV Philippe Troussier dẫn dắt".

Đoàn Minh Xương

U23 Việt Nam - U23 Triều Tiên: 1-2 Trận thua của những sai lầm U23 Việt Nam - U23 Triều Tiên: 1-2 Trận thua của những sai lầm

TTO - Sai lầm của các cá nhân đã khiến tuyển U23 Việt Nam thua ngược 1-2 trước Triều Tiên ở trận đấu cuối cùng bảng D VCK U23 châu Á 2020 vào tối 16-1 và rời giải mà không có trận thắng nào.

SĨ HUYÊN ghi
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp