Bác sĩ Bệnh viện Nhi Đồng 1 khám cho một bệnh nhi mắc bệnh viêm phổi - Ảnh: THÙY DƯƠNG
Chị N.T.M, 38 tuổi, ngụ ở Q.2, TP.HCM, sốt ruột khi con chị bị ho suốt 3 tuần nay mà vẫn không khỏi. Chị M. kể con gái chị 5 tuổi, đang học tại một trường quốc tế ở Q.2. Trong lớp con chị học có nhiều bé bị ho như vậy, thậm chí cả cô giáo cũng ho.
Lây bệnh từ lớp học
Lúc đầu cháu ho ít, không sốt, chơi bình thường nên chị cho cháu uống một loại thuốc ho thảo dược. Hơn một tuần sau, một buổi tối chị thấy con ho nhiều, tiếng ho nặng hơn nên đưa con đi khám tại một phòng mạch tư.
Tại đây, bác sĩ chẩn đoán con chị mắc bệnh viêm phế quản. Cháu uống thuốc, giảm ho dần nhưng sau đó một tuần thì ho lại.
Thấy con không khỏi, chị tiếp tục cho con đi khám một phòng mạch khác. Bác sĩ này cho con chị uống một loại thuốc khác với bác sĩ trước đó. Những ngày đầu cháu giảm ho, sau đó bị ho nhiều trở lại.
Lo lắng, chị liên lạc với nhà trường thì nhà trường cho biết có khoảng một nửa số học sinh trong lớp đều bị ho, trong đó có hai học sinh bị ho dai dẳng kéo dài đến khi đi khám bác sĩ chẩn đoán mắc bệnh viêm phổi.
Ngày 24-10, chị đưa con đến Bệnh viện Nhi Đồng 1 khám thì được chẩn đoán viêm phế quản cấp và bác sĩ lại kê những loại thuốc khác cho con chị uống.
Tương tự, con chị T.T.P. học tại một trường mầm non ở Q.Bình Thạnh. Trong lớp học của con chị P. cũng rất nhiều cháu bị ho, sốt phải xin nghỉ học. Thấy con bị ho nhiều, chị đưa con đi khám và nghỉ ở nhà chăm con đến khi con hết ho. Thế nhưng khi chị vừa cho con đi học lại được một hai ngày, con bị ho trở lại. Tối 23-10, chị đưa con đến khám tại một phòng mạch thì được chẩn đoán viêm đường hô hấp trên.
Chị P. kể lớp con chị luôn học ở trong phòng máy lạnh nên chỉ cần một bé bệnh sẽ dễ lây bệnh cho bé khác.
Mưa nhiều, ho nhiều
TS.BS Trần Anh Tuấn, trưởng khoa hô hấp Bệnh viện Nhi Đồng 1 TP.HCM, cho biết bệnh ho xảy ra quanh năm nhưng vào những tháng mưa, mùa lạnh, không chỉ trẻ em mà số người lớn bị ho cũng tăng. Hiện đang là mùa bệnh hô hấp nên trẻ dễ mắc bệnh. Những ngày gần đây, ngày nào trời cũng mưa. Mưa tăng, độ ẩm nhiều, các loại virút, vi khuẩn dễ phát triển, trong khi thay đổi thời tiết, sức đề kháng của trẻ lại giảm nên trẻ dễ mắc bệnh.
Ho có nhiều nguyên nhân như nhiễm trùng đường hô hấp, do bị dị ứng... Nếu trẻ bị nhiễm trùng đường hô hấp, rất cần một không gian mở, không khí thoáng, có đầy đủ ánh sáng mặt trời để có thể trao đổi với không khí bên ngoài, tránh sự tù đọng của các mầm bệnh.
Ngược lại, nếu để không khí tù đọng do đóng cửa lâu ngày, không khí không được lưu thông tốt, không có ánh sáng mặt trời, vệ sinh trong phòng không tốt sẽ là những điều kiện thuận lợi cho mầm bệnh sinh sôi, nảy nở. Chưa kể, trong một phòng đã có sẵn những mầm bệnh sẽ rất dễ lây lan từ người này qua người kia, cháu này qua cháu kia.
Tại sao trẻ chỉ bị ho, không sốt mà vẫn bị viêm phổi? TS Anh Tuấn cho biết sốt không phải là triệu chứng bắt buộc của viêm phổi. Chỉ có điều những cháu bị ho, sốt cao thì gợi ý nhiều đến viêm phổi do vi khuẩn.
TS Anh Tuấn nhấn mạnh không có mối song hành giữa ho và mức độ nặng của bệnh. Không phải trẻ ho nhiều là bệnh nặng, ho ít là bệnh nhẹ. Có những trẻ sơ sinh viêm phổi rất nặng nhưng không ho một tiếng. Tại khoa hô hấp, có những trẻ viêm phổi nặng, thậm chí có mủ ở phổi, có nguy cơ gây hoại tử phổi nhưng ho rất ít, thậm chí không ho. Việc trẻ mắc bệnh nặng hay nhẹ phải xem nhịp thở của trẻ.
Một số bà mẹ thấy con ho nhiều thường muốn cho con chụp X-quang phổi. Tuy nhiên, theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới, của Hoa Kỳ, các nước phát triển thì bác sĩ khám là đủ vì một lần chụp là một lần trẻ sẽ bị ảnh hưởng bởi tia X-quang. Chỉ khi các cháu bị viêm phổi nặng, đã điều trị không thành công hoặc nghi ngờ viêm phổi có biến chứng... mới cần chụp.
Để phòng bệnh hô hấp, các bậc cha mẹ cần tránh mưa, gió lùa, mặc ấm cho trẻ. Không nên để trẻ nhỏ tiếp xúc với người lớn mắc bệnh, cho dù chỉ bị cảm, ho, sổ mũi thông thường. Người chăm sóc trẻ cần rửa tay thường xuyên vì rửa tay đã được chứng minh là một trong những biện pháp phòng ngừa bệnh viêm phổi, viêm tiểu phế quản. Bên cạnh đó, cần cho trẻ ăn uống đầy đủ chất, ăn nhiều hoa quả, rau xanh để tăng cường vitamin, tăng sức đề kháng cho trẻ. Những gia đình có điều kiện nên chủng ngừa phế cầu cho trẻ vì cũng sẽ giảm được nguy cơ viêm phổi.
Trẻ ho không sốt có cần đi khám bệnh?
Hiện nay có không ít bà mẹ cho rằng trẻ ho, không sốt có thể tự khỏi, hoặc chỉ dùng một số loại thảo dược cho trẻ chứ không cần đưa trẻ đi khám. TS Anh Tuấn cho rằng quan điểm này vừa đúng vừa không đúng.
TS Anh Tuấn cho rằng ho là một phản xạ có lợi cho cơ thể, ho sẽ tống xuất đàm nhớt, vi trùng ra ngoài, đường thở được thông thoáng, thở dễ. Chính vì là một phản xạ có lợi nên cần thiết.
Chỉ có điều ho mà dẫn đến diễn tiến xấu như ho nhiều quá làm trẻ bị ói, đau họng, ăn uống không được, mất ngủ, có những bé ho bị xuất huyết họng, xuất huyết não, làm thoát vị bẹn... Ho kèm theo những dấu hiệu khác như tím tái, ngủ li bì, khó đánh thức, bỏ bú, bú kém, co giật, khó thở, co rút lồng ngực, khi đó mới cần điều trị để giảm thiểu tác hại xấu...
Ngoài ra, cần phải theo dõi những dấu hiệu đặc biệt khác như ho ra máu, ho kèm theo khạc đàm giống như mủ thì coi chừng bị nhiễm trùng nặng, ho kèm theo sốt cao.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận