Một gia đình người Rohingya lánh nạn sang bờ sông Naf thuộc tỉnh Palang Khali của Bangladesh, vào ngày 16-10-2017 - Ảnh: REUTERS
Theo thông tin của tổ chức Ân xá Quốc tế (AI), nhiều quan chức cấp cao của quân đội Myanmar, gồm cả các tướng tư lệnh, phải đối mặt với các cáo buộc về "tội ác chống nhân loại" do cách xử lý vi phạm nhân quyền đối với cộng đồng thiểu số người Rohingya.
Tổ chức AI đã kêu gọi Hội đồng Bảo an LHQ trình báo cáo về các vi phạm nhân quyền nói trên lên Tòa Hình sự Quốc tế (ICC) và áp đặt "lệnh cấm vận vũ khí toàn diện" đối với Myanmar và thực thi các biện pháp trừng phạt tài chính đối với các quan chức cấp của quốc gia Đông Nam Á này.
Hôm 25-6, Canada đã phối hợp cùng Liên minh châu Âu (EU) thông báo các lệnh trừng phạt mới nhằm vào 7 tướng lĩnh của Myanmar mà Ottawa và Brussels cho là có liên quan tới cuộc khủng hoảng người Rohingya với cáo buộc vi phạm nhân quyền.
Trong một tuyên bố, Ngoại trưởng Canada Chrystia Freeland nêu rõ EU và Canada đã tuyên bố trừng phạt một số tướng lĩnh quân đội chủ chốt được cho là liên quan tới các hành động vi phạm nhân quyền tại bang Rakhine, trong đó có bạo lực tình dục và bạo lực về giới.
Binh sĩ Myanmar được triển khai tại Buthidaung sau khi lực lượng phiến quân ARSA người Rohingya tổ chức tấn công lực lượng chính quyền hôm 29-8-2017 - Ảnh: REUTERS
Theo thông báo mới của EU và Canada, các quan chức Myanmar gồm 5 tướng quân đội, 1 chỉ huy lực lượng biên phòng và 1 chỉ huy cảnh sát, sẽ phải đối mặt với lệnh cấm đi lại và bị phong tỏa tài sản.
Từ năm 2011, quan hệ của Myanmar với nhiều nước đã được cải thiện. Tuy nhiên, sau cuộc khủng hoảng người Rohingya, EU và Canada có lập trường cứng rắn hơn với việc đưa các quan chức cấp cao Myanmar vào "danh sách đen".
Khoảng 700.000 người Rohingya đã buộc phải rời bang Rakhine sang lánh nạn tại Bangladesh sau khi các lực lượng an ninh Myanmar từ tháng 8-2017 tiến hành chiến dịch quân sự tại bang này.
Tại Myanmar, người thiểu số Hồi giáo Rohingya vẫn thường được gọi là người "Bengali" hàm ý là người từ Bangladesh nhập cư lậu vào Myanmar nên không được công nhận quốc tịch và các quyền công dân.
Cộng đồng này lại thường bị xung đột mang tính tôn giáo với người Myanmar bản địa theo Phật giáo.
Myanmar và Bangladesh đã ký thỏa thuận hồi hương người Rohingya vào tháng 11-2017 nhưng vì lo ngại tình hình an ninh nên chỉ có một số nhỏ người dân lựa chọn quay trở về. Hiện hai bên vẫn đổ lỗi cho nhau cản trở quá trình thực hiện thỏa thuận này.
10 người Hồi giáo Rohingya bị lực lượng an ninh Myanmar bắt giữ trói tay và buộc quỳ gối trong chiến dịch trấn áp tại làng Inn Din ngày 2-9-2017 - Ảnh: REUTERS
Chính quyền hiện tại vẫn đang tìm cách rốt ráo giải quyết vấn đề người Rohingya nhằm tránh những trừng phạt của quốc tế trong bối cảnh vừa giảm được ảnh hưởng can thiệp của giới quân đội và cần phát triển kinh tế đất nước.
Hôm 26-6, truyền thông Myanmar dẫn lời Tổng giám đốc Văn phòng Cố vấn Nhà nước Myanmar, ông Zaw Htay, cho biết nước này đã ấn định tiến hành Hội nghị Hòa bình Panglong Thế kỷ 21 lần thứ 3 vào ngày 11-7 tới.
Hội nghị sẽ tập trung thảo luận các vấn đề an ninh với các nhóm vũ trang, cũng như các quyền của các sắc tộc thiểu số và bình đẳng giới trong chính trị, vốn là phần trọng tâm trong chính sách liên bang.
Ông Zaw Htay cho biết thêm Chính phủ Myanmar sẽ tiếp tục đàm phán về việc mời các nhóm vũ trang không tham gia ký kết Thỏa thuận ngừng bắn toàn quốc (NCA) tới dự hội nghị trên.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận