Để giảm tải cho học sinh, cần tăng cường các tiết học ngoại khóa, giáo dục kỹ năng sống. Trong ảnh: học sinh TP Vinh, Nghệ An trong một tiết học về phòng cháy chữa cháy - Ảnh: DOÃN HÒA |
“Cái cần giảm tải là chương trình và nội dung, chứ không phải chỉ sách giáo khoa. Chính phương pháp dạy kết hợp với nội dung sách khô cứng là điều khiến học sinh không hứng thú học. Giảm tải là để học sinh cảm thấy kiến thức học phục vụ tốt cho bản thân mình |
Ông Hoàng Đình Sơn (trưởng Phòng GD-ĐT huyện Tân Kỳ, Nghệ An) |
Ngày 24-8, Sở GD-ĐT Quảng Bình đã phổ biến đến các trường việc giáo viên không giao bài tập về nhà cho học sinh tiểu học. Thay vào đó, các trường chủ động tổ chức cho học sinh tham gia nhiều hoạt động xã hội, ngoại khóa... nhằm tăng cường giáo dục đạo đức, thể chất và kỹ năng sống cho học sinh.
Tăng sinh hoạt ngoại khóa
“Với các trường, lớp có dạy học hai buổi/ngày, hiệu trưởng chủ động xây dựng kế hoạch dạy học bảo đảm cho học sinh hoàn thành nội dung ngay tại lớp. UBND tỉnh cũng có chỉ thị nghiêm cấm dạy thêm, học thêm với học sinh đã học hai buổi/ngày”, Sở GD-ĐT Quảng Bình nhấn mạnh.
Tại Nghệ An, ông Nguyễn Trọng Hoàn - chánh văn phòng Sở GD-ĐT, cho biết ngoài nâng cao chất lượng dạy học, sở đặc biệt quan tâm đến các biện pháp giảm tải chương trình cho học sinh. Tăng các buổi sinh hoạt ngoại khóa, giáo dục kỹ năng sống, không tổ chức các kỳ thi kiến thức nặng nề, nghiêm cấm việc dạy thêm, học thêm...
“Tại một số trường tiểu học, THCS, nhà trường phát loa vào đầu giờ học hoặc ra chơi để tuyên truyền, phổ biến kiến thức ngoại khóa, an toàn giao thông cho học sinh dễ hiểu, dễ nhớ. Bên cạnh đó là việc tổ chức nhiều hoạt động ngoài giờ vừa học vừa chơi, mang tính tương tác cao giữa các nhóm học sinh, giữa thầy - trò”, ông Hoàn nêu ví dụ.
Tương tự, theo ông Nguyễn Thanh Giang - giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, từ năm học 2016-2017 ngành giáo dục tỉnh đã triển khai nhiều biện pháp nhằm giảm tải cho học sinh và giáo viên.
“Với những trường học hai buổi/ngày thì hạn chế tối đa việc giao bài tập về nhà cho học sinh. Thầy cô giáo phải đổi mới phương pháp giảng dạy để học sinh hiểu bài ngay tại lớp. Đồng thời tăng cường việc giảng dạy tích hợp, chú trọng giảm dạy kiến thức, tăng thêm dạy kỹ năng mềm. Tất cả đều nhằm mục đích cho học sinh phát triển toàn diện năng lực”, ông Giang nói.
Năm học 2017-2018, Hà Nội sẽ chú trọng việc trang bị kỹ năng sống cho học sinh về giáo dục pháp luật; ở khối THPT sẽ đưa vào chương trình chính khóa 4 tiết học về an toàn giao thông. Ngoài ra sẽ có nhiều tiết sinh hoạt chuyên đề bắt buộc về phòng chống tệ nạn ma túy, phòng chống cháy nổ... được tổ chức.
Giảm các cuộc thi nặng nề
Theo ông Nguyễn Đình Vĩnh - giám đốc Sở GD-ĐT Đà Nẵng, năm học mới này sở sẽ thực hiện giảm ít nhất 50% các cuộc thi dành cho giáo viên và học sinh, không sử dụng kết quả các cuộc thi để cộng điểm thi tuyển sinh.
“Chúng tôi sẽ giảm các cuộc thi mang tính phong trào cho học sinh, giáo viên; đồng thời có sự tính toán phù hợp để các cuộc thi diễn ra nhẹ nhàng, ngắn gọn”, ông Vĩnh cho hay.
Bà Trần Hồng Thắm - giám đốc Sở GD-ĐT Cần Thơ - cũng cho biết trong năm học mới này, với học sinh tiểu học học hai buổi/ngày, tuyệt đối không giao bài tập về nhà.
Cũng theo bà Thắm, với học sinh khối trung học, chủ yếu tập trung giảng dạy chính khóa. Bài tập về nhà thì theo hướng mở với học sinh có năng lực học tốt. Với học sinh yếu kém thì tổ chức phụ đạo vào ngày thứ hai tại trường.
Ngoài ra, theo bà Thắm, “bắt đầu từ năm học này, không đánh giá thi đua giáo viên thông qua các cuộc thi, mà thông qua quá trình thực hiện chuyên môn và đầu ra của học sinh”.
“Trong năm học mới này, trường sẽ giảm bớt các cuộc thi cho học sinh như thi tiếng Anh qua mạng, giải toán qua mạng, còn giáo viên sẽ hạn chế tham gia các cuộc thi giáo viên dạy giỏi để có thời gian tập trung dạy chuyên môn tại trường” - cô Nguyễn Thị Hoài Thu, hiệu trưởng Trường tiểu học thị trấn 1, huyện Vĩnh Thuận, Kiên Giang, cho biết.
TP.HCM: đổi mới để giảm tải Theo Sở GD-ĐT TP.HCM, năm học 2017-2018 TP sẽ đổi mới mạnh mẽ và sâu sắc ở nhiều mặt để giảm tải cho học sinh và giáo viên. Theo đó, TP sẽ tiếp tục giao quyền chủ động cho nhà trường trong việc cụ thể hóa phân phối chương trình học tập của học sinh, sao cho phù hợp với từng lớp học cụ thể; đảm bảo yêu cầu giáo dục học sinh và yêu cầu nhiệm vụ quy định trong chương trình. Sở chỉ đạo các trường phổ thông đổi mới mạnh mẽ phương pháp giảng dạy của giáo viên và phương pháp học tập của học sinh, chú trọng cập nhật và sử dụng phương pháp dạy học tích cực, dạy học tích hợp, liên môn, các hoạt động trải nghiệm, tiết học ngoài nhà trường, tổ chức dạy học các môn khoa học với hoạt động thực hành, thí nghiệm. Đặc biệt, một trong những phương pháp giảm tải hiệu quả nhất, theo Sở GD-ĐT, chính là đổi mới phương pháp kiểm tra, đánh giá năng lực của học sinh. Giáo viên sẽ đánh giá học sinh theo quá trình hoạt động, học tập và theo kết quả các em đạt được (trước đây chỉ đánh giá theo kết quả); tăng cường kiểm tra, đánh giá học sinh thông qua các hình thức thuyết trình, thực hành thí nghiệm, dụng cụ thí nghiệm tự làm, sản phẩm ứng dụng kiến thức lý thuyết chứ không chỉ kiểm tra bằng bài viết như thông thường. Với những bài kiểm tra trên lớp và kiểm tra học kỳ: sẽ tăng dần các dạng câu hỏi vận dụng, câu hỏi liên hệ với việc giải quyết vấn đề của thực tiễn cuộc sống. Sở GD-ĐT cũng khuyến khích giáo viên mở rộng nội dung đánh giá học sinh, không chỉ thông qua những hoạt động trong nhà trường mà còn có thể đánh giá học sinh ngoài nhà trường (khi các em nghiên cứu khoa học, chuẩn bị cho các tiết “dạy học theo dự án”...). |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận