Hàng ngàn học sinh dự Ngày hội tư vấn tuyển sinh - hướng nghiệp 2021 thực hiện nghiêm túc quy định của ban tổ chức về phòng chống dịch COVID-19 - Ảnh: DUYÊN PHAN
"Thời 4.0 đã có nhiều thông tin trên Internet, nhưng chúng em vẫn muốn đi dự ngày hội vì tại đây có rất nhiều trường ĐH, CĐ, là cơ hội tốt để chúng em trực tiếp tìm hiểu. Ngoài ra, em có thể nêu câu hỏi và được các chuyên gia giải đáp ngay".
"Ngày hội góp phần đưa thông tin đến với từng học sinh, giúp các em yên tâm bước vào kỳ thi cuối cùng của đời học sinh, đồng thời mở ra cánh cửa tương lai.
PGS.TS Hoàng Minh Sơn (thứ trưởng Bộ GD-ĐT)
Đó là chia sẻ của Ý Vy, học sinh Trường THPT Cần Thạnh, huyện Cần Giờ (TP.HCM), về lý do em đến dự Ngày hội tư vấn tuyển sinh - hướng nghiệp 2021.
Không chỉ riêng Ý Vy, hàng ngàn phụ huynh, học sinh đã có mặt tại ngày hội từ sớm, sẵn sàng cho một ngày đầy ắp thông tin, hoạt động, sự kiện.
Ngày hội do báo Tuổi Trẻ, Vụ Giáo dục đại học (Bộ Giáo dục và Đào tạo), Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội) phối hợp tổ chức với sự đồng hành của Tập đoàn Vingroup. Theo ước tính của ban tổ chức, ngày hội đã thu hút hơn 12.000 học sinh, giáo viên, phụ huynh đến tham dự.
Thiết thực, bổ ích
Phát biểu tại lễ khai mạc, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Hoàng Minh Sơn cho biết ngày hội diễn ra đúng thời điểm thí sinh cả nước bắt đầu tìm hiểu thông tin chuẩn bị cho kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021 và xét tuyển ĐH, CĐ.
"Đây là hoạt động thiết thực, cung cấp cho các em học sinh có thông tin về trường, ngành nghề đào tạo, về thi tốt nghiệp THPT và xét tuyển ĐH, CĐ, giúp các em có thêm thông tin để lựa chọn đúng đắn, định hướng tương lai của mình" - ông Sơn nói.
TS Phạm Vũ Quốc Bình - phó tổng cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (Bộ Lao động, Thương binh và Xã hôi) - nhắn nhủ các em học sinh rằng hiện nay công nghệ thay đổi rất nhanh, tác động đến tất cả lĩnh vực, trong đó có lĩnh vực giáo dục.
"Vì vậy, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đã chỉ đạo Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp phát triển hệ thống giáo dục nghề nghiệp mở, linh hoạt nhằm tạo điều kiện tất cả người dân được học tập suốt đời, gắn với thị trường lao động. Việc tuyển sinh cởi mở, nhiều đợt trong năm. Chương trình đào tạo được thiết kế đa dạng sơ cấp, trung cấp, cao đẳng và liên thông, tạo cơ hội cho sinh viên có thể liên thông lên đại học" - ông Bình cho hay.
Thầy Trần Duy Thái, giáo viên Trường THPT Gò Công Đông, Tiền Giang, bộc bạch: "Tôi làm giáo viên chủ nhiệm lớp 12 nhiều năm liền và cũng đã có thâm niên nhiều năm đồng hành cùng với học sinh trong quá trình đi dự Ngày hội tư vấn tuyển sinh - hướng nghiệp do báo Tuổi Trẻ tổ chức.
Nhận thấy chương trình này rất thiết thực đối với học sinh khi các em đang đứng trước ngưỡng cửa chọn ngành, chọn nghề, vài năm gần đây trường chúng tôi không chỉ cho học sinh khối 12 mà còn cho cả học sinh khối 11 đi nghe tư vấn".
Không chỉ trường của thầy Thái mà nhiều trường THPT ở các tỉnh Tiền Giang, Long An, Bến Tre, Tây Ninh... cũng thuê xe đưa học sinh về dự hội. Từ 4h sáng, các em đã sẵn sàng trên xe để khởi hành và khi trời còn mờ hơi sương các em đã có mặt tại ngày hội.
Còn tại TP.HCM, không chỉ có các trường THPT tư thục mà nhiều trường THPT công lập cũng thuê xe cho học sinh trực tiếp đi tư vấn, như Trường THPT Tam Phú, Trường THPT Đào Sơn Tây (thành phố Thủ Đức), Trường THPT Cần Thạnh (huyện Cần Giờ)...
Mẹ cũng cần được tư vấn
Bà Nguyễn Thúy Hà, nhà ở quận Bình Thạnh (TP.HCM), cùng với con là những người có mặt sớm nhất tại ngày hội. Bà Hà giãi bày: "Cả gia đình lớn và gia đình nhỏ của tôi đều theo nghề kinh doanh. Vợ chồng tôi có mỗi đứa con, cháu lại là đích tôn nên ông bà nội cũng muốn cháu theo ngành quản trị kinh doanh để sau này tiếp quản công ty của gia đình. Vậy mà cháu không nghe, cháu bảo chỉ thích theo ngành thiết kế thời trang".
T., con bà Hà, cho biết em là học sinh giỏi tại một trường THPT có điểm đầu vào cao nhất quận Bình Thạnh, TP.HCM: "Em không muốn đưa tên mình lên báo nhưng em mong các phương tiện truyền thông hãy phản ánh thật nhiều các trường hợp phụ huynh ép con cái phải theo nghề truyền thống của gia đình hoặc theo nghề mà phụ huynh yêu thích. Chúng em đã 18 tuổi, đã có ý thức về tương lai, hãy để chúng em được quyền quyết định cuộc đời mình".
T. tâm sự thời gian qua giữa em và ba mẹ, ông bà nội rất căng thẳng với nhau vì chuyện chọn nghề. "Ngày hội tư vấn tuyển sinh - hướng nghiệp 2021 của báo Tuổi Trẻ như một cái phao giúp em khẳng định với gia đình là em đã quyết định đúng. Em đã rủ mẹ cùng tham dự ngày hội. Hai mẹ con đã đi tư vấn tại 3 trường ĐH cả công lập và tư thục có đào tạo ngành thiết kế thời trang và họ đều khẳng định em có đủ tố chất cũng như năng lực để học ngành này, cộng với việc em đã có sẵn niềm đam mê nữa là rất thuận lợi. Em hi vọng sau hôm nay gia đình sẽ ủng hộ em".
Ngày hội không thiếu những hình ảnh cha mẹ cùng con đi tư vấn để chọn ngành, nghề nhưng cũng có những học sinh tự đi một mình và đi đến 2 lần.
"Năm trước khi đang học lớp 11 em đã tham dự ngày hội này, cũng ở sân Trường ĐH Bách khoa. Lúc ấy, em chưa có dự tính gì cho tương lai nhưng những thông tin của ngày hội đã giúp em định hướng về khối thi. Năm nay, em quay lại ngày hội một lần nữa để khẳng định sự chọn lựa ngành công nghiệp thực phẩm là đúng với sở thích và khả năng của bản thân. Em đã 18 tuổi, sắp làm người trưởng thành rồi, riêng việc chọn lựa nghề nghiệp thì không được sai lầm" - Huỳnh Ngọc Lập, học sinh lớp 12 Trường THPT Chợ Gạo (Tiền Giang), chia sẻ.
Tìm hiểu thông tin trước khi dự ngày hội
Tại gian tư vấn của Trường ĐH Quốc tế (ĐH Quốc gia TP.HCM), rất nhiều phụ huynh, học sinh vây quanh GS.TS Võ Văn Tới - nguyên trưởng bộ môn kỹ thuật y sinh của nhà trường.
Ông Tới nhận định: "Đã nhiều năm đi tư vấn tại ngày hội của báo Tuổi Trẻ nhưng riêng năm nay tôi thấy rất vui vì nhận thấy có nhiều điểm mới rất tích cực. Đa số các em học sinh đều có tìm hiểu trước thông tin trên mạng, khi gặp tôi các em hỏi những câu rất sâu sát và tập trung, thiết thực chứ không lan man. Điều mà các em quan tâm không còn là thu nhập cao hay thấp mà chương trình đào tạo cụ thể ra sao, các em cần phải có những năng lực gì để đáp ứng, công việc sau này có thực sự làm cho các em thích thú hay không...".
Có phải giải quốc tế nào cũng được tuyển thẳng đại học?
Trường ĐH Kinh tế - tài chính với những màn biểu diễn võ thuật thu hút đông đảo học sinh theo dõi - Ảnh: DUYÊN PHAN
Tại khu vực tư vấn nhóm ngành khoa học tự nhiên, kỹ thuật, một học sinh băn khoăn mình đoạt giải quốc tế chỉ được Sở Giáo dục và Đào tạo TP.HCM công nhận thì có được tuyển thẳng ĐH hay không?
Giải đáp thắc mắc này, ông Nguyễn Mạnh Hùng - chuyên viên chính Vụ Giáo dục ĐH, Bộ Giáo dục và Đào tạo - cho biết quy chế quy định thí sinh đoạt giải quốc tế được tuyển thẳng hoặc ưu tiên xét tuyển. Tuy nhiên phải xem lại quốc tế thế nào, có nằm trong quy định hay không, tầm quốc tế thế nào. Thời gian qua cũng có rất nhiều thí sinh hỏi về vấn đề này. Bộ GD-ĐT sẽ sớm công bố danh sách tất cả kỳ thi quốc tế được công nhận tuyển thẳng để thí sinh biết.
"Nếu sở công nhận thì bộ có thể xem xét để đưa vào diện tuyển thẳng. Hiện có nhiều địa phương phối hợp với một số nước tổ chức các kỳ thi cũng gọi là quốc tế nhưng tầm và quy mô như vậy thì nhỏ, chưa nằm trong quy định tuyển thẳng" - ông Hùng nói thêm.
Nhiều phương thức xét tuyển
Theo TS Lê Thị Thanh Mai - trưởng ban công tác sinh viên ĐHQG TP.HCM - năm 2021 các trường ĐH sử dụng nhiều phương thức khác nhau để xét tuyển, trong đó có khoảng 72% trường ĐH, học viện sử dụng kết quả thi tốt nghiệp để xét tốt nghiệp để xét tuyển ĐH. Với phương thức học bạ, khoảng 50% trường ĐH có xét tuyển theo phương thức này. Điểm kỳ thi đánh giá năng lực do ĐHQG TP.HCM tổ chức có khoảng 30% trường ĐH sử dụng để xét tuyển.
"Nhiều phương thức xét tuyển thì thí sinh có thêm nhiều lựa chọn phù hợp với bản thân. Tuy nhiên, có một điểm cần lưu ý là chọn phương thức xét tuyển phù hợp với bản thân, chứ không phải chọn để vào ĐH bằng mọi cách" - bà Mai tư vấn thêm.
Được điều chỉnh nguyện vọng nhiều lần
Theo ông Nguyễn Mạnh Hùng, kỳ thi THPT quốc gia 2021 cơ bản vẫn như các kỳ thi trước. Thí sinh đăng ký tối thiểu 4 môn, bài thi để xét tốt nghiệp và xét tuyển ĐH, CĐ. Việc tổ chức thi, thanh tra thi vẫn như năm trước.
Một điểm mới đáng chú ý trong kỳ thi năm nay là việc điều chỉnh nguyện vọng đăng ký xét tuyển. Sau khi có kết quả thi THPT quốc gia, dự kiến thí sinh được điều chỉnh nguyện vọng một số lần chứ không chỉ một lần như các năm trước.
Thí sinh có thể đăng ký nhiều nguyện vọng, điều chỉnh nguyện vọng. Tất cả nguyện vọng được xét tuyển bình đẳng như nhau trong cùng một ngành, căn cứ vào điểm thi, chứ không phải thứ tự nguyện vọng.
Tuy nhiên, một số trường có nhiều thí sinh cùng điểm ở cuối cùng danh sách thì trường có thể ưu tiên thí sinh có nguyện vọng cao hơn. Nhưng việc này ít khi xảy ra vì điểm thi được làm tròn đến 2 chữ số thập phân và một số tiêu chí khác của trường đã loại bớt thí sinh cùng điểm.
Cần đam mê
Nhiều thí sinh ngoài việc hỏi về ngành nghề còn lo lắng về cơ hội nghề nghiệp sau khi ra trường. Chia sẻ về vấn đề này, TS Bùi Hoài Thắng - trưởng phòng đào tạo Trường ĐH Bách khoa (ĐHQG TP.HCM) - tư vấn: Trước hết thí sinh cần xác định ngành nghề nào mình yêu thích, phù hợp với năng lực, thế mạnh của mình và cân nhắc xem mình có đủ đam mê để học ĐH hay không. Nếu không đủ đam mê sẽ khó ra trường, nói gì đến việc làm. "Nếu cảm thấy mình không đủ đam mê, thí sinh nên chọn các bậc học thấp hơn hoặc học nghề" - ông Thắng nói thêm.
Không nên "Em nghe nói..."
TS Phạm Như Nghệ - phó vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH, Bộ GD-ĐT (phải) và PGS.TS Nguyễn Khắc Quốc Bảo - trưởng phòng đào tạo Trường ĐH Kinh tế TP.HCM - tư vấn cho học sinh tại ngày hội Ảnh: TRẦN HUỲNH
Trò chuyện với các học sinh tại ngày hội, PGS.TS Nguyễn Khắc Quốc Bảo - trưởng phòng đào tạo Trường ĐH Kinh tế TP.HCM - kể khi tham gia nhiều ngày hội tư vấn, ông thường nghe không ít học sinh mở đầu câu hỏi của mình bằng: "Em nghe nói là...", "Mọi người nói là...", "Em nghe đồn rằng...", như vậy là không nên bởi trước hết phải tìm hiểu từ các nguồn thông tin chính thống. Chẳng hạn, Ngày hội tư vấn tuyển sinh - hướng nghiệp là một trong những kênh chính thống để học sinh gặp các thầy cô, đại diện của các trường để có những thông tin chuẩn xác.
PGS.TS Quốc Bảo chia sẻ sự thay đổi trong thời gian tới là tất yếu, vì vậy nếu chạy theo ngành "hot", lương cao, nhiều việc ở hiện tại thì khi ra trường xu thế đã có thể thay đổi. "Quan trọng là các em cần học tốt, trang bị kiến thức, kỹ năng ngoại ngữ và một thái độ linh hoạt, phù hợp với sự chuyển đổi nhanh của nền kinh tế, đặc biệt là quá trình chuyển đổi mạnh mẽ gần đây. Như thế sẽ an toàn hơn việc xem ngành nào đang thất nghiệp ít để nộp hồ sơ vào" - ông Bảo nói.
Phải công khai tỉ lệ sinh viên ra trường có việc làm
Theo ông Phạm Như Nghệ - phó vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học (Bộ Giáo dục và Đào tạo), không có quốc gia nào mà sinh viên ra trường là có việc làm ngay 100%. Ở Việt Nam, nếu so sánh tỉ lệ thất nghiệp với các nước khác trên thế giới sẽ thấy thấp hơn nhiều. Ông Nghệ cho rằng thất nghiệp hay không phụ thuộc vào nhiều yếu tố, trong đó đầu tiên là ở chính các sinh viên, sau đó mới đến thị trường lao động.
"Hiện tại, Bộ Giáo dục và Đào tạo yêu cầu các trường công khai tỉ lệ sinh viên tốt nghiệp ra trường có việc làm trong đề án tuyển sinh của mình. Đây là kênh tham khảo thêm cho các em khi chọn ngành, chọn trường" - ông Nghệ nói.
"Nam tiến" tư vấn tuyển sinh
Ngày hội tư vấn tuyển sinh - hướng nghiệp năm 2021 diễn ra tại TP.HCM năm nay thu hút một số trường học phía Bắc "hành quân" vào Nam tham dự. Điển hình như Khoa quốc tế (ĐH Quốc gia Hà Nội), năm nay là lần đầu tiên sau gần 10 năm trở lại với ngày hội ở TP.HCM. Tại khu vực gian hàng của khoa, rất đông học sinh từ TP.HCM và các tỉnh lân cận đến gửi nhiều thắc mắc tới các thầy cô.
TS Nguyễn Trung Hiển - trưởng phòng công tác sinh viên Khoa quốc tế (ĐH Quốc gia Hà Nội) - chia sẻ việc tham gia ngày hội lần này nằm trong kế hoạch của khoa, giúp tiếp cận với nhiều học sinh miền Nam hơn. Ngoài ra, đây là dịp để mở rộng kết nối, trao đổi kinh nghiệm và tìm kiếm cơ hội hợp tác với các trường ĐH phía Nam. Thông qua đó, các trường ở Hà Nội và TP.HCM có thể cho ra một số chương trình liên kết, trao đổi tín chỉ để có thêm nhiều lựa chọn cho học sinh.
Tìm cơ hội du học
Nguyễn Lê Hoàng Thúc trò chuyện cùng đại diện ĐH Bangkok tại ngày hội - Ảnh: H.THI
Tại ngày hội, bạn Nguyễn Lê Hoàng Thúc - học sinh Trường quốc tế Việt Úc (TP.HCM) - cùng mẹ dạo quanh nhiều gian hàng tư vấn tìm kiếm thông tin về những chương trình du học trực tiếp cũng như du học bán phần. Năm nay, nhiều trường ĐH quốc tế như ĐH Western Sydney (Úc), ĐH Leeds Trinity (Anh), ĐH Bangkok (Thái Lan)... xuất hiện tại ngày hội với các gian độc lập hoặc đi cùng với các đối tác ở Việt Nam.
Hoàng Thúc chia sẻ nhờ ngày hội, mình có dịp đến tìm hiểu thông tin ở nhiều trường khác nhau, đặc biệt trong tình hình dịch COVID-19 năm 2021. Hiện tại, Thúc đang cân nhắc các chương trình về kinh doanh và thương mại quốc tế. "Thông qua ngày hội, mình đã có một số định hướng để tìm hiểu sâu hơn trong thời gian tới" - Thúc nói.
TRỌNG NHÂN
Ông Lê Khắc Hiệp (phó chủ tịch Tập đoàn Vingroup):
Giá trị xã hội và sức ảnh hưởng lớn
Ông Lê Khắc Hiệp
Tham dự Ngày hội tư vấn tuyển sinh - hướng nghiệp của báo Tuổi Trẻ, tôi rất vui mừng khi chứng kiến hàng ngàn học sinh, phụ huynh từ nhiều tỉnh thành đến tham dự các hoạt động sôi nổi và hữu ích. Chương trình đã, đang và sẽ giúp hàng ngàn bạn trẻ tìm được định hướng đúng đắn cho tương lai.
Với ý nghĩa to lớn này cùng sự đổi mới không ngừng về hình thức, cập nhật xu hướng của báo Tuổi Trẻ, chúng tôi tin tưởng rằng đây là hoạt động có giá trị xã hội và sức ảnh hưởng rất lớn, đặc biệt là đối với thế hệ trẻ. Đây cũng chính là mục tiêu quan trọng hàng đầu trong các hoạt động đồng hành của Tập đoàn Vingroup.
TRẦN HUỲNH ghi
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận