01/03/2022 09:18 GMT+7

Nhiều trường tiểu học có thể kéo dài thời gian năm học

MỸ DUNG - VĨNH HÀ
MỸ DUNG - VĨNH HÀ

TTO - Nhiều trường tiểu học và nhà quản lý giáo dục mong được kéo dài thời gian năm học 2021 - 2022 trong tình hình dịch bệnh COVID-19 hiện nay để đảm bảo chất lượng dạy và học.

Nhiều trường tiểu học có thể kéo dài thời gian năm học - Ảnh 1.

Học sinh lớp 1 Trường tiểu học Lê Thánh Tôn (quận 4, TP.HCM) kiểm tra học kỳ 1 môn tiếng Việt sáng 28-2 - Ảnh: NHƯ HÙNG

Ngày 28-2, cô Trần Thị Thu Hương - hiệu trưởng Trường tiểu học Đinh Tiên Hoàng, quận 1, TP.HCM - cho biết trong bối cảnh học sinh tiểu học đi học trở lại và có nhiều ca F0 nên trường gặp những khó khăn trong tổ chức dạy học.

Nhiều đợt kiểm tra học kỳ 1

"Mọi bộ phận đều phải làm việc hết công suất. Trường đang cho học sinh lớp 1, 2 kiểm tra học kỳ 1. Tuần này kiểm tra chính thức thì xong nhưng phải tổ chức những đợt kiểm tra bổ sung cho những học sinh F0, F1. 

Dự kiến trường sẽ tổ chức thêm hai đợt bổ sung kiểm tra học kỳ 1 với học sinh lớp 1, 2. Nếu có trường hợp phát sinh sẽ bổ sung thêm" - cô Hương cho biết. Cũng theo cô Hương, trong bối cảnh dạy học đó, để đảm bảo chất lượng dạy học, trường dự kiến kết thúc năm học giữa tháng 6-2022.

Tương tự, cô Đỗ Thị Sửu - hiệu trưởng Trường tiểu học Phan Chu Trinh (quận Tân Phú) - cho biết hiện nay dịch tăng nhanh nên lớp học trực tuyến, lớp trực tiếp... Do đó, thời gian kéo dài đến giữa tháng 6-2022 mới đáp ứng được chương trình.

Tại huyện Bình Chánh, thời điểm này bậc tiểu học vẫn đang dạy đúng theo chương trình tuần học. 

"Đến 21-2, bậc tiểu học ở Bình Chánh vẫn đang thực hiện chương trình tuần 20. Với tình hình dịch và số lượng học sinh F0 vẫn xuất hiện nên nhiều trường phải đan xen học trực tuyến, trực tiếp. 

Với tình hình này, huyện Bình Chánh sẽ kiến nghị cho bậc tiểu học kéo dài thêm 1 đến 2 tuần để thực hiện chương trình dạy học, nghĩa là kéo dài đến giữa tháng 6-2022" - cô Nguyễn Thị Mỹ Châu, trưởng Phòng GD-ĐT huyện Bình Chánh, thông tin.

Tương tự, ông Ngô Văn Tuyên - trưởng Phòng GD-ĐT quận Bình Tân - cho biết điều quan trọng nhất là đảm bảo chất lượng dạy học. 

Do đó, giữa bối cảnh dịch bệnh COVID-19 diễn ra ở các trường hiện nay, quận cũng dự kiến kiến nghị xin thêm hai tuần để dạy chương trình tiểu học. 

"Với thực tiễn dạy học ở các trường tiểu học trong quận hiện nay, tôi thấy cần phải kéo dài thời gian thêm để phụ đạo cho học sinh, bổ sung kiến thức cho các em, tránh gây hậu quả khi các em lên lớp trên" - ông Ngô Văn Tuyên cho biết.

Thêm thời gian sẽ bớt áp lực

Thầy Đào Chí Mạnh - hiệu trưởng Trường tiểu học Hội Hợp B (TP Vĩnh Yên, Vĩnh Phúc) - cho biết học sinh của trường may mắn hơn nhiều nơi khác là có thời gian đến trường học trực tiếp.

"Khi học sinh được đến trường, chúng tôi đã thực sự cố gắng làm đúng tinh thần chớp lấy cơ hội vàng. Kế hoạch dạy học đảo lộn ở tất cả các khối để những kiến thức nào là chìa khóa, cần được dạy và ôn luyện khi học sinh trở lại trường nhất thì ưu tiên xếp lên trước. 

Thế nên trường tôi có những môn học đang đi chậm lại hơn so với tiến độ thông thường, có môn lại đi nhanh hơn. 

Tuy vậy, tôi cho rằng ở những nơi học sinh lớp 1, lớp 2 chưa từng có ngày nào đến trường, tính tới thời điểm này rất cần được giãn thời gian năm học để trẻ có thêm những tuần đến trường ôn luyện" - thầy Đào Chí Mạnh nói.

Theo hiệu trưởng một trường tiểu học ở quận Hoàng Mai, Hà Nội, để "chạy" hết chương trình không khó vì học sinh không đến trường nhưng vẫn học trực tuyến, đảm bảo tiến độ. Nhưng chất lượng chung không thể bằng dạy học trực tiếp. Trong đó có những nhóm học sinh gặp khó khăn cần được kèm cặp trực tiếp.

"Học sinh lớp 1 chưa được đến trường buổi nào không thể nói là ổn vì đặc thù của bậc học cần trực tiếp. Học sinh không chỉ học kiến thức mà cần được rèn luyện các kỹ năng cần thiết. 

Nếu có thêm thời gian thì các trường tiểu học sẽ bớt áp lực, chủ động hơn trong việc điều phối lại nội dung dạy học nếu tháng 3-2022 trẻ được trở lại trường" - vị hiệu trưởng này nêu quan điểm.

Bà Phạm Thị Lệ Hằng, trưởng Phòng GD-ĐT quận Hà Đông (Hà Nội), cũng cho biết rất cần dành thời gian bổ sung kiến thức, kỹ năng, ôn luyện cho học sinh tiểu học, nhất là học sinh đang thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới (lớp 1, lớp 2). 

"Thực ra trong thiết kế chương trình vẫn có một tuần đệm để dự phòng. Nếu việc dạy học trực tuyến đảm bảo dạy đủ nội dung chương trình thì khi học sinh trở lại trường, có thể sử dụng tuần đệm đó cho việc ôn tập. Tuy nhiên, nếu được giãn thời gian kết thúc năm học thêm 1-2 tuần nữa thì tốt hơn" - bà Hằng cho biết.

Cô Nguyễn Thị Huế - hiệu trưởng Trường tiểu học Hiệp Cường (huyện Kim Động, Hưng Yên) - cho rằng lý tưởng là được kéo dài thêm một tháng, có nghĩa năm học kết thúc vào tầm cuối tháng 6-2022. Có thêm khoảng thời gian đó, giáo viên cũng bớt áp lực, linh hoạt hơn trong việc thực hiện kế hoạch dạy học để vừa học vừa luyện.

* Bà Lâm Hồng Lãm Thúy (trưởng Phòng giáo dục tiểu học Sở GD-ĐT TP.HCM):

Sẽ dựa vào đề xuất của các trường để tham mưu

Khung thời gian năm học bậc tiểu học của TP.HCM đang thực hiện dự kiến kết thúc học kỳ 2 vào 28-5 và kết thúc năm học vào 31-5, xét tốt nghiệp tiểu học đến 30-6. Trong lịch học kỳ 2 của bậc tiểu học chỉ có 17 tuần thực học.

Xét đến thời điểm hiện tại thì các trường tiểu học trên địa bàn cũng đủ thời lượng để dạy học.

Trong tham mưu của ngành giáo dục với UBND TP.HCM vẫn có những tuần dự bị do bậc này nhập học trễ hơn khoảng hai tuần so với những năm học khác.

Trong đó cũng có những khung tuần để cho các trường linh động thực hiện, không đến nỗi khó cho các trường không thực hiện được.

Nếu tình hình có những biến động nhất định và để đảm bảo chất lượng dạy học thì việc xin tham mưu UBND TP về lịch học tăng thêm 2, 3 tuần nữa là có thể xin thêm được nếu như thực sự nhà trường cần.

Đến khoảng tháng 4, dựa vào tình hình và đề xuất của các trường, các phòng giáo dục, nếu phải kéo dài thời gian năm học để đảm bảo chất lượng dạy học bậc tiểu học thì chúng tôi sẽ tham mưu với UBND TP.

* Ông Thái Văn Tài (vụ trưởng Vụ Giáo dục tiểu học, Bộ GD-ĐT):

Các địa phương linh hoạt thời gian năm học

Trong hướng dẫn nhiệm vụ năm học 2021 - 2022, hướng dẫn tổ chức dạy học, đánh giá học sinh tiểu học thực hiện chương trình giáo dục phổ thông ứng phó với dịch COVID-19 và mới đây nhất là công điện của bộ trưởng Bộ GD-ĐT về những điều lưu ý khi học sinh trở lại trường học trực tiếp đều thể hiện tinh thần cho phép các địa phương linh hoạt thực hiện thời gian năm học.

Theo đó, nội dung hướng dẫn nêu trên nói rõ trong trường hợp không đủ thời gian thực hiện chương trình, kế hoạch giáo dục, các cơ sở giáo dục tổng hợp về sở

GD-ĐT để báo cáo Bộ GD-ĐT đề xuất phương án điều chỉnh khung kế hoạch thời gian năm học phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương.

Chia sẻ về tình hình dạy học hiện nay ở bậc tiểu học, ông Thái Văn Tài cũng cho rằng cần phải ưu tiên việc đảm bảo an toàn cho học sinh và duy trì chất lượng. Mục tiêu cuối cùng là học sinh phải đạt yêu cầu của chương trình, những nhóm học sinh gặp khó khăn được hỗ trợ, giúp đỡ.

TP.HCM: Lớp có 50% học sinh F0, F1 trở lên sẽ chuyển qua học online TP.HCM: Lớp có 50% học sinh F0, F1 trở lên sẽ chuyển qua học online

TTO - Khi trong một lớp học có số học sinh là F0, F1 chiếm từ 50% học sinh trở lên của cả lớp thì hiệu trưởng các trường phải linh hoạt chuyển qua hình thức dạy học online cho lớp đó.

MỸ DUNG - VĨNH HÀ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp