Đồng thời nhiều bài báo khoa học của các ứng viên được cho là mua, bị các tạp chí quốc tế gỡ.
Trả tiền đăng bài trên tạp chí dỏm
Mới đây, giới khoa học đã chỉ ra hàng loạt minh chứng để khẳng định Res Militaris là một tạp chí dỏm và thực tế tạp chí này đã ra khỏi hệ thống Scopus từ năm 2022, do hoạt động xuất bản bất thường.
Tuy nhiên, hiện có ít nhất sáu ứng viên sử dụng các bài báo trên tạp chí này đăng ký hồ sơ xét công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh PGS năm nay ở các ngành văn học, kinh tế, chính trị học, triết học.
Theo TS Dương Tú - Đại học Purdue (Mỹ), Res Militaris (lĩnh vực quân sự) tại địa chỉ https://resmilitaris.net, hoạt động như một tạp chí săn mồi, hiện không có ban biên tập. Mỗi số gần đây của tạp chí này đăng hàng trăm bài thuộc nhiều chủ đề từ COVID-19, tâm lý học, văn học, tư pháp, quản trị, trí tuệ nhân tạo...
Các bài báo không có những thông tin cơ bản như: ngày nhận bản thảo, ngày chỉnh sửa, ngày công bố.
"Số bài báo trên tạp chí này được chỉ mục trong cơ sở dữ liệu Scopus tăng phi mã từ hơn 10 bài trong các năm 2019-2021 lên 751 bài vào năm 2022. Đây là một trong những lý do thường gặp nhất khiến một tạp chí bị loại khỏi các danh mục như Scopus hay ISI.
Theo thông tin đăng ký mã ISSN, tạp chí này có nguồn gốc từ Pháp. Tuy nhiên, địa chỉ thu phí đăng bài (650 USD/bài) lại ở Selangor, Malaysia. Báo chí Ấn Độ cũng từng cảnh báo về việc Res Militaris là nơi đăng nhiều bài báo trước đó đã được rao bán trên Facebook. Hiện tại, tạp chí này nằm dưới sự kiểm soát của Versemark Publishers Ltd - công ty mới thành lập ngày 5-7-2023.
Công ty này chỉ có một người duy nhất, giữ vai trò giám đốc, tên là Muhammad Talal Ahmad (26 tuổi), quốc tịch Pakistan. Như vậy tạp chí này đã nhiều lần đổi chủ (do mua đi bán lại hay do tên miền trang web bị cướp đoạt), hoặc có thể chỉ là phiên bản giả mạo của tạp chí gốc", ông Tú cho biết.
Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông N.M.T. (ứng viên phó giáo sư ngành triết học) cho biết lúc gửi bài cho Res Militaris, ông kiểm tra thì thấy đây là tạp chí uy tín do có trong Scopus.
"Thấy tạp chí này có đăng bài lĩnh vực khoa học xã hội nên tôi gửi bài của mình. Bài này tôi gửi cho tạp chí này năm 2021 và được đăng năm 2022. Trước đây tôi giao dịch trực tiếp với tổng biên tập tạp chí và có trả phí nhưng không nhớ là bao nhiêu vì lâu rồi", ông T. nói.
Theo GS.TS Nguyễn Ngọc Châu (Viện hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam), các bài công bố trên tạp chí đã ra khỏi hệ thống Scopus (tại thời điểm nộp hồ sơ) thì không được tính.
Công bố trùng lặp
Trong khi đó ứng viên PGS ngành dược học N.T.L.T. bị tố vi phạm liêm chính về công bố trùng lặp (duplicate publication) và tác giả quà (gift author), trong một bài báo khoa học tiếng Anh kê khai trong bản đăng ký xét công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh PGS của ứng viên này.
Bài này được cho là kết quả gộp số liệu đã được công bố trong hai bài báo của ứng viên này đăng trên tạp chí Y Dược Học Cần Thơ (năm 2016 và 2019) thành một bài báo, rồi công bố trên tạp chí Biointerface Research in Applied Chemistry năm 2022.
Đáng chú ý, cả hai công trình công bố trên tạp chí Y Dược Học Cần Thơ năm 2016 và 2019 không có tên bà N.T.N.V. (đang là PGS), nhưng đến công bố năm 2022 lại có tên bà V..
Ngoài ra, còn công bố quốc tế khác của ứng viên N.T.L.T. (cùng nhóm tác giả) cũng bị tố có hành vi sai phạm gần như tương tự, tổng hợp số liệu và dấu hiệu ngụy tạo số liệu từ bài đã công bố trước đó. PV Tuổi Trẻ đã nhiều lần liên hệ với ứng viên N.T.L.T. và bà N.T.N.V. nhưng đều không nhận được phản hồi.
Sau khi kiểm tra thông tin phản ánh về trường hợp liên quan đến ứng viên PGS ngành dược trên (cùng với một đồng tác giả là PGS), GS Nguyễn Ngọc Châu nhận định: "Với bằng chứng rõ ràng đều vi phạm liêm chính khoa học nên ứng viên PGS không xứng đáng, còn đồng tác giả là PGS cũng cần xem xét tước bỏ chức danh PGS".
Tương tự, một PGS ngành dược ở Trường ĐH Y Dược TP.HCM cũng cho biết bằng chứng cho thấy bài báo quốc tế của ứng viên này có số liệu các bài báo lặp lại.
"Các dạng vi phạm liêm chính khoa học gồm dữ liệu gian lận, đạo văn, tuyên bố về quyền tác giả không đúng sự thật, bài viết được gửi nhiều lần... Những minh chứng cho thấy với việc công bố trùng lặp và tác giả quà là vi phạm liêm chính khoa học nghiêm trọng", vị này nói.
Nhiều bài báo quốc tế bị gỡ
Vừa qua, nhiều tạp chí khoa học quốc tế gỡ bỏ hàng loạt bài báo của các nhóm tác giả Việt Nam và nhiều nước khác. Trong đó bốn bài báo của "đầu nậu" Đinh Trần Ngọc Huy (người chuyên mời chào giảng viên đăng bài báo khoa học trên các tạp chí) và các đồng tác giả Việt Nam vừa bị gỡ bỏ, chủ yếu vì gian lận tác giả. Đáng chú ý trong số các tác giả này có những người đang là PGS.
PGS.TS Phạm Văn Tuấn - phó trưởng khoa marketing Trường ĐH Kinh tế quốc dân - là người có mấy bài báo đứng tên chung với Đinh Trần Ngọc Huy, trong đó có bài vừa bị gỡ.
Tuy nhiên, ông Tuấn khẳng định: "Tôi không biết bất kỳ ai trong nhóm tác giả này. Tôi cũng chưa bao giờ làm việc hay thảo luận với họ về việc hoàn thành bài báo. Tôi đã làm việc với tạp chí về bài báo trên và yêu cầu họ rút tên tôi khỏi bài báo".
Trong hồ sơ xét công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh PGS, ông Tuấn liệt kê 10 bài báo trên các tạp chí quốc tế. Trong đó, có hai bài ông Tuấn đứng tên chung với Đinh Trần Ngọc Huy.
Cả hai tạp chí đăng hai bài báo đó đều đã bị loại khỏi Scopus. Toàn bộ tám bài báo quốc tế còn lại của ông Tuấn đều đăng trên các tạp chí săn mồi hoặc đã bị loại khỏi Scopus.
"Tôi còn không biết nó là cái gì"
PGS.TS Phạm Văn Hồng - hiệu trưởng Trường ĐH Đại Nam - cũng bị tố gian dối trong công bố quốc tế. Trong hồ sơ xét PGS, ông Hồng liệt kê tám bài báo trên các tạp chí quốc tế thì có đến bốn bài (các bài 5, 6, 7, 8) ông đứng tên chung với "đầu nậu" Đinh Trần Ngọc Huy.
Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Hồng khẳng định: "Tôi không biết Đinh Trần Ngọc Huy là ai. Chỉ là nạn nhân của vấn đề này".
Tuy nhiên, ông Hồng từ chối giải thích về việc vì sao trong hồ sơ xét PGS có bốn bài báo khoa học đứng tên chung với ông Huy. Ông Hồng nói thêm: "Đấy mới là vấn đề. Tôi còn không biết nó là cái gì nữa. Tôi không muốn nói thêm bất cứ gì nữa vì đó là chuyện quá khứ".
Tăng đột biến trước khi nộp hồ sơ xét duyệt
Bên cạnh đó còn có nhiều ứng viên GS, PGS, thậm chí có vị là thành viên hội đồng GS ngành bị cộng đồng khoa học tố vi phạm liêm chính khoa học (ghi thêm địa chỉ cơ quan thứ hai trong công trình là địa chỉ cơ quan của chính thành viên hội đồng GS ngành), đăng trên các tạp chí săn mồi, tạp chí dỏm và nghi vấn mua bán bài báo...
Đặc biệt, năm nay nổi lên nhiều ứng viên GS, PGS có bài báo khoa học đăng trên tạp chí tăng đột biến trong thời gian một, hai năm trước khi nộp hồ sơ xét duyệt. Nhiều ứng viên công bố hàng chục bài báo khoa học trong năm.
(còn tiếp)
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận