Thí sinh tham dự kỳ thi THPT quốc gia 2018 - Ảnh: NHƯ HÙNG
Thêm một tỉnh bị nghi có là Hòa Bình được cơ quan điều tra xác nhận đã xảy ra gian lận. Nhìn lại bảng thống kê dữ liệu điểm thi THPT quốc gia của toàn quốc năm 2018, còn có nhiều băn khoăn nếu đặt mục tiêu cần đạt là một kỳ thi thực chất.
Băn khoăn điểm môn văn
Theo phổ điểm Bộ GD-ĐT công bố thì trong hơn 900.000 bài thi môn ngữ văn của toàn quốc, chỉ có hơn 38.600 bài thi ngữ văn đạt từ 8 điểm trở lên, đạt tỉ lệ hơn 4,2%. Một địa phương có giáo dục phát triển là TP.HCM, tỉ lệ đạt điểm từ 8 trở lên chỉ chiếm 0,70%, Hà Nội 4,78%.
Nhưng khá nhiều tỉnh khó khăn, tỉ lệ này lại vọt lên rất cao, ví dụ như tỉnh Cao Bằng cũng là nơi có số thí sinh đạt điểm 9 trở lên môn ngữ văn rất cao.
Cụ thể chỉ có 4.496 thí sinh dự thi nhưng Cao Bằng có 85 bài thi đạt điểm 9 trở lên môn ngữ văn, chiếm 1,89% (gấp 17 lần TP.HCM), tỉ lệ thí sinh đạt điểm 9 của Cao Bằng cũng vượt trội hơn Hà Nội, Nam Định.
Đồ họa: THẠCH ĐỖ
Tại Hậu Giang, số thí sinh dự thi môn ngữ văn thấp hơn TP.HCM 8,57 lần, trong khi tỉ lệ môn văn đạt điểm 9 của Hậu Giang cao hơn TP.HCM gần 18 lần.
Cụ thể, trong 8.807 thí sinh dự thi thì Hậu Giang có 89 thí sinh đạt điểm từ 9 trở lên. Trong khi đó, TP.HCM có 75.508 thí sinh dự thi nhưng chỉ có 5 điểm 9 của môn ngữ văn.
Số lượng điểm 9 trở lên của Hậu Giang cũng nhiều hơn Hà Nội 17 thí sinh (Hà Nội có 72 thí sinh đạt điểm 9), dù tổng số thí sinh của Hà Nội đông nhất cả nước với trên 78.400 thí sinh.
Một giáo viên dạy giỏi ở TP.HCM đã chia sẻ với Tuổi Trẻ: "Nhìn vào con số của TP.HCM và một số tỉnh khác, tôi thấy rất buồn. Tôi đang không biết phải giải thích thế nào với phụ huynh và với các cấp lãnh đạo thành phố nếu được hỏi về việc này.
Tôi hoang mang, không biết cứ nên theo đuổi phương pháp dạy học tôi cho là tốt, hay tìm kiếm một cách dạy thực dụng hơn để học sinh đỡ bị thiệt".
Nhiều "điểm sáng" bất ngờ
Đồ họa: THẠCH ĐỖ
Trên nền điểm thi cả nước thấp, thì điểm toán, lý, hóa, tiếng Anh đạt 8 - 9 cao hơn hẳn ở một số tỉnh cũng là yếu tố thu hút sự quan tâm của dư luận.
Đơn cử như tỉ lệ thí sinh đạt điểm 8 trở lên môn toán ở Hà Nội chỉ có 2,33%, đạt từ 9 trở lên là 0,11%. TP.HCM 8 điểm là 1,27% và 9 điểm là 0,04%, thì có những nơi như Bắc Ninh số bài điểm 8 trở lên đạt 2,63%, điểm 9 đạt 0,09%.
Tỉnh Bắc Ninh có tỉ lệ điểm bài thi từ 8 trở lên khá cao ở nhiều môn. Cụ thể: hóa học 6,04% (Hà Nội 3,96%, TP.HCM 2,18%), vật lý 6,53% (Hà Nội 4,99%, TP.HCM 2,07%).
Thái Bình có tỉ lệ điểm 8 môn toán là 2,32% (vượt TP.HCM, xấp xỉ Hà Nội), hóa học là 5,89%, vật lý 5,35% (vượt Hà Nội, TP.HCM).
Tỉ lệ điểm 8 trở lên môn hóa học của Bắc Giang là 4,26%, cũng cao hơn Hà Nội, TP.HCM, Nam Định. Tương tự, tỉ lệ điểm 8 trở lên môn vật lý là 4,04%, cao gấp đôi TP.HCM.
Ngoài các tỉnh trên, Điện Biên cũng nằm trong số "vượt trội" này, khi tỉ lệ điểm 9 trở lên môn toán là 0,13% (Hà Nội 0,11%, TP.HCM 0,04%, Nam Định 0,07%).
Hay Lai Châu tỉ lệ điểm 9 trở lên với môn toán là 0,09% (hơn TP.HCM và Nam Định), với môn vật lý đạt 0,45% (hơn Hà Nội, TP.HCM và Nam Định).
Đồ họa: THẠCH ĐỖ
Cần có sự vào cuộc
Không phải cứ điểm cao là có tiêu cực. Tuy nhiên, ở khía cạnh cơ quan quản lý nhà nước là Bộ GD-ĐT, cần phải có các động thái kiểm soát.
Các địa phương có điểm cao đột biến (so với mặt bằng chung, so với chính địa phương mình các năm trước, so với chất lượng giáo dục tại địa phương) thì cần có giải thích thuyết phục cho con số đột biến để chứng minh cho tính thực chất, nghiêm túc của kết quả thi.
Sau sự việc xảy ra tại Hà Giang, Sơn La, ông Nguyễn Hữu Độ (thứ trưởng Bộ GD-ĐT) khẳng định nếu kết quả rà soát có bất thường thì Bộ GD-ĐT sẽ kiên quyết chỉ đạo xử lý, không có vùng cấm trong việc này.
Trao đổi với Tuổi Trẻ về hiện tượng có nhiều bài thi điểm cao, nhất là ở khối toán, văn, sử dự tuyển vào các trường công an, ông Vũ Văn Dương - giám đốc Sở GD-ĐT Cao Bằng - cho biết: "Sở đã rà soát ở tất cả các khâu coi thi, chấm thi tự luận, chấm thi trắc nghiệm. Đặc biệt là đã rút các bài thi điểm cao để kiểm tra thì thấy điểm bài thi và điểm trên biểu điểm trùng khớp, không có sai lệch hay dấu hiệu bất thường".
Mặc dù Bộ GD-ĐT cho rằng cần phải tin vào trách nhiệm của địa phương trong việc "tự rà soát", nhưng theo nhiều chuyên gia giáo dục, với các tỉnh có điểm cao bất thường so với mặt bằng chung cả nước và so với điều kiện dạy học, chất lượng giáo dục tại địa phương thì rất cần có sự vào cuộc của bộ chứ không nên để các tỉnh "tự rà soát".
Hòa Bình họp xem xét trách nhiệm giám đốc Sở GD-ĐT
Theo nguồn tin riêng của Tuổi Trẻ, liên quan đến sự cố gian lận thi cử kỳ thi THPT quốc gia 2018 tại tỉnh Hòa Bình, ngày 6-8 Ban cán sự Đảng UBND tỉnh này đã có cuộc họp xem xét trách nhiệm đối với ông Bùi Trọng Đắc, giám đốc Sở GD-ĐT.
Xác nhận với Tuổi Trẻ, một lãnh đạo UBND tỉnh cho biết cùng ngày thường trực Tỉnh ủy giao Ban cán sự Đảng UBND tỉnh xem xét có tạm đình chỉ công tác đối với giám đốc sở hay không. Tuy nhiên sau khi họp, Ban cán sự Đảng UBND tỉnh đề xuất chưa tạm đình chỉ công tác đối với ông Đắc.
Đối với các lãnh đạo khác của sở, tỉnh Hòa Bình chưa xem xét. Lãnh đạo UBND tỉnh Hòa Bình giải thích việc họp xem xét trách nhiệm của giám đốc sở là do ông Đắc là người đứng đầu ngành giáo dục và đào tạo của tỉnh, chủ tịch hội đồng thi.
"Hiện ông Đắc vẫn công tác bình thường, cuộc họp của Ban cán sự Đảng UBND tỉnh đề xuất chưa tạm đình chỉ công tác và sẽ báo cáo thường trực Tỉnh ủy như thế", vị lãnh đạo này nói.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận