Bác sĩ khám kiểm tra mắt bị chấn thương cho một bệnh nhi tại Bệnh viện Mắt TP.HCM - Ảnh: L.TH.H. |
Bác sĩ Phan Thị Anh Thư - giảng viên bộ môn mắt Đại học Y dược TP.HCM, bác sĩ khoa mắt nhi Bệnh viện Mắt TP.HCM - cho biết đa số trường hợp chấn thương mắt xảy ra ở trẻ dưới 7 tuổi. Các loại chấn thương mắt đe dọa gây giảm thị lực của trẻ phải nhập viện.
Đủ kiểu chấn thương
Ngày 7-4, tại khoa mắt nhi có hai bệnh nhi bị chấn thương mắt khi đi học. Bé H.V.L. (7 tuổi, học sinh Trường tiểu học BS, Q.5, TP.HCM) bị chấn thương mắt trước đó một ngày do một bạn học cùng lớp đẩy cánh cửa sổ phòng học lúc ra chơi đập vào mắt, gây rách da mi mắt phải nhập viện để phẫu thuật khâu lại.
Còn bé T.M.N. (9 tuổi, Đồng Nai, nhập viện ngày 27-3) bị chấn thương mắt do bạn học lấy trái me chọi trúng mắt. Hậu quả là N. bị rách giác mạc, có dị vật nằm trong mắt, gây mủ tiền phòng nên đã được các bác sĩ Bệnh viện Mắt TP.HCM lấy dị vật ra khỏi mắt, khâu giác mạc cấp cứu...
Bệnh viện Mắt TP cũng từng điều trị cho một học sinh tiểu học bị chấn thương mắt do bạn học dùng que xiên cá viên chiên cột dây thun và bắn vào mắt em gây thủng giác mạc.
Ghi nhận của khoa mắt nhi cho thấy nguyên nhân gây chấn thương mắt ở học sinh rất đa dạng. Có bé bị thủng mắt do bút, compa hay cây đâm vào mắt, rách mắt do kính vỡ, do đùa giỡn va đập vào cửa lớp, do té ngã đập trúng mắt, chảy máu bên trong mắt do đánh nhau, do bị ná bắn, do trúng nắp chai nước ngọt, do dây ràng đồ, do dao kéo, do chó cắn...
Theo bác sĩ Anh Thư, tùy loại chấn thương mắt và mức độ trầm trọng của chấn thương mà sự hồi phục thị lực của trẻ sau chấn thương sẽ khác nhau. Trẻ có thể bị các chấn thương nhẹ như sưng bầm mi, xuất huyết kết mạc, rách da đơn giản, rách kết mạc ít.
Với chấn thương nhẹ này trẻ không cần nhập viện theo dõi và ít gây ảnh hưởng thị lực nếu đáp ứng điều trị tốt.
Với chấn thương nặng như có vết thương xuyên thấu làm thủng, rách giác mạc, rách củng mạc, hoặc các chấn thương đụng dập nhưng gây chảy máu nhiều bên trong nhãn cầu, trẻ cần nhập viện điều trị vì đe dọa làm giảm hoặc mất thị lực vĩnh viễn.
Các trường hợp mất hẳn thị lực ngay như vỡ nhãn cầu phức tạp không thể khâu giữ được mắt thì phải bỏ mắt hoặc mắt bị nhiễm trùng quá nặng do chấn thương không đáp ứng điều trị bảo tồn thì không thể nhìn thấy lại được.
Đi bệnh viện ngay
Khi học sinh bị chấn thương mắt ở trường, thầy cô giáo nên tìm hiểu xem trẻ chấn thương do nguyên nhân gì. Nếu do hóa chất, bụi bẩn rơi vào mắt cần rửa sạch mắt với nước sạch hoặc nước muối sinh lý ngay tại trường rồi băng nhẹ mắt và chuyển đến bệnh viện có chuyên khoa mắt để điều trị.
Nếu chấn thương do vật lạ đâm vào mắt thì không nên rút ra mà có thể cắt gọn, băng nhẹ bằng gạc sạch rồi đưa trẻ đến bệnh viện chuyên khoa mắt ngay. Nếu nghi ngờ mắt trẻ bị rách hay vỡ thì băng nhẹ bằng gạc sạch, không đè ép lên mắt rồi chuyển ngay đến bệnh viện có chuyên khoa mắt, tránh làm chậm trễ thời gian dẫn đến biến chứng nặng.
Về điều trị, bác sĩ Anh Thư cho biết việc điều trị chấn thương mắt phụ thuộc rất nhiều vào các yếu tố: tác nhân gây chấn thương, loại chấn thương, trẻ được sơ cứu hay xử trí gì chưa, thời gian từ lúc xảy ra chấn thương đến lúc được điều trị bao lâu.
Cần lưu ý vết thương phải được xử trí và theo dõi bởi bác sĩ chuyên khoa mắt, đặc biệt là bác sĩ chuyên khoa mắt nhi. Vì mắt trẻ là mắt đang lớn, chức năng thị giác đang hình thành và phát triển nên sự hồi phục chức năng thị giác của trẻ phụ thuộc rất nhiều vào độ tuổi, xử trí ban đầu, quá trình điều trị và quan trọng là điều trị nhược thị về lâu dài.
Ngoài ra, cần theo dõi và lưu ý các trường hợp nhãn viêm giao cảm xảy ra ở mắt lành còn lại sau khi bị chấn thương xuyên thủng nhãn cầu một mắt.
Phòng chấn thương
“Chấn thương mắt có thể phòng tránh được bằng những phương pháp tương đối đơn giản. Yếu tố quan trọng nhất trong việc phòng ngừa chấn thương nhãn cầu ở trẻ là tư vấn, giáo dục cách phòng ngừa cho cha mẹ của bé” - bác sĩ Anh Thư hướng dẫn.
Cụ thể, cha mẹ không nên cho trẻ chơi đùa với các vật sắc nhọn như dao, kéo, kim, tăm, đinh... Đối với các vật không sắc nhọn như đồ chơi, đũa, thước, cạnh bàn... phụ huynh vẫn cần dạy trẻ cách chơi an toàn với chúng. Với vật dụng là đồ gỗ thì các góc cạnh nên bo tròn để tránh việc trẻ bị té, va đập vào gây đâm thủng mắt.
Ngoài ra, gia đình không nên cho trẻ chơi các vật có lực bắn như dây ràng, đạn, cung tên, súng nhựa... Nên dạy trẻ cẩn trọng khi chơi thể thao như đá banh, cầu lông... Đối với các vật nuôi như chó, mèo... gia đình cần giám sát chặt khi trẻ chơi đùa và dạy trẻ biết cách chơi với chúng an toàn.
Bên cạnh đó, việc giáo dục trẻ tránh gây ra xung đột dẫn đến đánh nhau với bạn bè cũng rất quan trọng. Ngoài ra, người lớn cần trông coi trẻ nhỏ kỹ lưỡng, giám sát trẻ chặt chẽ để tránh té ngã, quơ tay trúng mắt.
Khi trẻ đến trường học, thầy cô và nhà trường nên lưu ý, nhắc nhở, hướng dẫn học sinh lúc chơi đùa không nên xô đẩy nhau để tránh té ngã, va đập vào cửa, cạnh bàn ghế...
Giờ ra chơi hay đang học tập không được dùng các vật dụng sắc nhọn, vật có lực bắn kể trên để bắn, chọi hay đâm vào mắt bạn bè, dẫn đến chấn thương mắt cho bạn.
Cẩn trọng sau điều trị chấn thương Sau khi trẻ xuất viện, phụ huynh cần cho trẻ uống thuốc theo toa bác sĩ cấp, đưa trẻ đi tái khám theo hẹn hoặc khi có bất thường: đau nhức mắt, giảm thị lực, đỏ mắt nhiều hơn. Đặc biệt chú ý phát hiện sớm biến chứng nhãn viêm giao cảm xảy ra ở mắt lành: đột ngột giảm thị lực nhanh chóng, chói sáng, kích thích... Nếu bị chấn thương mà phải làm việc trên máy vi tính, đọc sách... nên có thời gian nghỉ giữa buổi để giảm điều tiết mắt. Cần ăn đầy đủ chất giúp nâng cao sức khỏe, bổ sung các vitamin A, C và E để mau lành vết thương; ăn thức ăn dễ tiêu, trái cây để tránh bị táo bón dẫn đến tăng áp lực ở mắt chấn thương khi đi đại tiện. Do tổn hại thị trường mắt sau chấn thương nên các em cần cẩn trọng khi di chuyển để tránh vấp ngã, hụt chân, va chạm do nhìn không rõ. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận