Các bác sĩ ở Bệnh viện Nhi Đồng 1 trám răng cho bệnh nhi L.H.L. - Ảnh: Thùy Dương |
Ngày 12-1, cháu L.H.L. (26 tháng tuổi, ở Q.7, TP.HCM) được mẹ đưa đến khám tại khoa răng hàm mặt Bệnh viện Nhi Đồng 1 vì có 18 chiếc răng đã mọc đều bị sâu.
Rất khó bảo tồn
Tránh tự nhổ răng cho trẻ ở nhà vì có nguy cơ nhiễm trùng răng qua bàn tay, nguy cơ chảy máu đối với một số trẻ mắc bệnh về máu chưa được phát hiện hay bệnh u máu xương hàm, làm răng lung lay nhưng dễ gây ngộ nhận là răng bị lung lay do thay răng... |
Chị T.T.H.X. (38 tuổi), mẹ của cháu L.H.L., kể lúc cháu hơn 1 tuổi, chị thấy răng cháu ngả sang màu vàng sau đó cứ mủn, mòn dần. Từ khi sinh ra cháu đã bú bình, mỗi đêm đều bú ba cữ nhưng chị không biết chính thói quen này đã làm con chị bị mủn hết răng!
Bác sĩ Nguyễn Văn Đẩu, trưởng khoa răng hàm mặt Bệnh viện Nhi Đồng 1, cho biết hầu như ngày nào các bác sĩ cũng gặp trường hợp tương tự cháu L.H.L. nói trên.
Bác sĩ Đẩu cho rằng với suy nghĩ trẻ bú càng nhiều sữa càng tốt, một số cha mẹ đã vô tình hình thành thói quen bú sữa vào ban đêm cho trẻ. Chỉ cần thấy trẻ dậy khóc vào ban đêm là mẹ liền cung cấp ngay một bình sữa.
Trong lúc trẻ vừa ngủ vừa bú, tốc độ nuốt sữa rất chậm. Sau khi trẻ bú xong, một lượng sữa rất lớn sẽ còn đọng lại trong miệng trẻ và chỉ cần 5-10 phút sau đã chuyển hóa thành axit phá hủy men răng.
Quá trình này lặp đi lặp lại trong thời gian dài khiến hàng loạt răng sữa của trẻ bị mủn nát, trẻ bị đau nhức răng triền miên. Trẻ bắt đầu ăn uống kém, sa sút cân nặng.
Thường lúc này gia đình mới đưa trẻ đến phòng mạch hoặc một cơ sở y tế điều trị nào đó. Khi tiếp nhận những trường hợp này, các bác sĩ tuyến dưới “bó tay” nên chuyển bệnh nhân lên Bệnh viện Nhi Đồng 1.
Tại Bệnh viện Nhi Đồng 1, các bác sĩ sẽ kiểm tra và nếu răng nào còn có thể trám lại được thì lấy tủy để trám. Tuy nhiên, trong một số ít trường hợp có thể trám lại được, các bác sĩ cũng gặp trở ngại vì bệnh nhi mới hai, ba tuổi không hợp tác.
Hơn nữa, khi hàng loạt răng sữa bị mủn nát trẻ đã bị đau đớn triền miên trong thời gian trước, nên chỉ cần bác sĩ nói há miệng hoặc đụng tới răng là cả một thử thách rất lớn đối với trẻ.
Bác sĩ Đẩu lo lắng: “Thường khoảng 7-8 tuổi trẻ bắt đầu thay răng sữa bằng răng vĩnh viễn, đến 11-12 tuổi mới thay răng cối sữa. Những trẻ bị hư hết răng sữa phải ăn uống như thế nào khi 8-9 năm sau mới mọc đầy đủ răng vĩnh viễn để thay thế?”.
Các bác sĩ cho biết khi khám răng cho trẻ họ đều tư vấn gia đình phải bỏ cữ sữa đêm cho trẻ, nhưng nhiều bậc cha mẹ lại cho rằng không cho trẻ uống sữa ban đêm, trẻ sẽ khóc, đói và sụt cân.
Bác sĩ đã phân tích cho gia đình trẻ thấy cần phải bỏ cữ sữa đêm vì nếu tiếp tục răng của trẻ sẽ bị nát vụn hết.
Khi đó trẻ sẽ móm như người già bị mất răng, những chiếc răng vĩnh viễn mọc sau này không phát triển như bình thường mà sẽ ngắn, mọc nhấp nhô, xương hàm lệch lạc, biến dạng, ảnh hưởng đến thẩm mỹ gương mặt. Giải pháp mà bác sĩ gợi ý để bỏ cử sữa đêm là tăng lượng sữa trong những lần uống khi trẻ còn thức để tổng lượng sữa trong ngày không giảm...
Chăm sóc răng theo độ tuổi
Những điều nên làm và nên tránh Trẻ từ 6 tuổi trở lên có thể đã độc lập về ăn uống nên cần được cung cấp kiến thức để chăm sóc răng miệng tốt. Cụ thể, khuyên trẻ nên ăn những loại thức ăn tốt cho răng như trái cây không quá ngọt, chứa nhiều nước, có chất xơ như táo, mía, lê, ổi... sẽ có tác dụng làm sạch răng. Tránh ăn chế độ nhiều chất đường, chất bột (có khả năng bám dính cao, khó làm sạch) như kẹo dừa, kẹo mạch nha... và tránh những thói quen xấu ảnh hưởng đến hàm răng như nhai một bên, dùng tăm cứng để xỉa răng, dùng răng xử lý các vật cứng như cắn cua ghẹ, khui nắp chai... |
Theo bác sĩ Nguyễn Văn Đẩu, để sau này trẻ lớn lên có một hàm răng khỏe đẹp, các bậc cha mẹ nên chăm sóc răng miệng cho trẻ ngay từ khi trẻ chào đời và có chế độ chăm sóc răng định kỳ sáu tháng/lần, kể từ khi trẻ mọc chiếc răng đầu tiên.
Cụ thể khi trẻ ra đời đến lúc 6 tháng tuổi, mỗi khi trẻ bú mẹ hay bú bình xong, người mẹ dùng gạc quấn vào ngón tay trỏ để rơ răng cho trẻ.
Người mẹ cho miếng gạc vào nước đun sôi để nguội, sau đó chà vuốt lên các nướu răng của trẻ làm sạch những mảng sữa bám trên đó.
Tiếp đó, chà lên mặt lưỡi của trẻ vì mặt lưỡi là nơi sữa rất dễ đóng lại, sinh mùi hôi và là mảnh đất màu mỡ gây bệnh, đặc biệt là các loại nấm lưỡi hay còn gọi là lưỡi mặt trăng. Nên làm những việc này sau khi trẻ bú được 15 phút để tránh trẻ bị nôn, ói sữa.
Trẻ bú bình xong nên cho uống nước liền vì nước sẽ làm trôi phần nào các chất bị lắng đọng.
Giai đoạn mọc hoàn chỉnh bộ răng sữa sẽ kéo dài từ sáu tháng đến hai tuổi rưỡi. Khi trẻ mọc răng, nướu sẽ bị đâm thủng, gây sưng đỏ, đau, dễ nhiễm trùng.
Nên khéo léo dùng gạc mềm làm sạch vùng răng mọc cho trẻ. Khi trẻ mọc được đầy đủ 20 chiếc răng sữa cũng làm vệ sinh như giai đoạn đầu và nên vuốt các mặt răng của trẻ (mặt trong, mặt ngoài, mặt nhai của các răng) sao cho bợn sữa đóng lên được làm sạch.
Khi trẻ mọc đầy đủ các răng sữa (từ hai tuổi rưỡi trở lên) vẫn có thể dùng gạc làm sạch răng cho trẻ và bắt đầu tập cho trẻ đánh răng đúng cách. Chọn bàn chải lông mềm, kích thước bàn chải nhỏ phù hợp với miệng trẻ.
Giai đoạn đầu có thể không sử dụng kem đánh răng mà chỉ đánh bằng nước, sau đó mới sử dụng kem đánh răng dành cho trẻ. Thông thường chọn phương pháp chải xoay tròn hoặc chải từ trên xuống, tránh chải ngang vì hiệu quả làm sạch thấp và gây khuyết mòn một số vị trí của răng.
Trẻ từ 7 tuổi -12 tuổi, các loại răng sữa sẽ lung lay để răng vĩnh viễn lần lượt thay thế. Giai đoạn này cần tiếp tục đánh răng sau mỗi bữa ăn. Cần dùng lông bàn chải vuốt mặt lưỡi từ trong ra ngoài để làm sạch bợn thức ăn đóng trên mặt lưỡi. Khi phát hiện trẻ có răng lung lay nên đi khám bác sĩ.
Trẻ trên 12 tuổi có thể dùng tăm nước (một loại bình xịt nước giống như xilanh xịt vào các kẽ răng làm sạch các vùng kẽ, có bán trong siêu thị), chỉ nha khoa và dùng thêm những loại nước súc miệng sát khuẩn và làm thơm miệng để hỗ trợ việc làm sạch vùng miệng.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận