04/04/2018 10:23 GMT+7

Nhiều ý kiến tâm huyết hiến kế phát triển du lịch TP.HCM

NHƯ BÌNH ghi
NHƯ BÌNH ghi

TTO - Hàng trăm ý kiến tâm huyết đã được gửi đến báo Tuổi Trẻ với mong muốn du lịch TP.HCM phát triển bền vững, theo hướng nâng cao cuộc sống vật chất và văn hóa của người dân, tạo ấn tượng tốt về hình ảnh đất nước Việt Nam đối với du khách.

Nhiều ý kiến tâm huyết hiến kế phát triển du lịch TP.HCM - Ảnh 1.

Nhóm du khách trẻ đến từ châu Âu trả lời khảo sát về văn hóa, giáo dục, du lịch của các sinh viên ĐH Kinh tế TP.HCM - Ảnh: T.T.D.

Ngoài việc hiến kế xây dựng các sản phẩm mới, thu hút thêm nhà đầu tư, đẩy mạnh quảng bá, nhiều chuyên gia đề nghị ngành du lịch TP.HCM phải định hình được bản sắc để trở thành điểm đến mà du khách "đi và trở lại".

ThS Phạm Tấn Thông (giảng viên Trường ĐH Ngoại ngữ - tin học TP.HCM):

Chú trọng hơn công tác quảng bá du lịch

Dù có tiềm năng rất lớn trong việc kết nối giữa các vùng du lịch trọng điểm trong và ngoài nước, vì sao du lịch TP.HCM vẫn chưa phát triển xứng tầm? Theo tôi, bên cạnh việc sản phẩm du lịch đơn điệu, không có bản sắc riêng, giao thông tắc nghẽn, tệ nạn xã hội..., công tác tiếp thị - truyền thông - quảng bá cho du lịch của TP chưa được đầu tư đúng mức.

Trong khi hầu hết các thành phố lớn của các quốc gia trong khu vực đều có khẩu hiệu, thông điệp riêng, in đậm bản sắc và được quảng bá rất thành công, hiệu quả, đến nay TP.HCM vẫn chưa định vị và ghi dấu ấn đậm nét đặc trưng riêng. Thông điệp "Vibrant Ho Chi Minh city - Sức sống thành phố" xuất hiện vài năm gần đây lại không rõ nét về du lịch. Bởi hầu hết người dân đều không biết và không hiểu ý nghĩa thông điệp này. Ngay cả hướng dẫn viên du lịch chuyên nghiệp cũng không ai biết, sinh viên ngành du lịch - khách sạn - nhà hàng càng không biết khẩu hiệu này, làm sao du khách biết và hiểu được?

Chúng ta cũng không có sự kết nối và tính liên kết với các ngành du lịch trọng điểm trong và ngoài nước một cách rõ nét. Du khách nước ngoài đi tour tham quan Sài Gòn, thường kết hợp với du lịch sông nước miền Tây, nhưng ngành du lịch chưa tạo ra sự khác biệt, dấu ấn đặc trưng và mối liên hệ tương quan giữa Sài Gòn và các tỉnh thành đồng bằng sông Cửu Long. Du khách chỉ biết đến Sài Gòn vui chơi, rồi về miền Tây đi chợ nổi, nghe hát dân ca, cải lương... Không có sự kết nối rõ nét trong việc truyền thông những yếu tố tương quan của lịch sử hình thành vùng đất Nam Bộ xưa.

Ông Trịnh Nguyễn Hùng Dũng (giám đốc Công ty du lịch Thiên Niên Kỷ):

Thu hút nhà đầu tư tham gia phát triển sản phẩm mới

nguyen hung dung

Ảnh: Q.T.

Nổi tiếng có nhiều tiềm năng phát triển du lịch nhưng thời gian qua du lịch TP.HCM cứ loay hoay câu chuyện kéo dài thời gian lưu trú cho khách. Nếu tiếp tục đóng vai trò trung chuyển du khách đến các khu vực khác như thời gian qua, du lịch TP.HCM sẽ không thể đủ sức cạnh tranh những điểm đến mới trong cả nước, chưa nói đến các thành phố khác trong khu vực.

TP.HCM cần làm gì khi mà vai trò trung chuyển đang giảm dần, nhất là sau khi sân bay Long Thành được xây dựng và đưa vào hoạt động trong thời gian tới? Ngoài việc phát huy tốt nhất những lợi thế đang có như di tích, thắng cảnh, cảng sân bay quốc tế..., theo tôi, TP.HCM cần có nhiều sản phẩm du lịch mới có thể đáp ứng được tất cả lượng khách quốc tế đến TP. Điều này không dễ nhưng không phải không làm được nếu có các dự án thu hút được sự quan tâm của các nhà đầu tư, doanh nghiệp.

Chẳng hạn, sau khi TP.HCM đã đưa vào hoạt động phố đi bộ Bùi Viện, ngay lập tức nhà đầu tư đã vào cuộc tham gia bởi nhìn thấy một sản phẩm rõ ràng, có tiềm năng và họ tin tưởng. Tuy nhiên, để thúc đẩy sự phát triển của du lịch TP cần cả hệ thống cùng vào cuộc, sự song hành giữa nhà đầu tư và Nhà nước thông qua các diễn đàn du lịch như báo Tuổi Trẻ tổ chức.

Ông Hà Văn Siêu (phó tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch):

Phát huy đội ngũ nhân lực

havansieu

Ảnh: D.T.

Những lợi thế của VN trong phát triển du lịch hiện nay không phải quốc gia nào cũng có được. Đó là sự giao thoa giữa Đông và Tây gắn với một chiều dài lịch sử. Chúng ta đã đón rất tốt một lượng lớn khách Nga và gần đây là thị trường khách Trung Quốc... Một tiềm năng, lợi thế so sánh khác của VN với các nước trong khu vực là nguồn nhân lực hoạt động trong ngành du lịch của VN. Dù độ đạt chuẩn chưa cao nhưng tiềm lực, sức sáng tạo cùng đội ngũ nhân lực dồi dào, chịu khó học hỏi... là một lợi thế. Nếu huấn luyện, chuyển giao tốt..., đội ngũ nhân lực này là yếu tố quyết định đến sự phát triển chung.

Tất cả thị trường mà du lịch VN hướng đến phải lấy sự hài lòng của du khách làm trung tâm. Do đó, tất cả dịch vụ, sản phẩm du khách sử dụng phải đảm bảo có thể thỏa mãn được nhu cầu của du khách, góp phần tăng giá trị kinh tế của điểm đến. Bởi phát triển du lịch trước hết phải đạt được mục tiêu nâng cao đời sống, chất lượng, tinh thần của chính người dân địa phương, mang lại phúc lợi cho người dân tham gia, đáp ứng mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội địa phương nói riêng và cả nước nói chung.

Anh Benjamin Mawdsley (giáo viên Canada):

Tập trung vào những sản phẩm riêng

dl

Dù du khách thích thú khi tham quan làng gốm Bình Dương, hay những nông trại mê hoặc lòng người ở Lâm Đồng, hoặc tự tay đánh bắt hải sản trên bờ biển ở Cần Giờ..., chúng ta nên cố gắng quảng bá rộng rãi hơn nữa về những địa điểm trên. Nên giúp những khu dân cư xa xôi có thể phát triển bền vững cũng như quảng bá những nét văn hóa đặc trưng nhất của họ.

Theo một báo cáo vào năm 2016 của Công ty kinh doanh quản lý điểm đến PEAK, nhu cầu về hình thức du lịch trải nghiệm đã tăng đột biến. Chính nhu cầu được tận hưởng những trải nghiệm ở những vùng đất xa lạ đã tạo nên xu hướng toàn cầu, thôi thúc du khách tự trải nghiệm, khám phá xuyên suốt chuyến đi. Các công ty lữ hành ở TP.HCM phải cố gắng hơn nữa nhằm đáp ứng được nhu cầu này. Chỉ như vậy, nền kinh tế địa phương mới có thể phát triển cùng với dòng chảy của du khách - những người luôn tìm kiếm điều gì đó khác biệt.

Từng đặt chân tới 37 quốc gia khác nhau nhưng với tôi, VN là một quốc gia đặc biệt. Bởi sau mỗi chuyến du ngoạn ngoại thành, tôi luôn khám phá được nhiều điều mới lạ.

Diễn đàn "TP.HCM - Kết nối du lịch vùng"

Sau khi mở diễn đàn kêu gọi toàn xã hội hiến kế, góp ý cho du lịch TP.HCM phát triển, báo Tuổi Trẻ đã nhận được hàng trăm ý kiến đóng góp từ đủ mọi thành phần, mọi giới với 48 bài viết, công trình nghiên cứu cùng 60 ý kiến đóng góp có giá trị.

Để tập hợp và ghi nhận những ý kiến đóng góp của bạn đọc, báo Tuổi Trẻ sẽ tổ chức diễn đàn "TP.HCM - Kết nối du lịch vùng" vào ngày 4-4-2018 tại White Palace (TP.HCM), với sự tham dự của hơn 200 khách mời là lãnh đạo các bộ, ngành, UBND TP.HCM và các sở du lịch, sở văn hóa - thể thao trên cả nước, các chuyên gia du lịch cùng các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực du lịch...

MINH HUỲNH

NHƯ BÌNH ghi
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp