Kim ngạch mặt hàng này những năm tới sẽ còn cao hơn nữa, bởi hiện các doanh nghiệp không chỉ xuất tươi mà còn tập trung chế biến thành những sản phẩm có giá trị gia tăng.
Số liệu thống kê cho thấy, các mặt hàng rau quả xuất khẩu của Việt Nam chủ yếu phụ thuộc vào thị trường châu Á khi chiếm 7/10 thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan-Trung Quốc, Thái Lan, Singapore, Malaysia.
Đại diện Hiệp hội Rau quả Việt Nam cho biết, do châu Á là thị trường gần Việt Nam nên việc vận chuyển bằng đường thủy, đường bộ dễ dàng hơn.
Bên cạnh đó, những thị trường như Nhật Bản, Đài Loan, Hàn Quốc hiện đã mở cửa lại cho rau quả Việt Nam nên doanh nghiệp có cơ hội mở rộng thị phần, tăng giá trị xuất khẩu.
Những năm trước, doanh nghiệp chủ yếu tập trung xuất rau quả chưa chế biến nhưng nay đã có thêm một số doanh nghiệp đầu tư dây chuyền để làm ra những sản phẩm đóng hộp, đông lạnh phục vụ xuất khẩu.
Rau quả chế biến sâu không chỉ tăng giá trị mà còn đem lại lợi thế cạnh tranh, giúp sản phẩm dễ dàng hơn trong việc vượt qua những rào cản kỹ thuật của các thị trường nhập khẩu.
Lý do bởi những sản phẩm ở dạng đóng hộp, đông lạnh thường không bị kiểm tra chặt về vệ sinh thực phẩm như sản phẩm ở dạng tươi.
Hơn nữa, để xuất vào những thị trường lớn, nhiều tiềm năng nhưng ở xa, cách duy nhất là phải chuyển hướng, giảm tỷ trọng xuất khẩu tươi, tăng tỷ trọng xuất khẩu hàng qua chế biến.
Trước đây, doanh nghiệp xuất ở dạng tươi do thiếu vốn cũng như kinh nghiệm về phát triển thị trường. Nhưng vài năm trở lại đây, xuất khẩu rau quả khá thuận lợi, kim ngạch xuất khẩu năm sau cao hơn năm trước nên nhiều doanh nghiệp đã tích lũy đủ vốn để đầu tư chế biến sâu theo hướng gia tăng giá trị.
Đây chính là lý do tin tưởng trong những năm tới giá trị xuất khẩu mặt hàng rau quả sẽ tiếp tục tăng mạnh.
Tuy nhiên, muốn có được những hợp đồng xuất khẩu rau quả dạng đông lạnh hoặc chế biến đóng hộp, cách thứ nhất là doanh nghiệp tự tìm kiếm thị trường, cách còn lại là làm theo đơn đặt hàng của các nhà nhập khẩu.
Với cách làm này, doanh nghiệp tiết kiệm được những chi phí về tìm hiểu thị trường, tiếp thị sản phẩm nhưng phải có khả năng nghiên cứu sản phẩm mới, đầu tư dây chuyền chế biến.
Diện tích rau quả trong nước khoảng 1.650 ha. Trong đó, rau khoảng 850.000 ha, sản lượng 14,5 triệu tấn; cây ăn quả trên 800.000 ha, sản lượng trên 7,5 triệu tấn. Tuy nhiên, tỷ lệ rau quả chế biến sâu chiếm tỷ trọng thấp, chỉ có khoảng 10% rau quả xuất khẩu qua chế biến.
Hiện cả nước có trên 100 cơ sở chế biến rau quả quy mô công nghiệp với tổng công suất 300.000 tấn sản phẩm/năm. Trong số này, 50% sản phẩm chế biến là đóng hộp.
Các mặt hàng tiềm năng, thị trường thế giới có nhu cầu cao là: rau quả tươi (thanh long, bưởi, xoài, vải, chôm chôm, bắp cải, cà chua, dưa chuột, các loại đậu rau, rau gia vị…); rau quả chế biến (dứa, vải, ngô, cà rốt, hành, gấc…); chiên dòn (mít, khoai, chuối…).
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận