Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long mới đây đã có trả lời kiến nghị của cử tri gửi đến sau kỳ họp thứ 4 Quốc hội khóa XV.
Theo đó, cử tri tỉnh Bến Tre cho rằng điều 380 Bộ luật hình sự năm 2015 quy định về "tội không chấp hành án" chưa đủ sức răn đe để xử lý tội phạm tham nhũng và thu hồi tài sản tham nhũng.
Cụ thể, cử tri tỉnh này nêu trong điều kiện ngày càng có nhiều vụ án tham nhũng tài sản giá trị hàng nghìn tỉ đồng phải thi hành án nhưng không thu hồi được.
Từ đó, cử tri Bến Tre kiến nghị nghiên cứu trình Quốc hội sửa đổi điều 380 từ quy định “tội không chấp hành án” thành “tội không thực hiện nghĩa vụ thi hành án” để phù hợp với tình hình thực tế hiện nay và đảm bảo xử lý thu hồi tài sản trong các vụ án tham nhũng.
Trả lời nội dung này, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long nêu rõ điều 380 của Bộ luật hình sự năm 2015 quy định về "tội không chấp hành án".
Theo đó, đối với trường hợp có điều kiện nhưng không chấp hành bản án hoặc quyết định của tòa án có hiệu lực pháp luật, mặc dù đã bị áp dụng biện pháp cưỡng chế theo quy định của pháp luật hoặc bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này mà còn vi phạm thì sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Theo ông Long, trong các vụ án tham nhũng, tiền, tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt sẽ được thực hiện thông qua bản án của tòa án.
Do đó, trường hợp người bị kết án về tội tham nhũng có trách nhiệm nộp lại Nhà nước tiền, tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt do hành vi phạm tội gây ra.
Trong trường hợp có điều kiện nhưng không chấp hành bản án có hiệu lực pháp luật, mặc dù bị áp dụng biện pháp cưỡng chế theo quy định hoặc đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này mà còn vi phạm sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội không chấp hành án.
Như vậy, ông Long nêu, Bộ luật hình sự năm 2015 đã quy định đầy đủ chế tài xử lý đối với hành vi không thi hành án của người bị kết tội tham nhũng.
Đối với đề xuất của cử tri sửa đổi điều 380 từ "tội không chấp hành án" thành "tội không thực hiện nghĩa vụ thi hành án", Bộ trưởng Lê Thành Long cho rằng sẽ thu hẹp phạm vi quy định của điều luật.
Bởi, ông Long lý giải, tại điều 380 không chỉ quy định hành vi không chấp hành án khi có điều kiện và đã bị áp dụng biện pháp cưỡng chế theo quy định của pháp luật hoặc bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này mà còn vi phạm.
Thêm nữa, còn quy định cả trường hợp không chấp hành quyết định của tòa án đã có hiệu lực pháp luật mặc dù bị áp dụng biện pháp cưỡng chế theo quy định của pháp luật hoặc bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này mà còn vi phạm thì sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Trong khi đó, với tên điều luật là không thực hiện nghĩa vụ thi hành án thì phạm vi quy định chỉ áp dụng đối với trường hợp không thực hiện nghĩa vụ thi hành bản án của tòa án.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận