15/03/2022 13:15 GMT+7

Nhiều ý kiến trái chiều chuyện cúng tế bằng trâu, bôi tiết lên mình ở lễ hội Bà Thu Bồn

LÊ TRUNG
LÊ TRUNG

TTO - Một số tài khoản Facebook đăng tải hình ảnh lễ đại tế của lễ hội Bà Thu Bồn có cúng một con trâu (loại trâu nghé) đã làm sẵn, không xẻ thịt mà để nguyên con, dùng tiết bôi lên mình.

Nhiều ý kiến trái chiều chuyện cúng tế bằng trâu, bôi tiết lên mình ở lễ hội Bà Thu Bồn - Ảnh 1.

Lễ đại tế ở lễ hội Bà Thu Bồn - Ảnh: Facebook

Đây là những hình ảnh tại lễ đại tế của lễ hội Bà Thu Bồn năm 2022 ở xã Duy Tân, huyện Duy Xuyên, Quảng Nam được tổ chức sáng 12-2 (âm lịch), tức ngày 14-3.

Theo chính quyền, con trâu này đã được làm sẵn từ nơi khác đem đến, không xẻ thịt hay nấu chín mà để nguyên con, được lấy tiết bôi lên mình để cúng tế.

Câu chuyện này có những ý kiến trái chiều, một số người cho rằng nhìn ghê ghê, nhưng cũng có ý kiến cho rằng đây là tục lệ có từ lâu đời, bình thường.

Tài khoản Facebook N.T.G. viết: "Việc tưởng nhớ, thờ phượng các vị anh hùng dân tộc, các vị thiện thần có công với nhân dân là rất đáng hoan nghênh, thể hiện tinh thần biết ơn, uống nước nhớ nguồn.

Nhưng giá như lòng biết ơn được thể hiện bằng các phần lễ hội vui chơi hay cúng bái tưởng niệm là quý rồi. Đừng đem thân mạng loài vật máu me đầm đìa ra để trước điện thờ, trước mặt bá tánh đến chiêm lễ, tham quan thì tốt biết bao nhiêu".

Có người cho rằng có thể làm thịt, cúng ra mâm, thay vì để nguyên con trâu, lại bôi tiết lên nhìn thấy hơi sợ sợ, hoặc có ý kiến cho rằng có thể thay thế bằng những vật phẩm cúng tế khác.

Nhiều ý kiến trái chiều chuyện cúng tế bằng trâu, bôi tiết lên mình ở lễ hội Bà Thu Bồn - Ảnh 2.

Con trâu nghé được làm ở nơi khác đem đến cúng tế, bên cạnh còn có con heo quay - Ảnh: Facebook

Chính quyền: Tục lệ đã có từ lâu đời

Ông Hồ Ngọc Tuấn - chủ tịch UBND xã Duy Tân - cho biết việc dùng trâu cúng trong lễ đại tế vào sáng 12-2 (âm lịch) để tế Bà có từ lâu đời.

Ông Tuấn kể, đây là câu chuyện mang tính chất truyền thuyết ngày xưa, qua lời kể của những vị cao niên thì ngày xưa thường đêm mùng 10-2 hay 11-2 (âm lịch) có một con mang rừng từ trong núi chạy về quỳ trước mộ Bà để dân làng bắt làm thịt cúng Bà.

Sau này thì truyền thuyết trên không còn nữa, chính vì vậy, để thay thế dân làng mới dùng trâu (loại trâu nghé) cúng. Con trâu nghé này được lựa chọn kỹ càng, phải là con đực, hai sừng ngang bằng hai tai, đuôi dài chấm gót chân.

Khi chuẩn bị cho lễ, trước đó một tháng phải cử người đi tìm con trâu nghé này ở khắp nơi về làm lễ cúng Bà. Con trâu này được làm chỗ khác rồi đem đến để cúng, chứ không giết thịt tại chỗ.

Nhiều ý kiến trái chiều chuyện cúng tế bằng trâu, bôi tiết lên mình ở lễ hội Bà Thu Bồn - Ảnh 3.

Lễ hội Bà Thu Bồn - Ảnh: P.T.

Sau khi cúng tế, thịt trâu sẽ được chia cho dân làng, kinh phí mua trâu là nguồn xã hội hóa từ các doanh nghiệp. Chẳng hạn như đến lễ hội Bà Thu Bồn có một doanh nghiệp nào đó đăng ký với địa phương muốn đóng góp, cúng một con trâu hay heo.

"Việc này mang tính truyền thống từ lâu đời chứ không phải tự phát. Có nhiều người đề nghị cúng chay, mình cũng chưa đặt vấn đề, sắp tới phải tính, xin bề trên đủ thứ, chứ không phải mình thay đổi một cách đột ngột, đây là một câu chuyện dài" - ông Tuấn nói thêm.

Ông Nguyễn Thế Đức - phó chủ tịch UBND huyện Duy Xuyên - cho biết việc dùng trâu để tế Bà có từ xưa đến giờ, tuy nhiên trâu này được làm sẵn ở nơi khác rồi đem đến để cúng tế.

Trước việc dân mạng cho rằng hình ảnh nguyên con trâu màu đỏ vậy nhìn hơi sợ sợ, ông Đức cho rằng thấy vậy thôi chứ cũng không có gì.

"Đây là tục lệ của người dân từ hồi nào đến giờ, mình đừng có giết trâu tại chỗ, đâm trâu thôi, chứ trâu làm sẵn ở lò mổ rồi, chỉ lấy máu bôi lên mình trâu, nhưng cũng được lau chùi cho khô bớt rồi mới đem cúng.

Nói chung hồi đó đến giờ tục lệ đã bỏ bớt rồi, giờ chỉ làm trâu rồi đem tới cúng tế thôi, chứ đâu phải giết trâu tại chỗ. Một số nơi họ giết tại chỗ, đâm chết thì mới phản cảm, chứ ở đây đâu có giết tại chỗ" - ông Đức nói.

Lễ hội Bà Thu Bồn được nhân dân xã Duy Tân tổ chức hằng năm từ mùng 10 đến 12-2 âm lịch với nhiều lễ, hội đặc sắc, là một trong những nghi lễ văn hóa, tâm linh mang đậm dấu ấn đời sống tín ngưỡng dân gian của cư dân gắn với dòng sông Thu Bồn, mang màu sắc tín ngưỡng dân gian có từ bao đời, thể hiện khát vọng phồn vinh, cầu mùa màng bội thu, mưa thuận gió hòa, quốc thái dân an.

Phần lễ có lễ bài trí, lễ rước sắc, rước nước, lễ đại tế, lễ hoàn sắc.

Phần hội có giải bóng chuyền, đua thuyền, hô hát bài chòi...

Ngày 14-3, chính quyền đã tổ chức lễ đón bằng chứng nhận Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia đối với lễ hội Bà Thu Bồn.

Độc đáo lễ rước sắc, rước nước ở lễ hội Bà Thu Bồn Độc đáo lễ rước sắc, rước nước ở lễ hội Bà Thu Bồn

TTO - Hằng năm từ mùng 10 đến 12 tháng hai âm lịch, dân làng phía thượng nguồn sông Thu Bồn ở huyện Nông Sơn, Quảng Nam lại tổ chức lễ hội Bà Thu Bồn.

LÊ TRUNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp