07/07/2016 11:00 GMT+7

Nhiều trường ĐH bắt đầu chấm thi

VĨNH HÀ - TRẦN HUỲNH
VĨNH HÀ - TRẦN HUỲNH

TTO - Từ ngày 5-7 đã có nhiều trường ĐH chủ trì cụm thi triển khai chấm các môn thi tự luận của kỳ thi THPT quốc gia năm 2016.

Cán bộ chấm thi đang chấm bài thi môn văn kỳ thi THPT quốc gia tại hội đồng chấm thi một trường ĐH ở TP.HCM chiều 5-7 - Ảnh: NHƯ HÙNG
Cán bộ chấm thi đang chấm bài thi môn văn kỳ thi THPT quốc gia tại hội đồng chấm thi một trường ĐH ở TP.HCM chiều 5-7 - Ảnh: NHƯ HÙNG

 

Hầu hết các trường đều tự chấm thi, cũng có vài trường gửi bài thi cho trường khác chấm. Do lượng bài thi năm nay không nhiều nên tất cả các trường đều khẳng định việc chấm thi sẽ hoàn tất sau một tuần.

So vênh từng câu trong bài thi

Cụm thi do Sở GD-ĐT Hà Nội chủ trì có trên 16.000 thí sinh. Theo ông Ngô Văn Chất - trưởng phòng khảo thí Sở GD-ĐT Hà Nội, ngày 9-7 mới chính thức chấm thi vì hiện tại đang tiến hành làm phách.

“Chúng tôi huy động trên 400 giáo viên, trong đó các môn văn, toán có khoảng 100 giáo viên/môn” - ông Chất cho biết.

Vì có lợi thế về nguồn giáo viên nên hội đồng chấm thi của Sở GD-ĐT Hà Nội không bị chạy đua với thời gian. Sở sẽ dành 1-2 ngày đầu để họp hội đồng chấm thi, các tổ chấm thi thảo luận, chấm chung trước khi bước vào hai vòng chấm độc lập.

Theo ông Nguyễn Phong Điền - Trường ĐH Bách khoa Hà Nội, năm nay với các môn thi tự nhiên, trường huy động giảng viên của trường chấm nên không bị áp lực từ nguồn giáo viên hợp đồng với các trường phổ thông. Tuy nhiên, các môn ngữ văn, lịch sử, địa lý vẫn phải huy động giáo viên được chọn từ khoảng 15 trường THPT.

Ông Nguyễn Tuấn Anh, trưởng phòng đào tạo Trường ĐH Thủy lợi, cho biết cụm Trường ĐH Thủy lợi đưa ra quy định chấm rất chặt. Ngoài việc tuân thủ hai vòng chấm độc lập, trường còn cử 100 cán bộ của trường làm công tác thư ký hội đồng. Các thư ký có nhiệm vụ so vênh giữa hai người chấm.

“Không chỉ so vênh tổng điểm bài thi của hai người chấm mà so vênh từng câu trong bài. Ví dụ, cho dù tổng điểm hai lần chấm bằng nhau nhưng trong bài có những câu vênh điểm giữa hai người chấm, chúng tôi cũng yêu cầu kiểm tra, chấm lại” - ông Tuấn Anh cho biết.

Ông Phạm Xuân Dương, phó hiệu trưởng Trường ĐH Hàng hải VN, cho biết ngày 5-7, hội đồng chấm thi đã tiến hành sinh hoạt chuyên môn, nghe phổ biến hướng dẫn chấm thi, tập trung trao đổi kỹ về hướng chấm thi đối với các câu hỏi mở, vận dụng kiến thức liên hệ thực tế trong các môn thi...

“Hiện chưa có ý kiến thắc mắc hay phản hồi gì liên quan tới việc hướng dẫn chấm” - ông Dương cho biết.

Còn một số giáo viên chấm thi môn ngữ văn, lịch sử ở Hà Nội, Hải Phòng cho biết đã được thống nhất “chạm được tới ý” (trong hướng dẫn chấm) thì có thể cho điểm.

“Những bài thi viết có câu hỏi mở chạm được đến những ý đã gợi ý trong hướng dẫn, viết có cảm xúc, bày tỏ mạch lạc, sáng rõ suy nghĩ, có liên hệ với những vấn đề thực tế diễn ra xung quanh sẽ có thể đạt điểm tốt, thậm chí tối đa” - một giáo viên chấm thi môn ngữ văn ở cụm thi do Trường ĐH Hàng hải VN chủ trì chia sẻ quan điểm được quán triệt qua buổi sinh hoạt chuyên môn.

Bài thi ít, chấm thi sẽ xong sớm

Trường ĐH Sư phạm TP.HCM là một trong số các trường chủ trì cụm thi có lượng thí sinh đông nhất, cũng chỉ có hơn 18.500 lượt. ThS Nguyễn Ngọc Trung, ủy viên thường trực hội đồng thi Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, cho biết trường đã làm phách bài thi từ ngày 2-7. Tuy nhiên, đến ngày 8-7 trường mới bắt đầu chấm thi.

Ngoài số bài thi của thí sinh tại cụm thi do trường phụ trách, nhà trường còn nhận chấm cho Trường ĐH Luật TP.HCM, Trường ĐH Tài chính - marketing, nhưng hiện vẫn chưa nhận bài thi của các trường này chuyển sang. Tuy nhiên, số bài thi của thí sinh hai trường này không nhiều.

“Theo kế hoạch, khoảng ngày 16-7 trường sẽ chấm xong. Riêng số bài thi của thí sinh hai trường gửi chấm sẽ xong sớm hơn” - ông Trung khẳng định.

Hôm nay 7-7, Trường ĐH Bách khoa (ĐHQG TP.HCM) cũng bắt đầu chấm ba môn tự luận: toán, văn và tiếng Anh. PGS.TS Trần Lê Quan, phó hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học tự nhiên (ĐHQG TP.HCM), cho biết trường đã làm phách bài thi các môn tự luận từ ngày 4-7. Trường cũng đã bắt đầu chấm thi môn toán từ ngày 5-7.

Bên cạnh số bài thi của thí sinh thi tại cụm thi do trường chủ trì, nhà trường còn nhận chấm bài thi các môn toán, lý, hóa của thí sinh dự thi cụm Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn (ĐHQG TP.HCM) chủ trì. Với các môn văn, sử, địa nhà trường gửi Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn chấm. “Ngày 15-7 trường sẽ chấm xong tất cả các môn thi” - ông Quan khẳng định.

Theo TS Lê Tuấn Lộc - phó hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế - luật (ĐHQG TP.HCM), nhà trường đã chở toàn bộ bài thi của thí sinh tỉnh Bình Dương về TP.HCM hôm 4-7. Trường bắt đầu làm phách bài thi từ ngày 5-7 và ngày 7-7 sẽ chấm thi. Nhà trường chỉ chấm các môn toán, văn, ngoại ngữ và các môn trắc nghiệm. Riêng các môn sử, địa trường gửi Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn (ĐHQG TP.HCM) chấm.

“Đến ngày 14-7 trường sẽ chấm xong tất cả các môn” - ông Lộc cho biết. ThS Trần Thị Nguyệt Sương, trưởng phòng khảo thí và kiểm định chất lượng Trường ĐH Tôn Đức Thắng, cho biết: “Năm nay Trường ĐH Tôn Đức Thắng chủ trì cụm thi tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, lượng bài thi không nhiều bằng mọi năm, nên dự kiến đến ngày 15-7 trường sẽ chấm xong tất cả các môn thi”.

Trường ĐH Luật TP.HCM cũng đưa toàn bộ bài thi từ Bến Tre về TP.HCM làm phách tại trường. Tuy nhiên, trường không chấm mà hợp đồng với Trường ĐH Sư phạm TP.HCM chấm các môn tự luận. Đối với các môn trắc nghiệm trường cũng hợp đồng thuê chấm thi với Trung tâm Khảo thí và đánh giá chất lượng đào tạo ĐHQG TP.HCM.

"Thời gian bàn giao bài thi đã cắt phách được thể hiện cụ thể, chi tiết khi ký hợp đồng với các đơn vị, đảm bảo việc chấm thi và công bố điểm theo đúng kế hoạch của Bộ GD-ĐT” - PGS.TS Trần Hoàng Hải, phó hiệu trưởng Trường ĐH Luật TP.HCM, khẳng định.

Công an giám sát quá trình chấm thi

Chiều 6-7, Phòng an ninh chính trị nội bộ (PA83) Công an TP.HCM đã đến Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM để giám sát việc scan bài trắc nghiệm môn lý.

“Cả buổi sáng hội đồng thi tập huấn chấm và thảo luận với cán bộ coi thi, thống nhất các tình huống sau khi nghiên cứu đáp án và phiếu chấm. Buổi chiều, cùng với việc scan bài trắc nghiệm, tổ chấm môn toán cũng bắt đầu làm việc. Sáng 6-7 chấm môn văn và ngày 7-7 chấm các môn sử, địa” - PGS.TS Đỗ Văn Dũng, hiệu trưởng nhà trường, cho biết.

Theo PGS.TS Lê Văn Tán - phó hiệu trưởng Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM, trường này cũng đưa toàn bộ bài thi từ Đồng Nai về TP.HCM tối 4-7 và đã bắt đầu làm phách bài thi từ sáng 5-7.

Đối với việc chấm thi các môn tự luận, trường có 47 cán bộ, và Sở GD-ĐT TP.HCM huy động giúp thêm 240 giáo viên. Cán bộ chấm các môn thi trắc nghiệm là của trường. Ngày 6-7, trường triển khai chấm các môn trắc nghiệm.

“Cục Khảo thí và kiểm định chất lượng giáo dục - Bộ GD-ĐT sẽ hỗ trợ cập nhật phần mềm chấm thi trắc nghiệm. Trường cũng đã đề nghị Công an TP.HCM bảo vệ, giám sát quá trình chấm thi” - ông Tán cho hay.

Ngày 8-7, trường bắt đầu chấm các môn tự luận. Môn toán có số bài thi nhiều nhất là 13.000 bài. Dự kiến ngày 17-7 trường sẽ hoàn tất khâu chấm thi.

VĨNH HÀ - TRẦN HUỲNH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp