06/11/2014 15:33 GMT+7

Nhiều trẻ sơ sinh nhiễm virút CMV gây biến chứng nặng

T. LŨY
T. LŨY

TTO - Gần đây, Bệnh viện Nhi đồng Cần Thơ tiếp nhận nhiều trường hợp trẻ sơ sinh bị nhiễm virút CMV (cytomegalovirus), hầu hết đều gây biến chứng nặng.

Bác sĩ Hà Anh Tuấn - trưởng khoa hồi sức tích cực và chống độc Bệnh viện Nhi đồng Cần Thơ - cảnh báo gần đây bệnh viện tiếp nhận nhiều trường hợp trẻ sơ sinh bị nhiễm bệnh do virút CMV (cytomegalovirus), đặc biệt hầu hết đều là những biến chứng nặng nề trong khi trước đây bệnh rất hiếm gặp.

Bé Võ Hoài Bảo N. (6 tháng tuổi), nhập viện tại khoa trong trạng thái lơ mơ, vàng da vàng mắt, thể trạng suy kiệt.

Qua thăm khám và làm các xét nghiệm phát hiện bé viêm gan do virút CMV. Theo gia đình, bé bị vàng da từ lúc mới sinh, nằm viện điều trị hơn hai tháng, tái khám định kỳ nhưng tình trạng vẫn không cải thiện. Sau thời gian điều trị tình trạng vẫn không giảm, các chức năng gan thận đều suy và bé đã tử vong.

Bệnh nhân thứ hai là bé Võ Lê Nhã T. (36 ngày tuổi), nhập viện vì sốt và thở nhanh, tiền sử bé sinh non khoảng 33 tuần tuổi. Sau khi thăm khám, các bác sĩ đã cho làm xét nghiệm CMV, siêu âm tim, chụp X-quang phổi.

Kết quả bé được chẩn đoán bị viêm phổi/tim bẩm sinh (thông liên thất, còn ống động mạch) và kết quả dương tính với virút CMV. Hiện tại tình trạng bệnh nhân rất nặng.

Một bé sơ sinh khác là bé Phan Ngọc V. (35 ngày tuổi), vào viện trong tình trạng thở rên, môi tái, da nổi bông… sau khi được cấp cứu hồi sức kịp thời đã qua cơn nguy kịch.

Bác sĩ đã nghi ngờ và cho làm xét nghiệm CMV, kết quả kết quả dương tính CMV/tim bẩm sinh nên tình trạng bệnh cũng khá nặng.

Bác sĩ Hà Anh Tuấn nói theo y văn, CMV (cytomegalovirus) là loại siêu vi gây bệnh cho người ở các lứa tuổi khác nhau, từ trẻ sơ sinh, trẻ nhỏ, thanh thiếu niên, phụ nữ mang thai, người lớn, người nhiễm HIV và cả người được ghép tạng.

Siêu vi này được tìm thấy trong máu, nước bọt, phân, nước tiểu và cả trong dịch tiết sinh dục. Một khi CMV xâm nhập vào người có thể tồn tại lâu dài, thậm chí suốt đời trong cơ thể người bị nhiễm.

Tuy nhiên ở người lớn, phần lớn người khỏe mạnh bị nhiễm CMV thường không thể hiện triệu chứng lâm sàng nào mà có thể có các triệu chứng giống cúm như sốt, đau đầu, mệt mỏi, tăng bạch cầu đơn nhân, giảm bạch cầu đa nhân trung tính.

Khoảng 80% người lớn tạo được kháng thể chống CMV. Phụ nữ khi mang thai nếu nhiễm CMV có thể sinh ra trẻ dị tật, nhất là tim bẩm sinh.

Đối với trẻ em bị nhiễm CMV phần lớn cũng không thể hiện triệu chứng lâm sàng, khoảng 10% số trẻ bị nhiễm CMV có thể có các triệu chứng lâm sàng nặng nề như dị tật đầu nhỏ, gan và lách to, vàng da, có các cơn động kinh, bệnh lý tim bẩm sinh và thiếu cân.

Phòng bệnh bằng các biện pháp vệ sinh chung

Hiện tại không có văcxin và liệu pháp đặc hiệu cho bệnh nhiễm CMV. Tốt nhất chúng ta dùng biện pháp phòng bệnh nhiễm CMV bằng các biện pháp vệ sinh chung, đặc biệt cần chú ý đến phụ nữ có thai và đang cho con bú.

Việc nhiễm CMV thường lan rộng là do tiếp xúc trực tiếp với các dịch tiết của người đang bị nhiễm CMV như nước bọt, nước tiểu, phân, tinh dịch, máu, nước mắt, dịch âm đạo và sữa.

Trong quá trình có thai, thai nhi có thể bị nhiễm từ người mẹ đang nhiễm CMV qua đường nhau thai, hoặc qua các dịch tiết và máu trong quá trình sinh đẻ, trẻ sơ sinh có thể bị nhiễm qua sữa của quá trình bú mẹ.

T. LŨY
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp