Nhóm người trẻ ngồi uống bia, chơi bóng cười và chuyền tay nhau một "điếu thuốc tự vấn" tại phố Bùi Viện, Q.1, TP.HCM - Ảnh: T.T.D.
Thời điểm đầu một năm học gần đây, có học sinh vừa học xong lớp 5 ở TP.HCM nhảy lầu tự tử sau khi vào năm học mới 2 ngày. Lý do là ba mẹ cháu muốn cháu vào học lớp 6 ở một trường học chất lượng cao của thành phố, còn cháu thì muốn học trường gần nhà cùng các bạn. Trước khi tự tử, cháu viết trong cuốn vở học sinh: "Con đã thưa với bố mẹ nhiều lần là con muốn học chung với các bạn con".
Thanh thiếu niên có vấn đề sức khỏe tăng
"Rất đơn giản, tôi thấy cha mẹ quan tâm đến con nhưng quan tâm theo kiểu học cho cha mẹ, phải học trường điểm, không phải học cho đứa bé"- cán bộ của Sở Lao động - thương binh và xã hội TP.HCM tham gia cuộc khảo sát do UNICEF tổ chức cho biết. Báo cáo vừa được công bố tháng 10 vừa qua.
Điều đáng lo ngại, theo báo cáo này, ước tính có đến 3 triệu thanh thiếu niên VN có vấn đề sức khỏe tâm thần. Theo bác sĩ Nguyễn Hữu Chiến - phó giám đốc Bệnh viện Tâm thần T.Ư 1, mặc dù chưa có khảo sát nào trên diện rộng, nhưng qua thăm khám hằng ngày cho thấy số lượng thanh thiếu niên có vấn đề sức khỏe tâm thần gia tăng, trong đó có các trường hợp rối loạn hành vi (như trộm cắp, nghiện hút, trầm cảm lo âu, đi lang thang), nghiện chất kích thích, đặc biệt ma túy đá, rối loạn sức khỏe tâm thần học đường do sức ép học tập…
Nhiều kiểu rối loạn
Nam học sinh lớp 10 ở Thanh Hóa vào điều trị tại Viện sức khỏe tâm thần, Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) trong tình trạng rất khó đánh giá bệnh lý. Cậu học sinh nói năng lưu loát, mặt luôn vui vẻ. Điều bất thường chỉ là khi bày tỏ ước mơ, nam sinh này nói sau này sẽ trở thành ca sĩ nổi tiếng và cho biết em rất thích hát. Tuy nhiên theo bác sĩ, nam sinh này hát không hay nhưng mang chứng hoang tưởng khiến em nghĩ mình hát hay và luôn có những hành vi bất thường xung quanh giọng hát của mình. Gia đình đành đưa em vào Viện sức khỏe tâm thần.
Đây chỉ là một trong những bạn trẻ có vấn đề về sức khỏe tâm thần. Thực tế đang có rất nhiều trường hợp như vậy nhưng gia đình có thể không nhận ra và không kịp thời điều trị tâm lý cho con. Các biểu hiện bất thường có thể là thoáng qua và không dễ nhận biết như hay cáu kỉnh, khó hòa nhập, trò chuyện khi tham gia vào môi trường nhiều người lạ, tính cách yếu đuối, có khi làm tự thương bản thân… Rất nhiều bậc cha mẹ có con có những hành vi bất thường trong thời gian dài nhưng không nhận ra, hoặc cho rằng đó là do con mình có… "cá tính".
Theo khảo sát vừa được UNICEF công bố, ước tính số thanh thiếu niên cần dịch vụ chăm sóc và điều trị về sức khỏe tâm thần lên tới 12%, tương đương khoảng 3 triệu em. Theo các tác giả, khảo sát này được thực hiện trên mẫu đại diện quốc gia của 10/63 tỉnh thành. Các dấu hiệu bệnh lý phổ biến nhất là lo âu, thấy buồn về cuộc sống, thiếu tự tin, trầm cảm, có ý định tự tử và tự tử… Các khảo sát kéo dài từ năm 2003 đến nay cho thấy tỉ lệ thanh thiếu niên được hỏi và cho biết từng có ý định tự tử lên tới 3,4 - 6,1%.
Bao bọc quá, trẻ có thể bị rối loạn
Nhóm nghiên cứu cho rằng ngược đãi trẻ em là một trong những căn nguyên dẫn đến vấn đề sức khỏe tâm thần. Khảo sát cho thấy xấp xỉ 80% trẻ 2-14 tuổi từng bị bạo hành, trong khi bạo hành có mối liên quan với tình trạng lo âu, trầm cảm, buồn bã ở thanh thiếu niên.
Nghiên cứu cũng cho rằng các trừng phạt hà khắc hay xảy ra ở nông thôn, gia đình học vấn thấp hoặc ở vùng dân tộc, nhưng cũng đã có những trường hợp cha/mẹ đẻ có học vấn cao, việc làm tốt cũng bạo hành trẻ hà khắc (năm 2017 có người cha đẻ từng dạy lái xe trên truyền hình đánh con trai bị sẹo ở đầu và toàn thân, tổn hại nghiêm trọng về sức khỏe).
Qua khảo sát các lý do dẫn đến tình trạng tự tử ở trẻ em, nhóm nghiên cứu đánh giá có năm nhóm nguyên nhân cơ bản như: vấn đề liên quan đến trường học, vấn đề gia đình, thất bại trong chuyện tình cảm, do áp lực vì được/bị kỳ vọng và không muốn chia sẻ cảm xúc. Cha mẹ không hiểu trẻ và không chia sẻ với trẻ cũng là những lý do làm trẻ không được chia sẻ.
Một bác sĩ của Bệnh viện Nhi đồng 1 TP.HCM nói với nhóm khảo sát trước đây các thành viên thường gặp gỡ, chia sẻ ở bữa cơm gia đình. Giờ đây cha mẹ bận nên giao con cho người giúp việc, hoặc cho trẻ dùng các thiết bị điện tử từ sớm, hoặc bao bọc trẻ quá, khi trẻ có vấn đề gì thì cha mẹ đứng ra giải quyết, dẫn đến trẻ không có kỹ năng đối phó với các tình huống xảy ra trong cuộc sống và bị rối loạn sức khỏe tâm thần khi gặp bất kỳ trở ngại nào.
Tư vấn tâm lý cho trẻ ở nhà và trường học
Nhóm thực hiện khảo sát cho biết hiện đã có một số trường học ở Hà Nội có phòng tư vấn tâm lý. Ở đó, các cán bộ tư vấn sẽ chia sẻ ngay khi phát hiện trong lớp/trường có trường hợp có vấn đề. Ở gia đình, rất cần cha mẹ lắng nghe và chia sẻ với con.
Theo bà Phan Lan Hương - phó giám đốc Trung tâm Nghiên cứu quyền trẻ em, cần làm bạn với con từ rất sớm, khi trẻ học mẫu giáo; nếu để muộn hơn thì trẻ có thể hình thành tâm lý phản kháng, ít chia sẻ với cha mẹ, không tin cậy cha mẹ và khi trẻ gặp rắc rối, rất có thể cha mẹ sẽ không nắm được để xử lý sớm vấn đề.
Áp lực từ nhiều phía
Trong cuộc trao đổi gần đây với phụ huynh, bà Phan Lan Hương, phó giám đốc Trung tâm Nghiên cứu quyền trẻ em, chia sẻ nhiều bạn trẻ đã gọi đến tổng đài trẻ em quốc gia để bày tỏ sự bất bình rằng các em phải học quá nhiều.
"Có cháu nói bố mẹ có giờ nghỉ, nghỉ có thể giải trí, nhưng khi cháu hết giờ học chính là phải ăn vội chiếc bánh mì rồi vào lớp học thêm. Áp lực từ gia đình và nhà trường khiến trẻ có đến 3 gương mặt: gương mặt với cha mẹ, với bạn bè và với thầy cô. Có những cháu gương mặt ở nhà khác hẳn gương mặt ở trường"- bà Hương cho biết.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận