Tuyến đường Thụy Khuê, Hà Nội thường xuyên bụi mù trong những ngày này - Ảnh: NAM TRẦN
Sáng 24-9, người dân trên tuyến phố Đào Tấn (Hà Nội) ngỡ ngàng khi một đoạn đường bị đào vào ban đêm để thi công công trình ngầm nay được đơn vị thi công kê tạm bằng một tấm thép cho các xe qua lại.
Điều khiến người dân bức xúc là tình trạng san lấp tạm bợ sau đào đường. "Họ đào đường làm cái gì không ai biết, cũng không có biển báo đào đường thi công gì, đến sáng thì thấy đất cát ngập ngụa dưới lòng đường. Mỗi đoàn xe chạy qua là cả đoạn đường mù mịt bụi" - một người dân phố Đào Tấn bức xúc.
Theo các chuyên gia môi trường, với thời tiết trời hanh khô, đây là điều kiện rất thuận lợi để bụi bẩn phát tán vào môi trường không khí, gây ô nhiễm bụi mịn.
Tại tuyến phố Thuỵ Khuê (quận Tây Hồ, Hà Nội) - sau thời gian dài bị đào xới - lượng đất cát ngập ngụa trên đường đi. Trong điều kiện thời tiết hanh khô, cả tuyến phố thường xuyên trong cảnh mù mịt bụi.
Thậm chí, theo người dân, rất nhiều ngày qua không thấy đơn vị vệ sinh môi trường quét dọn trên tuyến phố, lượng đất cát mịn ở hai bên đường rất nhiều. Vì vậy, cứ vào đầu giờ sáng, người dân phải dùng nước sạch tung ra hè, đường để hạn chế bụi mịn bị các phương tiện giao thông cuốn lên không khí.
Sáng 24-9, đát, cát, đá ngổn ngang dưới lòng đường Đào Tấn, quận Ba Đình sau khi một đoạn đường được đào ban đêm hôm trước - Ảnh: XUÂN LONG
Chưa hết, ngoài nguồn bụi bẩn từ sau đào đường san lấp tạm bợ. Ngay đầu giờ sáng 24-9, tại đầu phố Cầu Giấy, quận Cầu Giấy, một khối lượng đất cát rất lớn được các xe chuyên trở làm rơi vãi xuống lòng đường, nhưng không được thu dọn.
Cho đến trưa 24-9, lượng đất cát dưới lòng đường này đã được các phương tiện giao thông qua lại "cuốn" sạch vào không khí!.
Theo lý giải của Chi cục Bảo vệ môi trường Hà Nội, tình trạng ô nhiễm bụi tại Hà Nội thường tăng cao tập trung vào thời gian mùa đông, đầu xuân và thời điểm chuyển mùa.
Người dân trên phố Thuỵ Khuê phải dùng nước hắt xuống hè đường để hạn chế bụi - Ảnh: XUÂN LONG
Tuy nhiên, Chi cục Bảo vệ Môi trường Hà Nội cũng thừa nhận thực tế ô nhiễm không khí ở Hà Nội có ba nguồn gây ô nhiễm chính: đó là tình trạng phát thải cục bộ từ hoạt động giao thông đô thị, bụi bẩn từ hoạt động xây dựng và các chất ô nhiễm được vận chuyển từ nơi khác đến.
Đất cát từ phương tiện chuyên chở vật liệu xây dựng, chất thải xây dựng rơi xuống đường Cầu Giấy nhưng không được thu dọn, tạo ra nguồn bụi khiến đoạn đường này liên tục mù mịt - Ảnh: XUÂN LONG
Nồng độ bụi mịn trong không khí ở Hà Nội luôn ô nhiễm ở mức cao
Ngày 24-9, trao đổi với Tuổi Trẻ Online, ông Hoàng Dương Tùng - chủ tịch Mạng lưới Không khí Sạch Việt Nam - lưu ý về nồng độ bụi mịn trong không khí ở Hà Nội luôn ô nhiễm ở mức cao.
Theo ông Tùng, hiện tượng nghịch nhiệt dù thường xuất hiện vào những ngày đầu mùa đông, nhưng lớp nghịch nhiệt chỉ "lưu giữ" nguồn ô nhiễm trong tầng không khí thấp, khiến nguồn ô nhiễm trong không khí ở tầng thấp không khuếch tán được lên tầng cao, chứ hiện tượng nghịch nhiệt không trực tiếp gây ra nguồn ô nhiễm.
Ngoài cảnh báo về tình trạng bụi bẩn đường phố ở nhiều tuyến phố ở Hà Nội, đặc biệt là việc thiếu kiểm soát chặt chẽ các công trình xây dựng, phương tiện chuyên chở vật liệu xây dựng, ông Tùng còn cảnh báo tình trạng đốt rơm rạ ồ ạt sau mùa thu hoạch ở các tỉnh miền Bắc khiến mức độ ô nhiễm không khí gia tăng về đêm và sáng sớm.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận