Buổi giao lưu và trao giải Cảm hứng SEA Games 32 đã diễn ra trang trọng và ý nghĩa tại sân khấu Lê Lợi (quận 1, TP.HCM).
Nhà báo Cao Huy Thọ chia sẻ: "Báo Tuổi Trẻ luôn đi tìm những câu chuyện nhân văn, bám lấy yếu tố con người làm kim chỉ nam. Đó chính là giá trị mà báo Tuổi Trẻ muốn tôn vinh, thông qua chương trình Cảm hứng SEA Games 32 phối hợp cùng Herbalife Việt Nam tổ chức".
Với tiêu chí đó, sau hơn ba tuần tranh tài sôi động, báo Tuổi Trẻ đã ghi nhận hơn 20 gương mặt VĐV tiêu biểu. Theo kết quả từ cuộc bình chọn của ban giám khảo cũng như lượt like các bài viết của độc giả, chiến thắng đã thuộc về ba vận động viên: Trần Mai Ngọc (bóng bàn), Nguyễn Thị Oanh (điền kinh) và vận động viên nước chủ nhà Bou Samnang (điền kinh).
Nhiều điều lắng đọng từ SEA Games 32
Phó tổng biên tập báo Tuổi Trẻ Trần Xuân Toàn chia sẻ tại buổi giao lưu và trao giải Cảm hứng SEA Games 32: "SEA Games 32 đã kết thúc nhưng tôi tin vẫn còn những điều lắng đọng, truyền cảm hứng cho mọi người như câu chuyện của Bou Samnang không bỏ cuộc, hay Nguyễn Thị Oanh đi vào lịch sử điền kinh, VĐV Trần Mai Ngọc vượt qua nghịch cảnh khó khăn để chiến thắng.
Báo Tuổi Trẻ là cơ quan truyền thông luôn muốn lan tỏa cái đẹp, góp ý những điều không tốt. Và thể thao là lĩnh vực có nhiều thứ dễ đi vào lòng người nhất. Đó là lý do chúng tôi tổ chức chương trình Cảm hứng SEA Games 32. Thông qua chương trình, chúng tôi cũng muốn gắn kết bạn đọc trong nước và quốc tế".
Trần Mai Ngọc ước có mẹ trong mọi khoảnh khắc vinh quang
Tại buổi giao lưu, câu chuyện Mai Ngọc đã khiến nhiều người phải rơi nước mắt. Đó là khi HLV Vũ Mạnh Cường kể những ngày đầu tiên cô phải ra Hà Nội để gia nhập CLB Hà Nội T&T lúc mới 8 tuổi. Đó là những lần khóc nhớ nhà, nhớ ba mẹ ở Bình Dương.
Và một chi tiết mà người hâm mộ phát hiện cũng vô cùng xúc động là Mai Ngọc đã mất… giọng miền Nam. Do Ngọc tập luyện suốt tại Hà Nội từ khi mới 8 tuổi, Ngọc (là người Bình Dương) nhưng đã mất giọng Nam của mình.
Trần Mai Ngọc chia sẻ thêm: "Ước mơ lớn nhất của tôi là có mẹ bên cạnh trong những khoảnh khắc vinh quang. Những ngày đầu xa mẹ lúc 8 tuổi thì tôi chỉ muốn về nhà. Bây giờ, mỗi năm tôi mới gặp mẹ một lần. Mỗi lần về nhà, tôi luôn đấm lưng cho mẹ vì mẹ làm công nhân may, mỗi ngày phải ngồi hơn 10 tiếng đồng hồ nên thường đau lưng".
Ngoài ra, Mai Ngọc cũng tiết lộ mình còn người em song sinh đánh bóng bàn rất giỏi là Ngọc Ngà. Hai chị em song sinh, một người thuận tay trái (Mai Ngọc), một người thuận tay phải (Ngọc Ngà) từng đứng cặp vô địch nhiều giải đấu trong nước. Thế nhưng, Ngọc Ngà bỗng mất đam mê với bóng bàn nên nghỉ ngang.
Sau khi MC của chương trình thuyết phục, mẹ Mai Ngọc cho biết sẽ ủng hộ Ngọc Ngà trở lại thi đấu (nếu cô muốn) để có được vinh quang như chị mình.
Bou Samnang: "Tôi hạnh phúc vì được tiếp đón nồng nhiệt tại TP.HCM"
Phần giao lưu của hai VĐV Nguyễn Thị Oanh và Bou Samnang (Campuchia) cũng diễn ra với nhiều điều thú vị. Trong đó, cô gái Campuchia nói: "Tôi rất hạnh phúc và hào hứng khi được tiếp đón nồng nhiệt. Tôi ngạc nhiên khi thấy TP.HCM là thành phố hiện đại nhưng vẫn giữ lại được những nét cổ kính".
Đặc biệt, khá nhiều khán giả Campuchia đã tham gia chương trình và đặt câu hỏi vì sao cô lại chọn điền kinh mà không phải môn thể thao khác. Bou Samnang nói: "Tôi chọn điền kinh vì đất nước Campuchia vẫn còn thiếu tài nguyên để phát triển môn này. Đây cũng là cơ hội cho tôi đại diện đất nước đi thi đấu".
Đáp lại câu hỏi về ước mơ tương lai từ bạn đọc Tạ Tư Vũ - tác giả bài 'Cảm ơn Bou Samnang', Bou Samnang nói: "Tôi rất cảm ơn khi mình là nguồn cảm hứng cho mọi người. Tôi gặp rất nhiều khó khăn trong tập luyện vì vấn đề sức khỏe. Tôi muốn vẽ nên giấc mơ là VĐV điền kinh của Campuchia và có thể giành huy chương. Mặc dù tôi vẽ giấc mơ thế nào thì bản thân vẫn sẽ kiên trì với câu châm ngôn: Có thể chậm nhưng phải bước tiếp, bước đến cùng vì vinh quang ở cuối đường.
Tôi luôn ước mơ mang về vinh quang cho người dân, đất nước Campuchia. Câu chuyện của tôi mang ý nghĩa dù khó khăn thế nào vẫn phải vượt qua, thành quả đang chờ mình phía trước".
Đặc biệt, Nguyễn Thị Oanh đã hỏi Bou Samnang có dự định gì cho tương lai. Bou Samnang nói: "Tôi đã nhận được học bổng ngành luật. Tuy nhiên, tôi vẫn muốn làm VĐV điền kinh và mang vinh quang về cho Tổ quốc".
Phó tổng cục trưởng Tổng cục Thể dục thể thao Lê Thị Hoàng Yến: "Trước hết, tôi xin chia vui cùng các độc giả báo Tuổi Trẻ đã đoạt giải cuộc thi "SEA Games trong mắt tôi". Với chương trình Cảm hứng SEA Games 32, ba VĐV nữ đoạt giải rất xứng đáng. Các cô gái đều thể hiện được ý chí, nỗ lực trong tập luyện, thi đấu. Các bạn để lại hình ảnh rất đẹp. Dù khó khăn như thế nào chúng ta cũng sẽ vượt qua nếu cố gắng hết khả năng và đưa tinh thần thể thao chạm đến trái tim khán giả.
Thay mặt Tổng cục Thể dục thể thao, tôi xin cảm ơn báo Tuổi Trẻ đã nâng đỡ, trân trọng các VĐV, ghi nhận những đóng góp, cống hiến của họ. Tôi cũng xin cảm ơn các đơn vị tài trợ đã đồng hành với thể thao Việt Nam".
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận