10/06/2021 05:53 GMT+7

Nhịn khô detox: Trào lưu 'sống khỏe' hại sức khỏe

LAN ANH - CẨM NƯƠNG
LAN ANH - CẨM NƯƠNG

TTO - Nhịn ăn nhiều ngày để detox cơ thể - thường được gọi là phương pháp "nhịn ướt", tức là không ăn nhưng vẫn uống nước - đã là kỳ lạ. Giờ đây, để thanh lọc còn có cả phương pháp "nhịn khô" - tức không ăn, không uống trong ít nhất vài ngày.

Nhịn khô detox: Trào lưu sống khỏe hại sức khỏe - Ảnh 1.

Tập thể dục, ăn uống theo chế độ dinh dưỡng vừa đủ là một trong những phương pháp tốt nhất để giữ gìn sức khỏe - Ảnh minh họa: T.T.D.

Có người "nhịn khô" 3 ngày, có người còn dài hơn.

Nhịn ăn uống, nên không?

Điều kỳ lạ là không chỉ người không rành rẽ về các biện pháp bảo vệ sức khỏe mới tham gia trào lưu này mà còn có cả người có chuyên môn, có học vấn cũng tham gia.

Trên mạng xã hội, gia đình chị D. - người cho biết vừa trải qua kỳ "quét dọn rác cơ thể" thông qua hình thức nhịn ăn, chỉ uống "dầu" - cho biết gia đình chị có 4 người (2 trẻ em) đã cùng tham gia "thanh lọc" trong 1 tuần, theo các hình thức tùy khả năng mỗi người: mẹ và 1 con nhỏ thanh lọc 7 ngày, trong đó có 3 đêm uống "dầu"; ba theo hình thức nhịn 4 ngày, có 2 đêm uống dầu; còn 1 con nhỏ thanh lọc bằng nhịn 4 ngày không uống dầu, trẻ em có thể sử dụng một ít trái cây loại không ngọt. Trong quá trình nhịn ăn thanh lọc có kèm theo tập thể dục rèn luyện sức khỏe.

"Gian nan", theo chị D., bắt đầu vào đêm thứ tư, khi 1 trong 2 con nhỏ của chị (10 và 12 tuổi) đã ói gần một nửa khi uống chai dầu đầu tiên và lục đục suốt đêm. Gia đình cũng đã tạo ra một kiểu nằm mới tình cảm để dễ chịu hơn trong những ngày thanh lọc.

Chị N., một người đã tham gia áp dụng phương pháp này, chia sẻ khi được hỏi sẽ thực hiện "nhịn khô" hay "nhịn ướt" thì chị đã quyết định "nhịn khô" vì bản tính thích thử thách.

"Ngày 1 trôi đi rất chậm, toàn bộ cơ thể chùng xuống, dư thừa, đến chiều cơn khát và cơn đói nổi lên. Tôi ăn ít nên nhịn 1 ngày không sao, nhưng khát thì khó chịu, tâm trí chỉ nghĩ đến cốc nước. Ngoài trời 40OC, mồ hôi túa ra, càng khát" - chị kể.

Chị cũng cho biết trong thời gian nhịn dù mỗi ngày tắm 3 lần nhưng mồ hôi có mùi hôi, đến tối ngày thứ 2 thì nóng như lửa, vật vã, khó chịu, không ngủ được phút nào; ngày thứ 3 tiểu buốt, tim đập nhanh, nhiều lúc như muốn rụng tim...

Mặc dù đây là phương pháp chỉ lan truyền trên mạng và các bài giảng không rõ ràng về tính khoa học, nhưng rất nhiều người lại tham gia như một cách thanh lọc, có người tham gia để thử thách khả năng... chịu đựng.

Trào lưu sống khỏe hay tàn phá cơ thể?

Nhịn ăn khô là một phương pháp mà người thực hiện sẽ kiêng hoàn toàn nước và thực phẩm trong toàn bộ thời gian làm sạch cơ thể từ 1 đến 4 ngày. Không những thế, trong suốt quá trình đó, cần loại trừ mọi tiếp xúc với nước như tắm, vệ sinh răng miệng, rửa tay... với quan điểm khi cơ thể tiếp xúc nước thì da vẫn hấp thụ độ ẩm, làm cản trở quá trình thanh lọc.

Là học viên lớp yoga hơn 3 tháng, mùa giãn cách xã hội do dịch COVID-19 nên chị Lê Trâm Anh (phường 11, quận Bình Thạnh, TP.HCM) không thể đến phòng tập được, sợ ở nhà suốt sẽ tăng cân nên chị lên các diễn đàn mạng và áp dụng thử phương pháp detox nhịn ăn khô với những lời chia sẻ có cánh cho việc thanh lọc, giảm cân.

"Ám ảnh tăng cân trong mùa dịch rất lớn vì phải ở nhà suốt, nên mình lên mạng tìm và thấy việc nhịn ăn khô được chia sẻ rằng có hiệu quả đào thải độc tố, chất béo nên nhào vô áp dụng thử. Nhưng đến ngày thứ 2 thì người thân trong gia đình bảo mặt mày xanh xao quá, cộng với việc cảm thấy bị choáng khi đi lại, nên mình đã quyết định dừng lại, tìm phương pháp khác phù hợp hơn", chị Trâm Anh chia sẻ.

Thực trạng có thể thấy trên các diễn đàn, mạng xã hội có vô vàn nhóm được lập ra để chia sẻ kinh nghiệm giảm cân, thanh lọc cơ thể. Mỗi ngày có hàng chục bài nói về phương pháp nhịn ăn từ 10 đến 12 ngày, chỉ uống nước, kèm theo mỗi bài viết là lời rao bán các loại nước ép phục vụ quy trình.

Đa số bài viết chỉ là kinh nghiệm cá nhân, không có tư liệu khoa học. Hơn nữa cơ thể mỗi người mỗi khác nhau, dù cho một phương pháp có hiệu quả với người này cũng không chắc sẽ an toàn với người kia.

Thông thường khoảng 20% lượng chất lỏng cơ thể cần hấp thụ đến từ thực phẩm và số còn lại đến từ việc uống nước lọc. Khi nhịn ăn và uống có nghĩa ta đã cắt bỏ hoàn toàn dưỡng chất để duy trì hoạt động của cơ thể trong ngày. Điều này ảnh hưởng xấu rất nhiều đến các cơ quan chức năng trong cơ thể, biểu hiện qua việc cơ thể suy nhược, chóng mệt mỏi, khó tập trung...

Theo bà Nguyễn Thị Lâm, nguyên phó viện trưởng Viện Dinh dưỡng quốc gia, với nhu cầu chuyển hóa cơ bản (không phải lao động nặng nhọc), mỗi người cần 1.200 kcl/ngày (với nữ) và khoảng 1.400 - 1.500 kcl với nam mới đủ năng lượng cho cơ thể, người lao động nặng hơn cần trên 2.000 kcl/ngày.

"Thiếu nước rất nguy hại cho sức khỏe và tính mạng. Trường hợp không ăn uống, cơ thể có thể sử dụng nguồn năng lượng dự trữ nhưng chỉ trong một thời gian ngắn, nếu không sẽ dẫn đến hạ đường máu, thiếu máu não dẫn đến hôn mê và tử vong" - bà Lâm nói.

​Sức khỏe của bạn: Detox có an toàn và hiệu quả? ​Sức khỏe của bạn: Detox có an toàn và hiệu quả?

TTO - Nhiều người chọn Detox như một cách để giảm cân, loại bỏ những chất độc hại trong cơ thể. Tuy nhiên, phương pháp này có thật sự an toàn và hiệu quả?

LAN ANH - CẨM NƯƠNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp