Vui lòng nhập Email
Email Không đúng định dạng
Vui lòng nhập Họ & Tên.
Những ngày cuối năm 2021. Nhà văn viễn tưởng nổi tiếng Nga Sergei Lukyanenko đưa lên trang Facebook của ông vài dòng suy tư:
“Chủ nghĩa tư bản hiện đại, hỡi ôi, cũng giống như chủ nghĩa tư bản thời Marx, không thể tồn tại nếu không “tái khởi động” dưới hình thức chiến tranh và (hoặc) sự đổ nát của các mô hình văn minh khác.
Nên nhiệm vụ chính của Nga lúc này là đứng ngoài việc thiết lập lại “ma trận” ấy. Giống như Trung Quốc và Ấn Độ - hai mô hình xã hội thay thế”. Ngay lập tức, một “rừng” comment đổ về...
Ông Lukyanenko nhận định: Ở Nga ngày nay cũng đang hiện diện chủ nghĩa tư bản, nhưng là một mô hình văn minh khác, không phải mô hình Đại Tây Dương - châu Âu. Trung Quốc và Ấn Độ cũng vậy, họ đang theo đuổi những mô hình phát triển riêng và không muốn nằm trong quỹ đạo cũ đó.
Cuộc tranh cãi trong dòng thác comment trên Facebook của ông Lukyanenko xoay quanh những câu hỏi: Chủ nghĩa tư bản Trung Quốc, với cách xử lý vấn đề Hong Kong hay Đài Loan, khác gì với chủ nghĩa tư bản Mỹ, với nỗ lực dẫn độ Julian Assange?
Ở đâu chính quyền ra lệnh cho giới tư bản, còn ở đâu tư bản thao túng chính quyền? Có ý kiến cho rằng chủ nghĩa tư bản ở đâu và thời nào cũng như nhau: đó luôn là cuộc chiến giành ảnh hưởng và lợi nhuận, chỉ có điều được che đậy dưới tên gọi “xung đột giữa các nền văn minh”…
Đó có lẽ cũng là luận đề tổng kết năm 2021. Những xung đột sau khi kết thúc Chiến tranh lạnh không còn là nhị nguyên, xuất phát từ hai phía, hai hệ tư tưởng. Thế giới đang trở nên rối ren hơn trong lòng một khối toàn cầu hóa, thật nghịch lý, đồng nhất hơn, khi hiện diện thêm nhiều tác nhân thử thách sự trung thành với những điều từng được coi là “lý tưởng phổ quát”.
Nhà báo Washington Post Charles Lane gọi động cơ tồn tại những khác biệt này là một thứ chủ nghĩa khác: “irredentism”. Theo Free Dictionary, irredentism là “chính sách một quốc gia thúc đẩy việc chiếm lấy một khu vực nào đó của quốc gia khác với lý do những mối quan hệ chung về ngôn ngữ, văn hóa, lịch sử, dân tộc và chủng tộc”.
Irredentism xuất phát từ tiếng Ý (irredentismo, với terre irredente nghĩa là “những vùng đất chưa được giải phóng”), là một phong trào chính trị - xã hội khai sinh vào những năm 1870 - 1880 ở Ý.
Các thành viên phong trào đó ủng hộ việc sáp nhập tất cả các lãnh thổ nơi có người Ý sinh sống vào một nhà nước - quốc gia, dẫn tới công cuộc thống nhất nước Ý như thời hiện đại (thành lập năm 1871). Về sau, từ này được dùng để gọi các phong trào dân tộc - quốc gia nói chung. Nhà nghiên cứu người Mỹ Nigel J. Brailey cũng coi irredentism là một hình thức đặc biệt của chủ nghĩa dân tộc.
Dưới góc nhìn của Lane, “irredentism là một mô tả tốt về chính sách quốc gia ngày nay của Nga và Trung Quốc với Ukraine và Đài Loan. Và để chữa khỏi căn bệnh irredentism này, cần phải có một thất bại quân sự. Chẳng hạn, Đức và Ý đã phải từ bỏ tất cả yêu sách của họ sau thất bại trong Thế chiến II”.
Tuy nhiên hiện nay, Hoa Kỳ đang ở trong tình thế địa chính trị chưa từng có: hai cường quốc khổng lồ là Nga và Trung Quốc cùng thống trị Âu - Á; cả hai đều tương đối ổn định về chính trị và sở hữu vũ khí hạt nhân; cả hai đều có quyền phủ quyết. “Và các nhà cầm quyền ở cả hai nước đó đều đặt cược vào các dự án irredentism mà Hoa Kỳ đặt uy tín của họ vào việc ngăn chặn chúng”, Lane phân tích.
Nhà văn Lukyanenko thì cho rằng so với Mỹ và các nước NATO, chủ nghĩa tư bản Nga khác, “có những hạn chế của nó, nhưng không đòi hỏi những cuộc xâm lược nước ngoài định kỳ [như của Mỹ]…, vì ban đầu nó được xây dựng theo cấu trúc của một “pháo đài bị bao vây”!”. Có lẽ nhận định này giải thích phần nào các dự thảo thỏa thuận Nga vừa gởi đến NATO về đảm bảo an ninh.
Trong số những điều khoản, có yêu cầu NATO cam kết loại trừ việc mở rộng và kết nạp Ukraine, không triển khai tên lửa tầm trung và tầm ngắn ở những khu vực mà Nga và NATO có thể tấn công lãnh thổ của nhau, và cũng không sử dụng lãnh thổ của các quốc gia khác để chuẩn bị tấn công nhau.
Cuộc giằng co 2021 trong lĩnh vực địa chính trị có thể thấy vẫn còn lâu mới ngã ngũ…
Năm 2021 còn bộc lộ những mâu thuẫn kỳ lạ của thời đại chúng ta đang sống, không chỉ trong cuộc chạy đua để sống sót trước đại dịch COVID-19, mà đến cuối năm 2021 lại thêm mối đe dọa Omicron. Trong cơn “oằn mình để sống” đó, vẫn đầy những tự vấn bản ngã con người, đơn cử trong quan hệ giữa các thành viên Đông Âu của Liên minh châu Âu (EU) - Ba Lan và Hungary - với Brussels.
Người viết chợt nhớ lại một phát biểu nảy lửa giữa tháng 7-2021: “Tôi sinh ra là gay. Tôi là người đồng tính, đó không phải lựa chọn của tôi. Mẹ tôi luôn sợ hãi chuyện này, và tôi phải sống với nó. Và bây giờ các ông lại khẳng định nó trong luật pháp…
Các ông đã vượt qua lằn ranh. Chúng ta đang nói về quyền cơ bản, quyền được khác biệt”. Đó là lời Thủ tướng Luxembourg Xavier Bettel nói với người đồng cấp Hungary Viktor Orban trong một cuộc tranh luận ở Hội đồng châu Âu.
Ông Bettel phản đối một đạo luật có hiệu lực ở Hungary hồi tháng 7: cấm trẻ vị thành niên tiếp xúc với các chủ đề liên quan đến đồng tính và phân định lại bản dạng giới. Điều này gần như đồng nghĩa với việc cấm “tuyên truyền LGBT” trên tất cả các phương tiện truyền thông Hungary (tương tự ở Nga từ năm 2013).
Quyết định đó hoàn toàn không phù hợp với EU, vốn dựa trên cơ sở là sự khoan dung với các bản dạng giới thiểu số - một giá trị chung được công nhận của các nước thành viên. Hungary, nhập khối từ 2004, không chia sẻ sự khoan dung đó.
Budapest khẳng định: luật mới của họ bảo vệ quyền trẻ em được hình thành quan điểm riêng, và quyền của cha mẹ, chứ không phải các định chế nhà nước được giáo dục con cái theo ý mình. Ba Lan cũng phản ứng với chính sách của EU. Một số khu vực Ba Lan đã coi là “vùng không có người LGBT”, nghĩa là cấm hiển thị công khai các biểu tượng của các giới tính thiểu số.
Tuy cùng một khối EU, nhưng cuộc đối đầu của các nước Đông Âu với phần còn lại trong khối năm qua nổi bật ở ba khía cạnh: phong cách chính phủ độc đoán, hướng tới chủ nghĩa dân tộc trong chính trị, và các giá trị bảo thủ trong quản trị xã hội.
“Dân chủ không nhất thiết phải quá tự do [“liberal”, chữ tự do ở đây hiểu theo nghĩa một hệ phái chính trị, chứ không phải theo nghĩa sự tự do nói chung, tức “freedom”]. Thực tế là chế độ không theo đường lối tự do không làm cho nó trở nên mất dân chủ…”, ông Orban từng tuyên bố năm 2014, khuyến khích tìm kiếm một phương thức mới để xây dựng hệ thống nhà nước.
Ví dụ về các quốc gia thành công, ông nêu Trung Quốc, Thổ Nhĩ Kỳ, Singapore và Nga. Theo Ivan Krastev, nhà phân tích chính trị người Bulgaria và là một trong những người sáng lập Hội đồng Quan hệ đối ngoại châu Âu (ECFR), đặc điểm chung của hai nước Đông Âu Ba Lan và Hungary là “nền dân chủ tuyên chiến với chủ nghĩa tự do”.
Không giống những người theo chủ nghĩa tự do phương Tây, Budapest và Warsaw không đặt nặng quyền của các nhóm thiểu số sắc tộc, tôn giáo và giới tính. Thay vào đó, họ tìm cách bảo vệ quyền và lợi ích của nhóm dân tộc chiếm đa số trên đất nước mình. Căng thẳng giữa hai thành viên này với EU dâng cao tới mức đã có những ám chỉ về việc rời khỏi EU, “Huxit” và “Polexit”, theo sau Brexit.
Khoan dung và tiếng nói của thiểu số không chỉ gây tranh cãi trong EU năm 2021. Ở thành viên ly khai khỏi khối, Vương quốc Anh, một scandal âm ỉ thời gian qua lại bùng lên vào cuối năm, khi nữ nhà văn J.K. Rowling dẫn tin tờ The Times nói cảnh sát Scotland sẽ ghi vào hồ sơ kẻ hiếp dâm là phụ nữ, nếu thủ phạm nhận mình là phụ nữ, trong khi thủ phạm không cần xác nhận chính thức về việc chuyển đổi giới tính.
Phê phán cách làm này, trên trang Twitter của mình ngày 13-12-2021, tác giả Harry Potter viết: “Chiến tranh là hòa bình \ Tự do là nô lệ \ Ngu dốt là sức mạnh \ Người có dương vật cưỡng hiếp bạn là phụ nữ”.
Chỉ trong vài ngày, bài viết nhận tới 18.000 phản hồi, cáo buộc bà thù ghét người chuyển giới và đánh đồng người chuyển giới với kẻ hiếp dâm. Nhưng cũng có những tiếng nói ủng hộ và cảm ơn bà đã “ủng hộ quyền phụ nữ và lý lẽ chung”, điều theo họ hoàn toàn thiếu vắng trong quy định mới của cảnh sát.
Thật ra đây không hẳn là câu chuyện của năm 2021, nó chỉ trở nên sắc nhọn và gay gắt hơn. Bởi từ tháng 6-2020, Rowling đã gặp rắc rối khi cười nhạo việc sử dụng cụm từ “người có kinh” của một bài viết trên cổng thông tin phát triển devex.
(Bài viết nhan đề “Tạo ra một thế giới công bằng hơn cho người có kinh”, kêu gọi quan tâm hơn đến khía cạnh giới tính trong đại dịch COVID-19, có đoạn: “Ước tính 1,8 tỉ trẻ em gái, phụ nữ và những người phi nhị giới [tức tự nhận không hoàn toàn là nam hay nữ] có kinh, và nó không ngưng lại vì đại dịch”).
Khi đó, trong số những người kịch liệt chỉ trích Rowling có cả các diễn viên phim Harry Potter. Thậm chí đã có lời kêu gọi xóa tên nữ tác giả khỏi bìa sách của bà, điều may mắn đã không diễn ra.
Lời trần tình của nữ nhà văn giải thích phần nào những rắc rối của thế giới chúng ta đang sống: “Nếu giới tính không tồn tại, ắt cũng sẽ không có sự hấp dẫn đồng giới.
Nếu giới tính không tồn tại, thì thực tế mà phụ nữ trên toàn thế giới đang sống sẽ bị xóa bỏ… Nếu phá hủy khái niệm giới tính, bạn sẽ tước đi của nhiều người những khả năng chiêm nghiệm cuộc sống của mình. Nói thật không có nghĩa là thù hận”.
Bà hình tượng hóa nỗi lo của mình xuống mức đơn giản: thử tưởng tượng bạn đang trong toilet nữ, và một người, theo bạn là nam giới nhưng lại tự nhận mình là nữ, xộc cửa bước vào!
Không hẹn mà gặp, một nhà văn khác, Zakhar Prilepin người Nga, cảm khái khi nghe giám đốc cuộc thi Hoa hậu Pháp, bà Alexia Laroche-Joubert, thông báo từ năm sau (2022), những người chuyển giới sẽ được phép tranh giải hoa hậu ở đất nước nổi tiếng tụng ca nhan sắc và nữ tính: “Tôi chỉ muốn nhắc những người bảo vệ quyền của các thiểu số khác nhau rằng không được xâm phạm quyền của người khác. Trong đó có quyền của những người mà với họ, đàn bà là đàn bà và đàn ông là đàn ông”.
Những cuộc đấu khẩu chan chát như thế đã diễn ra không ngừng nghỉ trong thế giới 2021 vốn “ngộp thở” vì đại dịch rồi. Nhân loại đầy hy vọng sang năm 2022 sẽ bước ra khỏi đại dịch để sống với một “bình thường mới”, mà suýt quên rằng chẳng cần tới đại dịch, nội hàm của “bình thường” cũng đang thay đổi từng ngày.
Năm 2021, các chính phủ vẫn phải tập trung cho việc chống trả đại dịch COVID. Chỉ vài nơi hiếm hoi khống chế được dịch, nhân đó mà mở rộng ảnh hưởng, tạo ra những hình thái địa chính trị mới...
Bức ảnh chụp Tổng thống Mỹ Joe Biden, mặt mũi đeo “kín” khẩu trang, ngồi trước bàn giấy, phía sau là lò sưởi trang trí Giáng sinh - minh họa cho mẩu tin của NBC News hôm thứ bảy 18-12 loan báo ông sẽ có bài phát biểu vào tuần sau về biến thể Omicron và các hành động mới của Chính phủ Mỹ - cũng có thể là ảnh chụp nhiều nguyên thủ quốc gia khác vào dịp cuối năm 2021 này. Họ phải căng mình chống dịch COVID, đang sắp bước qua năm thứ ba.
Đúng hẹn, sáng thứ ba 21-12, ông Biden lên tivi nói sẽ mua 500 triệu kit xét nghiệm để đối phó khả năng tăng nhiễm vì Omicron. Ông cũng tâm sự rằng chính sách cưỡng bách chích ngừa của ông không được lòng dân lắm song phải vậy thôi: miễn là hiệu quả và hợp pháp. Ba tiếng sau, tờ New York Post “phang” ngay: “Diễn văn của Joe Biden về Omicron cho thấy ông vẫn chưa đè được dịch COVID”. Mà đó là ông Biden còn được rộng quyền rộng tiền lắm rồi.
Trong bối cảnh dịch giã, dữ kiện thống kê không hề là những con số vô tri vô giác, càng không thể nghĩ đến chuyện lược bớt thông tin về số ca nhiễm mới và tử vong mỗi ngày khi mà số liệu cứ tăng cao. Cách CDC Mỹ công bố số liệu dịch COVID hằng ngày có thể xem như khuôn mẫu: Thống kê là thống kê chớ không phải công cụ để đánh bóng hay bảo vệ uy tín của chính phủ.
Ở Mỹ, tính tới 18-12, đã có 50,7 triệu người nhiễm COVID, hơn 800.000 người thiệt mạng. Hôm 18-12 đó, số lượt xét nghiệm tăng 52% (gần 1,5 triệu lượt), phát hiện gần 130.000 ca nhiễm mới (bình quân 50 ca/100.000 người), số ca nhập viện tăng 18% (70.000 người), và thêm 1.296 ca tử vong (bình quân 1,5 ca/100.000 người), số liệu chi tiết New York Times cập nhật từng ngày.
Dễ hiểu là sau 2 năm vật lộn, dân tình bắt đầu chán ngán. CNN 20-12 than thở về năm COVID thứ ba đang tới gần: “Theo các dữ liệu của Đại học Johns Hopkins, nước Mỹ hiện phải đối mặt với một đợt bùng phát virus corona trở lại khi đại dịch bước sang năm thứ ba”.
Còn ở Pháp, tờ báo được xem là thế giá nhất, Le Monde, sáng 20-12 chạy một tít hết sức dân dã: “Không ai có thể nói “Tôi ổn!””. Tờ báo giải thích “sự mệt mỏi” vì COVID: “Người ta đã chích ngừa rồi, xét nghiệm đủ cả rồi. Chán quá rồi, mệt mỏi trước một đại dịch không chịu dừng!”.
Các xã hội trên phản ứng trong tâm thế dẫu sao cũng tạm đủ về mặt an sinh với các loại trợ cấp hậu hĩnh, nên tình cảnh của các xã hội mà dân chúng chưa được “che phủ” đầy đủ, có “la làng” cũng chẳng ai giúp được, như thế nào, không nói ra cũng hiểu.
Một năm dịch giã, mới càng thấm câu cửa miệng “cai trị là tiên liệu”. Lo xa thì mới có thể chuẩn bị những kế hoạch cần thiết, trong đó chích ngừa là tối quan trọng, như một áo giáp mấy lớp bảo vệ. Lo xa thì mới hiểu cuộc chiến này không chỉ là y tế, mà còn là xã hội - sự sống còn không chỉ trước COVID mà còn để đảm bảo cái ăn cái mặc cho lớp lớp thường dân.
Trực tiếp nhất minh họa cho câu “cai trị là tiên liệu” là lời cảnh báo của tổng giám đốc Tổ chức Y tế thế giới (WHO) hôm 20-12 vừa qua ở Geneva: “Chắc chắn rằng giao tiếp xã hội tăng lên trong thời gian nghỉ lễ ở nhiều quốc gia sẽ dẫn đến gia tăng các ca bệnh, hệ thống y tế quá tải và nhiều ca tử vong hơn”.
Ông muốn mọi chính phủ và cá nhân cân nhắc thiệt hơn khi đưa ra những quyết định “năm hết Tết đến”: “Tất cả chúng ta đều muốn dành thời gian cho bạn bè và gia đình. Ai cũng muốn trở lại bình thường. Cách nhanh nhất để làm điều đó là tất cả - những nhà lãnh đạo và mỗi cá nhân - hãy đưa ra những quyết định khó khăn nhưng cần thiết để bảo vệ bản thân và người khác. Trong một số trường hợp, điều đó có nghĩa là phải hủy bỏ hoặc trì hoãn các sự kiện - giống như chúng tôi đã hủy buổi chiêu đãi dự kiến hôm nay”.
Số là 18 tháng qua, WHO đã “đóng cửa” các cuộc họp báo trực tiếp, hôm 20-12 vừa rồi mới tổ chức lại, nên cũng có định chiêu đãi các nhà báo, song cuối cùng đã hủy. Sợ chưa được hiểu, người đứng đầu WHO nhắc lại, có phần chua chát: “Một sự kiện bị hủy sẽ tốt hơn là một mạng sống mất đi”.
Cai trị - tiên liệu còn là nhắm đến những mục tiêu bền vững, lâu dài, thay vì những vinh quang “chói chang” trước mắt. Vậy “bền vững” trong chống dịch là gì? Tổng giám đốc WHO giải thích: “Năm 2022 phải là năm chúng ta chấm dứt đại dịch này. Nhưng đó cũng phải là năm mà tất cả các quốc gia đầu tư vào việc ngăn chặn một thảm họa trong tương lai ở quy mô như vậy”.
Trong một năm đại dịch, dễ hiểu khi ngoại giao vắc xin và vắc xin như một phương tiện để gây thanh thế trở thành chủ điểm của tình hình quốc tế.
Nếu như các hãng vắc xin đang rậm rịch loan báo về tính hiệu quả các sản phẩm của họ trước biến chủng Omicron, thì Tổng thống Nga Vladimir Putin cũng làm vậy với vắc xin Sputnik của nước ông. Phát biểu tại Đại hội Các nhà công nghiệp và doanh nghiệp Nga hôm 17-12, ông Putin thông báo: “Sputnik V của Nga hoạt động tốt và thậm chí có thể chống lại Omicron tốt hơn so với các vắc xin hiện đang được sử dụng”.
Phải nhìn nhận rằng ông Putin có diễm phúc mà không mấy lãnh đạo quốc gia đương thời có: là tổng thống một nước sản xuất vắc xin. Để so sánh, dù ông Tổng thống Pháp Emmanuel Macron có mong muốn tới đâu, thì Hãng Sanofi của nước ông, trước giờ vẫn là một “ông lớn” trên thị trường vắc xin thế giới nhờ hơn người với hệ thống Viện Pasteur toàn cầu, tới giờ này cũng đành “ngậm cán bút” do không tìm ra được vắc xin.
Chuyện gì không biết, chứ lăng xê cho nước Nga thì không ai có thể chê ông Putin. Ngay từ hôm 10-8-2020, ông đã làm cả thế giới “hết hồn” khi loan tin Nga phát triển được vắc xin ngừa COVID “miễn nhiễm bền vững”. Để minh họa cho tính xác thực của tin này, ông cho biết một cô con gái của ông đã chủng ngừa bằng Sputnik V. Nghiệt một nỗi, dù đích thân ông Putin trong năm 2021 đã hai lần chích ngừa biểu diễn Sputnik V, dân Nga vẫn cứ thờ ơ (chỉ 36% chích ngừa tính tới 18-11-2021), chứ chưa nói đến các quốc gia khác, nơi đang lưu hành đủ loại vắc xin khác nhau.
Thêm nữa, trong khi vắc xin của Nga “vất vả” tìm kiếm sự phê chuẩn của WHO, thì các vắc xin của Ấn Độ và Trung Quốc đã giành được sự tín nhiệm này. Ấn Độ hôm 17-12 được WHO phê duyệt quy chế trong danh sách sử dụng khẩn cấp (EUL) một loại vắc xin nữa, CovovaxTM, do Viện Huyết thanh Ấn Độ sản xuất theo giấy phép của Novavax.
Quy trình EUL của WHO đánh giá chất lượng, độ an toàn và hiệu quả của vắc xin COVID-19, là điều kiện tiên quyết để cung cấp vắc xin cho COVAX, và cho phép các quốc gia xúc tiến việc phê duyệt nhập khẩu và quản lý vắc xin. Covavax mới được WHO phê duyệt sử dụng khẩn cấp là vắc xin thứ 9 trong diện này: Comirnaty (thường gọi là Pfizer), Vaxzevria (AstraZeneca), Covishield (tên địa phương của AstraZeneca tại Ấn Độ), Janssen (của Bỉ - Hà Lan), Spikevax (Moderna), Verocell (Trung Quốc), Covaxin (Ấn Độ), Nuvaxovid (Novavax), và Covavax.
Trên cơ sở sản xuất được vắc xin hay tiềm lực tài chính, các nước lớn mở ra một cục diện ngoại giao hoàn toàn mới chỉ có trong thời dịch bệnh: uy tín đi kèm với số vắc xin cho tặng. Tháng 9-2021, CNBC dẫn thống kê của UNICEF cho biết Mỹ đã chuyển giao hơn 114 triệu liều vắc xin cho khoảng 80 nước, hầu hết là các nước đang phát triển ở châu Á, châu Phi và Mỹ Latin. Con số đó nhiều hơn gấp ba lần so với 34 triệu liều mà Trung Quốc, nước xếp thứ hai, đã đóng góp. Thứ ba là Nhật Bản với 23,3 triệu liều.
Về các nước nhận thì châu Á đứng đầu, với Bangladesh, Philippines, Indonesia, và Pakistan đều đã nhận hơn 10 triệu liều. Tuy nhiên, tính tổng cộng thì lượng vắc xin cho tặng mới là 207 triệu liều, còn thấp hơn nhiều so với mức khuyến nghị của WHO đưa ra hồi tháng 5, theo đó các nước thu nhập cao cần tái phân phối ít nhất 1 tỉ liều vắc xin trong 9 tháng đầu năm 2021 và 1 tỉ liều nữa tới giữa năm 2022 thì mới có hy vọng kết thúc đại dịch vào năm tới.
Trong hoàn cảnh vắc xin trở thành một đòn bẩy ngoại giao, việc sản xuất cũng đang được đẩy mạnh chưa từng thấy ở nhiều nước. Chẳng hạn hôm 21-12, Tân Hoa xã cho biết năng lực sản xuất vắc xin của Trung Quốc đã đạt 7 tỉ liều mỗi năm.
Chuyện dân Âu - Mỹ phản đối vắc xin đã quá “quen thuộc”, nhưng nay lại có thêm dân Nga cũng “chê” hàng nội địa Sputnik V, dù đại dịch vẫn đang hoành hành ở đó. Hôm 21-12, Moscow News tóm tắt tình hình: “Nga đã xác nhận 10.267.719 trường hợp nhiễm virus corona và 299.249 trường hợp tử vong, theo trung tâm thông tin virus corona quốc gia”.
Đáng nói, trong khi nhiều nước Âu - Mỹ áp các kiểu ràng buộc khác nhau để ép người dân chích ngừa, ông Putin lại đang tỏ ra rất cởi mở trong chuyện này. Hôm 24-11, ông nhắc lại lập trường của ông rằng việc chích ngừa COVID nên là tự nguyện.
Ở thái cực bên kia là chính sách vắc xin của Trung Quốc. Hồi tháng 8, báo Mỹ The Los Angeles Times kể lại một câu chuyện ở tỉnh Hồ Nam khi một người đàn ông đã bị/được cảnh sát điều xe đến tận nhà và chở vào bệnh viện chích vắc xin. Cũng bởi kiểu làm mạnh tay như vậy mà tính tới 21-12, 2,68 tỉ liều vắc xin đã được triển khai ở Trung Quốc đại lục, coi như phủ kín toàn bộ đối tượng dân chúng cần tiêm, Tân Hoa xã dẫn thông tin từ Ủy ban Y tế quốc gia.
Một vấn đề khác khiến dân chúng phản ứng trong công cuộc chống dịch một năm qua là tình trạng thừa nước đục thả câu của những kẻ trục lợi nhờ COVID-19. Ở nhiều nước, cuộc chiến với con virus tạo điều kiện cho sự vi phạm các tiêu chuẩn chống tham nhũng, tỉ như cắt giảm quy trình mua sắm, hoặc những người nắm quyền lợi dụng cuộc khủng hoảng để tư túi.
Ở cấp độ điều hành, các quan chức quản lý có thể thông đồng với nhà sản xuất và hãng phân phối bằng cách cung cấp giấy chứng nhận hoặc phê duyệt sản phẩm không đủ điều kiện, trì hoãn phê duyệt sản phẩm của đối thủ cạnh tranh, hoặc thông đồng với các nhà cung cấp “ma”. Chuyện này đã xảy ra ở hầu khắp các nước châu Á, đặc biệt là Nam Á và Đông Nam Á, tới mức ở Ấn Độ, Tổ chức Minh bạch quốc tế (TI) đã cảnh báo rằng tham nhũng trở thành một “đại dịch thứ hai” nguy hiểm không kém dịch COVID.
Thiếu sự tuân thủ nghiêm ngặt các thủ tục quy định với nghiên cứu và phát triển thuốc và sản phẩm y tế, trong đó việc ra quyết định phê duyệt không được giám sát chặt chẽ để đảm bảo lợi ích công cộng và sự tiếp cận bình đẳng sẽ còn là một vấn nạn lâu dài của công cuộc chống dịch.
Cũng theo TI, tham nhũng liên quan đến năng lực quản trị nhà nước yếu kém trong 5 lĩnh vực quan trọng: sản xuất và phân phối các sản phẩm mua sắm công, quy định xét duyệt, quy trình mua sắm, quản trị ở cấp cao và năng lực đội ngũ y tế. Tham nhũng không chỉ khiến quốc gia tổn thất, nó còn ảnh hưởng tới chất lượng thuốc men, tạo điều kiện cho sản phẩm y tế giả mạo, và khiến công cuộc chống dịch vốn đã khó càng thêm khó.
Vì vậy, các chính phủ nhất thiết phải có lập trường dứt khoát và mạnh mẽ trước hành vi tham nhũng trong quá trình ứng phó đại dịch. Làn sóng các vụ tham nhũng liên quan đến dịch bệnh nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tiếp tục và tăng cường các nỗ lực minh bạch, lôi kéo truyền thông báo chí, các tổ chức xã hội tham gia giám sát kết quả chống dịch và hệ thống mua sắm công, theo dõi chi tiêu ngân sách và phản ánh nguyện vọng của người sử dụng y tế công cộng...
Muốn hay không thì năm COVID thứ ba cũng đã đến trước ngõ. Các bản đồ dịch tễ ở châu Âu và Bắc Mỹ hiện lại đang đỏ rực, và để tiên liệu tình hình, có ba câu hỏi mà mọi chính phủ đều phải tự đặt ra: (1) Người dân tin chính phủ được bao nhiêu? (2) Vì sao? Và (3) có thể làm gì khác hơn, tốt hơn không?
Tin cùng chuyên mục
Vui lòng nhập Tên hiển thị
Vui lòng nhập Email
Email Không đúng định dạng
Vui lòng nhập Email
Email Không đúng định dạng
Mật khẩu không đúng.
Thông tin đăng nhập không đúng.
Tài khoản bị khóa, vui lòng liên hệ quản trị viên.
Có lỗi phát sinh. Vui lòng thử lại sau.
Nhập mã xác nhận
Đóng lạiVui lòng nhập thông tin và ý kiến của bạn
XThêm chuyên mục, tăng trải nghiệm với Tuổi Trẻ Sao
Từ ngày 1-1-2023, Tuổi Trẻ Online giới thiệu Tuổi Trẻ Sao - phiên bản đặc biệt dành riêng cho các thành viên với nhiều chuyên mục và trải nghiệm thú vị, bao gồm: Tư vấn pháp luật, Hỏi chuyện sức khỏe; Xem nhật báo sắc nét trên mạng (E-paper), Tuổi Trẻ Live (trực tiếp các sự kiện thời sự nóng bỏng, hấp dẫn).
Tuổi Trẻ Sao được thiết kế thông thoáng với tất cả các trang, chuyên mục và video đều không có quảng cáo hiển thị, không làm ngắt quãng sự tập trung của bạn đọc.
Bằng cách đóng góp Sao, thành viên Tuổi Trẻ Sao có thể tham gia các hoạt động và tương tác trên nền tảng Tuổi Trẻ Online như tặng Sao cho tác giả và các bài viết yêu thích, đổi quà lưu niệm trong chương trình, đăng ký quảng cáo, mua sắm trực tuyến.
Báo Tuổi Trẻ phát triển Tuổi Trẻ Sao nhằm từng bước nâng cao chất lượng nội dung, tăng khả năng kết nối, tương tác và thực hiện các nội dung mới theo nhu cầu của số đông công chúng.
Chúng tôi hy vọng Tuổi Trẻ Sao sẽ góp phần chăm sóc, phục vụ và mang lại những trải nghiệm mới mẻ, tích cực hơn cho cộng đồng độc giả của Tuổi Trẻ Online.
TTO
Tuổi Trẻ Sao
Thông tin tài khoản ngày
Tài khoản được sử dụng đến ngày | Bạn đang có 0 trong tài khoản
1 sao = 1000đ. Mua thêm sao để tham gia hoạt động tương tác trên Tuổi Trẻ như: Đổi quà lưu niệm, Tặng sao cho tác giả, Shopping
Tổng số tiền thanh toán: 0đ
Thanh toán
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận