01/07/2019 12:35 GMT+7

Nhiều tổ chức đại diện người lao động, liệu có phức tạp?

LÊ KIÊN
LÊ KIÊN

TTO - Quy định mới của dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi) cho phép người lao động được thành lập, gia nhập tổ chức đại diện của mình, có thể ngoài hệ thống Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam.

Nhiều tổ chức đại diện người lao động, liệu có phức tạp? - Ảnh 1.

Đại diện ILO cho rằng các quy định trong dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi) của Việt Nam đã tiệm cận sự tiến bộ trong các quy định cốt lõi của các công ước quốc tế về lao động - Ảnh: LÊ KIÊN

Ngày 1-7, tại Thanh Hóa, phát biểu khai mạc Hội thảo lấy ý kiến góp ý dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi), Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội Nguyễn Thúy Anh khẳng định dự luật có nhiều nội dung quan trọng nhưng tại kỳ họp thứ 7 của Quốc hội vừa qua, do thời gian hạn chế nên rất ít ý kiến được phát biểu.

"Đây là hội thảo đầu tiên trong chuỗi hoạt động tham vấn phục vụ cho quá trình chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo luật" - bà Thúy Anh nói.

"Sức ép" các FTA thế hệ mới

Bà Andrea Prince, Cố vấn trưởng dự án của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO), cho rằng Việt Nam phải sửa đổi, bổ sung pháp luật về lao động trước hết là bởi yêu cầu thực hiện các cam kết quốc tế, đặc biệt là các Hiệp định thương mại tự do CPTPP và EVFTA mà Việt Nam vừa ký kết. Đây là các hiệp định thương mại thế hệ mới đòi hỏi cao về tiêu chuẩn lao động.

"Dự thảo luật đã có bước tiến đáng kể đáp ứng các tiêu chuẩn lao động quốc tế cốt lõi được quy định trong các công ước của ILO, có sự cải thiện rõ rệt về các quy định liên quan đến chống lao động cưỡng bức, bảo vệ quyền của người lao động" - bà Andrea nhận xét.

Đại diện ILO đặc biệt chú ý đến quy định mới trong dự luật: Người lao động có quyền được thành lập hoặc gia nhập tổ chức đại diện của người lao động theo lựa chọn tự nguyện của họ. 

Bà cũng gợi ý với ban soạn thảo và cơ quan thẩm tra nên thiết kế các điều luật quy định về quyền liên kết của các tổ chức đại diện cho người lao động với nhau; cần quy định rõ về quyền đăng ký và hoạt động của hệ thống giải quyết tranh chấp lao động để đảm bảo cơ chế này hoạt động hiệu quả.

Do đây là vấn đề mới ở Việt Nam, đại diện Bộ Lao động, thương binh và xã hội cũng cho rằng trong một doanh nghiệp có thể có nhiều tổ chức đại diện cho người lao động chứ không chỉ có duy nhất tổ chức công đoàn như hiện tại, nên không loại trừ nguy cơ tranh chấp giữa các tổ chức này.

Nhiều tổ chức đại diện người lao động, liệu có phức tạp? - Ảnh 2.

PGS.TS Nguyễn Hữu Chí đề nghị cụ thể hóa trình tự, thủ tục thành lập tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở để quy định này được hiện thực hóa - Ảnh: LÊ KIÊN

Vì sao lo ngại?

Phó chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội Bùi Sĩ Lợi khẳng định khi luật cho phép thành lập tổ chức đại diện người lao động ở cơ sở thì vị trí, vai trò của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam là tổ chức chính trị xã hội đã được ghi trong Hiến pháp là tổ chức không thể thay thế. 

"Vai trò của Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam không chỉ là đại diện cho người lao động" - ông Lợi giải thích.

Từ góc độ người nghiên cứu, PGS.TS Nguyễn Hữu Chí, Trường đại học Luật Hà Nội, cho biết vấn đề tự do công đoàn hay đại diện ngoài công đoàn không phải là chưa có quy định. 

Từ năm 2008, trong nghị định về cổ phần hóa đã có quy định nếu người lao động muốn thì có thể thành lập, trong những đơn vị chưa có công đoàn thì người lao động có thể bầu tổ chức đại diện cho mình. Tuy vậy, trong thực tế thì chưa thực hiện được.

"Việc quy định tiến bộ theo xu hướng quốc tế, trước hết là đáp ứng các cam kết, nhưng về bản chất là vì sự phát triển của đất nước vì nhu cầu nội bộ của chúng ta. EVFTA chỉ mới được ký kết thôi, tới đây còn phải phê chuẩn nữa, trong đó có việc chúng ta phải nội luật hóa và thực thi các cam kết quốc tế" - ông Chí nói.

Ông Chí thừa nhận có những ý kiến lo ngại rằng nếu cho phép thành lập tổ chức đại diện người lao động ngoài công đoàn thì có dẫn đến hình thành đa công đoàn, phức tạp về chính trị. Nhưng đây có lẽ là một lo ngại thái quá, bởi thể chế pháp lý của chúng ta đã quy định rõ là Đảng Cộng Sản Việt Nam lãnh đạo toàn diện, trong khi luật chỉ cho phép thành lập tổ chức đại diện người lao động ở cơ sở, gắn với môi trường làm việc và quan hệ lao động rất cụ thể.

Tuy vậy, ông Nguyễn Hữu Chí đề nghị các nhà lập pháp cần cụ thể hóa trình tự, thủ tục thành lập, gia nhập tổ chức công đoàn theo nguyên tắc tự nguyện của người lao động.

LÊ KIÊN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp