11/05/2015 08:18 GMT+7

Nhiều trở ngại trong dự án đường sắt Singapore - Malaysia

VIỆT PHƯƠNG
VIỆT PHƯƠNG

TT - Tuyến đường sắt cao tốc nối liền Kuala Lumpur (Malaysia) và Singapore được kỳ vọng sẽ là chất xúc tác kinh tế cho hai nước nhưng đang gặp trở ngại về chia sẻ chi phí cũng như địa điểm đặt nhà ga.

Con đường nối Malaysia và Singapore hiện nay. Tuyến đường sắt cao tốc mới được kỳ vọng sẽ rút ngắn thời gian di chuyển giữa hai nước - Ảnh: Reuters
Con đường nối Malaysia và Singapore hiện nay. Tuyến đường sắt cao tốc mới được kỳ vọng sẽ rút ngắn thời gian di chuyển giữa hai nước - Ảnh: Reuters

Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long và người đồng cấp Malaysia Najib Razak trong cuộc gặp gần đây đã nhất trí lùi thời hạn hoàn thành dự án đường sắt cao tốc nối liền Singapore và Kuala Lumpur so với thời hạn ban đầu là năm 2020 do sự phức tạp của dự án đắt đỏ này.

Hai lãnh đạo hi vọng sẽ đạt được thỏa thuận mới về thời hạn cho dự án vào cuối năm nay.

Dự án đường sắt cao tốc này được hai nước công bố vào tháng 2-2013 nhưng khi ấy chưa có sự tính toán về chi phí xây dựng. Dự án được nói sẽ rút ngắn thời gian di chuyển giữa hai nơi xuống còn 90 phút.

Ông Najib nói việc xây dựng tuyến đường sắt này sẽ mất năm năm, cộng thêm việc thiết kế mất một năm và đấu thầu mất thêm một năm nữa. Straits Times dẫn lời các chuyên gia nói thời điểm hoàn thành dự án này vào khoảng từ năm 2025-2030 xem ra thực tế hơn.

Theo Reuters, các công ty đường sắt ở Nhật Bản và Trung Quốc đang háo hức tham gia dự án này. Hồi tháng 11-2014, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường nói Bắc Kinh muốn giúp xây dựng tuyến đường này.

Tranh cãi về địa điểm nhà ga 

Khi ý tưởng về dự án được công bố, nhiều người đã nghĩ đến những lợi ích mà tuyến đường sắt này đem lại. Các ga dừng dọc đường cũng được lên kế hoạch.

Theo báo The Star (Malaysia), dự án không chỉ phục vụ việc di chuyển nhanh chóng của người dân giữa hai nước mà còn là chất xúc tác kinh tế cho các khu vực nơi tuyến đường sắt này chạy qua.

Thế nhưng, dự án vấp phải một số rào cản. Ga cuối ở phía Malaysia sẽ được đặt tại Bandar Malaysia, một khu dự án mới cách quận tài chính của Kuala Lumpur 3km.

Theo The Star, việc xây dựng nhà ga tại Bandar Malaysia theo dự kiến năm 2017 mới bắt đầu.

Hiện thời gian di chuyển giữa Kuala Lumpur và Singapore bằng đường bộ mất 4 giờ lái xe, 5 giờ đi xe buýt và 6 giờ 40 phút bằng tàu lửa thông thường với khoảng cách 300km.

Với đường hàng không, sẽ mất khoảng 40 phút bay nhưng các thủ tục ở sân bay sẽ mất thêm thời gian, chưa kể thời gian di chuyển từ sân bay Kuala Lumpur về trung tâm thành phố.

Trong khi đó tại Singapore, điểm xuất phát được lên kế hoạch đặt tại Jurong East nằm ở bờ biển phía tây đảo quốc này.

Tuy nhiên, quan điểm của Malaysia về dự án bắt đầu thay đổi khi Jurong East được chọn làm ga cuối chứ không phải trung tâm thành phố.

Hiện nay, Jurong East là khu vực xen lẫn các khu công nghiệp và nhà ở. Singapore muốn biến nơi này thành cửa ngõ tài chính thứ hai để các công ty di chuyển đến đây, bớt tập trung vào trung tâm thành phố.

Người dân ở khu vực này ủng hộ dự án nhưng theo quan điểm của phía Malaysia, việc đi từ Jurong East vào trung tâm Singapore thăm viếng các địa điểm thu hút khách du lịch đồng nghĩa với việc mất thêm thời gian di chuyển.

Singapore được nói sẽ cải thiện việc kết nối Jurong East với trung tâm thành phố bằng tàu điện nhưng việc mất thêm khoảng một giờ nữa sau khi ngồi tàu 90 phút sẽ làm tuyến đường sắt cao tốc nối hai nước trở nên kém hấp dẫn.

Phức tạp về tài chính

Chi phí xây dựng tuyến đường sắt cao tốc này lại là một vấn đề phức tạp khác. Ban đầu, hai nước dự kiến sẽ chia chi phí theo kiểu phần cơ sở hạ tầng ở nước nào thì nước đó tự chịu. Nếu chia theo kiểu này thì Malaysia sẽ đóng góp nhiều hơn bởi hầu hết tuyến đường nằm bên phía Malaysia.

Tuy nhiên, thông tin về việc Singapore đặt địa điểm ga cuối là Jurong East, một nơi được coi là kém hấp dẫn và đang cần chất xúc tác để phát triển thì có nhiều ý kiến từ Malaysia nói cần tính toán lại để việc đóng góp được công bằng hơn.

Theo The Star, các ý kiến từ Malaysia cho rằng Singapore nên đóng góp nhiều hơn bởi tuyến đường này sẽ giúp phát triển Jurong East thành một cửa ngõ tài chính mới.

Thêm vào đó, Straits Times dẫn lời các chuyên gia nói việc chọn mô hình huy động vốn cho dự án cũng sẽ rất phức tạp.

Phó giáo sư Willie Tan, trưởng khoa xây dựng thuộc Đại học Quốc gia Singapore, nói hai chính phủ có nhiều lựa chọn trong việc huy động vốn có thể xem xét.

Dự án có thể được cả hai chính phủ cấp vốn toàn bộ hoặc cũng có thể cho tư nhân tham gia một phần. Tư nhân có thể sở hữu một phần công ty quản lý tuyến đường sắt này và hưởng một phần thu nhập.

Đối với trường hợp tuyến đường sắt cao tốc nối London (Anh) và Paris (Pháp), mỗi nước chịu trách nhiệm chọn một phương án huy động vốn cho phần cơ sở hạ tầng trên đất của mình.

VIỆT PHƯƠNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp