01/03/2023 06:08 GMT+7

Nhiều trẻ bị viêm cơ tim, nguy cơ tử vong

Thời gian gần đây, liên tiếp nhiều trẻ bị viêm cơ tim tối cấp rất nguy kịch. Bệnh này có tỉ lệ tử vong rất cao, nhưng triệu chứng khởi phát giống như sốt cảm cúm thông thường, khiến nhiều phụ huynh chủ quan, đưa trẻ nhập viện muộn, khi đã nguy kịch.

Các bác sĩ Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP.HCM) cứu sống thành công một trường hợp bị viêm cơ tim tối cấp, ngưng tim, ngưng thở - Ảnh: BSCC

Các bác sĩ Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP.HCM) cứu sống thành công một trường hợp bị viêm cơ tim tối cấp, ngưng tim, ngưng thở - Ảnh: BSCC

Tại sao nhiều trẻ bị viêm cơ tim được ghi nhận trong thời gian gần đây? Làm sao phân biệt sốt cảm cúm thông thường, hay triệu chứng khởi phát của bệnh viêm cơ tim tối cấp?

Từ sốt nhẹ đến viêm cơ tim, ngưng tim

Sau tết, các bệnh viện nhi đồng trên địa bàn TP.HCM liên tục tiếp nhận nhiều trẻ nhập viện bị viêm cơ tim tối cấp. Điểm chung của những bệnh nhi này đều có triệu chứng khởi phát là sốt nhẹ, than mệt, ói... Chỉ thời gian ngắn, trẻ đã chuyển nặng, được chẩn đoán là viêm cơ tim tối cấp, phải điều trị tích cực.

Một bé gái 4 tuổi than mệt liên tục và có sốt nên gia đình đưa đến bệnh viện địa phương thăm khám, không phát hiện bất thường gì. Trong lúc đi du lịch cùng gia đình, bệnh tình của bé bắt đầu trở nặng, hai mắt sưng, thở mệt. Đưa đến bệnh viện địa bàn, bé được chẩn đoán viêm cơ tim cấp, cần chuyển đến Bệnh viện Nhi đồng 2.

Tại đây, bệnh nhi bị sốc tim, hạ huyết áp nặng và nhanh chóng được các bác sĩ hỗ trợ hô hấp, truyền vận mạch, đặt máy tạo nhịp tim... Gần một tuần điều trị tích cực, bé đã tự thở được và ngưng thuốc vận mạch, rút máy tạo nhịp tim tạm thời.

Cũng có triệu chứng khởi phát là hay mệt và sốt, bé gái 11 tuổi ở Bình Dương được các bác sĩ Bệnh viện Nhi đồng thành phố kết luận bị viêm cơ tim, sốc tim, rối loạn nhịp tim nặng vào ngày thứ ba của bệnh.

Bệnh nhi phải đặt nội khí quản giúp thở, dùng thuốc chống loạn nhịp, thuốc vận mạch, kháng sinh điều trị bội nhiễm phổi, truyền máu và tiểu cầu, thở ECMO (tim phổi nhân tạo)... Sau tám ngày cứu chữa tích cực, tim trẻ mới phục hồi dần, huyết áp ổn định, cai ECMO, rút cannula mạch máu.

Có biểu hiện đau ngực, khó thở, hồi hộp đánh trống ngực tăng dần, N.Q.B. (13 tuổi, ngụ TP.HCM) được gia đình đưa đến Bệnh viện Thống Nhất và sau đó chuyển ngay đến Bệnh viện Nhi đồng 1 trong tình trạng tím môi, rối loạn nhịp thất, tim co bóp yếu dần rồi ngưng tim. B. bị viêm cơ tim tối cấp, ngưng tim, ngưng thở, nhưng đã được các bác sĩ cứu sống ngoạn mục sau 12 ngày chạy ECMO, hạ thân nhiệt và lọc máu liên tục.

Chú ý sốt nhẹ nhưng kèm mệt, tức ngực, khó thở...

Chia sẻ với Tuổi Trẻ, PGS Phạm Văn Quang - trưởng khoa hồi sức tích cực chống độc, Bệnh viện Nhi đồng 1 - cho biết các triệu chứng của viêm cơ tim cấp thường không điển hình.

Khởi đầu bệnh nhân thường có các triệu chứng giống cảm cúm như sốt nhẹ, mệt mỏi, ho, sổ mũi hoặc có triệu chứng tiêu hóa như buồn nôn, nôn.

"Khởi đầu của bệnh rất khó phân biệt được có phải nhiễm siêu vi thông thường hay không. Do đó khi có các dấu hiệu nặng như mệt, khó thở, môi tái, đau ngực, tim nhanh, rối loạn nhịp tim thì nhanh chóng đến ngay bệnh viện để được chẩn đoán và xử trí", PGS Quang nhấn mạnh.

Bác sĩ CKII Nguyễn Minh Tiến - phó giám đốc Bệnh viện Nhi đồng thành phố - cho hay biểu hiện sốt của cảm cúm thường rất cao, còn sốt của viêm cơ tim thường nhẹ nhưng kèm theo mệt, tím tái, khó thở... Đây là điểm khác biệt giữa sốt cảm cúm và sốt của viêm cơ tim, là triệu chứng gợi ý cho các bác sĩ nghĩ đến bệnh viêm cơ tim.

"Biểu hiện mệt này rất quan trọng và "đặc hiệu". Khi trẻ được nằm nghỉ thì vẫn mệt, rồi dễ ói, tức ngực, khi gắng sức thì dễ ngất... Nếu trẻ đã bị viêm cơ tim tối cấp, không được điều trị kịp thời thì nguy cơ tử vong trong vòng 24 giờ", bác sĩ Tiến cho biết.

Lý giải thời điểm gần đây ghi nhận nhiều trẻ bị viêm cơ tim nguy kịch, theo bác sĩ Tiến, vào thời điểm trước, trong và sau tết (tháng 1, 2 và 3) là lúc thời tiết chuyển nóng nhưng vẫn còn lạnh nhẹ nên dễ làm bùng phát đợt nhiễm siêu vi, trong đó có siêu vi gây viêm cơ tim.

PGS Quang cho hay bệnh viêm cơ tim thường do siêu vi gây ra (trong đó thường gặp do vi rút Coxsackie nhóm B), nên xảy ra nhiều hơn khi thời tiết hơi lạnh. Bệnh có thể gặp ở mọi lứa tuổi nhưng thường xảy ra ở trẻ lớn. Trẻ bị viêm cơ tim nhẹ thường chỉ theo dõi, điều trị triệu chứng và sẽ khỏi bệnh sau 1-2 tuần.

Tuy nhiên trẻ bị viêm cơ tim nặng sẽ được hỗ trợ hô hấp, dùng thuốc trợ tim, thuốc vận mạch duy trì chức năng tim. Nếu có rối loạn nhịp thì dùng thêm thuốc chống loạn nhịp tim, đặt máy tạo nhịp điều chỉnh tần số tim, chạy ECMO (tim phổi nhân tạo).

Kéo giảm tử vong nhờ kỹ thuật ECMO

PGS Phạm Văn Quang cho biết, hiện tỉ lệ tử vong do viêm cơ tim cấp nặng còn rất cao (khoảng 30-40%), nhất là trong trường hợp viêm cơ tim tối cấp với tỉ lệ tử vong gần 100% trước khi có kỹ thuật ECMO.

Ngày nay, với kỹ thuật ECMO, các bác sĩ có thể hy vọng cứu sống nhiều trường hợp viêm cơ tim tối cấp mà trước đây hầu hết là tử vong.

Cảnh báo nhiều trẻ mắc viêm cơ tim nguy hiểmCảnh báo nhiều trẻ mắc viêm cơ tim nguy hiểm

Bác sĩ cảnh báo thời điểm sau Tết thường xuất hiện các ca nhiễm siêu vi biến chứng viêm cơ tim trẻ lớn. Như bé gái 11 tuổi ở Bình Dương bị viêm cơ tim, sốc tim, rối loạn nhịp tim nặng, phải dùng ECMO (tim phổi nhân tạo).

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp