Thầy Võ Phổ trong một giờ lên lớp môn tư tưởng Hồ Chí Minh tại Trường ĐH Bách khoa TP.HCM - Ảnh: TỰ TRUNG
Hiểu về chiến tranh qua lời thầy
Là sinh viên ngành xây dựng, môn Đường lối của Đảng Cộng sản Việt Nam với Bảo đúng nghĩa chỉ là môn đại cương. Dù vậy, người thầy đứng lớp Võ Phổ vẫn để lại đủ ấn tượng và xúc động cho Bảo đến thắp nén hương tiễn đưa.
"Tôi cảm động với môn học của thầy. Cách diễn đạt của thầy không nhàm chán, trái lại làm tôi rất say mê. Thầy làm hiện trước mắt tôi một thời cả nước kháng chiến chống Mỹ. Thầy cho chúng tôi biết chiến tranh là gì", Bảo nói.
Sau bảy năm từ ngày hết học thầy, Bảo vẫn nhớ trước mắt mình là người giảng viên gần gũi, điềm tĩnh, lên lớp cầm phấn viết bảng thay vì dùng máy tính. Thầy yêu cầu học sinh ghi chép đầy đủ mới dễ nhớ bài.
Tất bật hỗ trợ cho tang lễ, Trần Hồng Triệu - sinh viên năm tư Trường ĐH Công nghệ Sài Gòn - nhớ lại cách đây hơn một năm có cùng các bạn tổ chức một chuyên đề tìm hiểu về Bác Hồ. Trong sự kiện, thầy Phổ được mời là diễn giả chính.
Nhờ sự có mặt của thầy Phổ, số sinh viên tham gia chuyên đề tăng đột biến, đến hơn 100 người dự. "Giọng thầy rất lớn, không cần micro vẫn âm vang. Thầy nổi tiếng kể chuyện rất hay quả không sai. Những gì thầy nói về Bác Hồ đều từ những trải nghiệm thật, cảm xúc thật, làm cho những người tham gia buổi đó bồi hồi xúc động theo", Triệu hồi tưởng.
Giảng viên mang chất lính
Ông Võ Phổ (bên phải Bác Hồ, quàng khăn) trong lần gặp Chủ tịch Hồ Chí Minh - Ảnh tư liệu
Sinh ra ở vùng đất Quảng Đà giàu truyền thống, cậu bé Võ Phổ (1951-2020) tham gia vào đội du kích ở xã Hòa Liên (Hòa Vang, Đà Nẵng) khi mới 13 tuổi. Năm 1965, Võ Phổ cùng với hai người bạn trở thành những đội viên đầu tiên của "Đội quyết tử Nguyễn Văn Trỗi".
Đội tổ chức hơn 70 trận đánh, lập được nhiều chiến công. Riêng Võ Phổ năm 15 tuổi đã nổi tiếng trong các đội du kích địa phương với thành tích hơn ba năm làm du kích được 12 lần phong tặng danh hiệu Dũng sĩ diệt Mỹ.
Sau khi hai miền thống nhất, ông theo học ngành triết học tại ĐH Tổng hợp TP.HCM. Ra trường năm 1980, ông được phân công giảng dạy ở Trường ĐH Bách khoa (ĐH Quốc gia TP.HCM), rồi Trường ĐH Công nghệ Sài Gòn.
PGS.TS Trần Thiên Phúc - phó hiệu trưởng Trường ĐH Bách khoa TP.HCM, ĐH Quốc gia TP.HCM - chia sẻ, thầy Phổ rất nhiệt huyết và lúc nào cũng nhiều năng lượng. Khi bước sang tuổi nghỉ hưu, thầy vẫn cộng tác với nhiều trường đại học, giảng dạy một số môn chính trị - tư tưởng cho sinh viên.
Trong ký ức của ông Phúc, thầy Phổ là người nhỏ con nhưng luôn khỏe mạnh và rắn rỏi, xông xáo và rất tâm huyết với những việc mình làm. Thầy bỏ công sức vào truyền đạt từng bài giảng, câu chuyện cho sinh viên.
Thầy cũng thẳng thắn, đâu ra đó, sẵn sàng cho sinh viên rớt khi cảm thấy chưa đủ điều kiện qua môn, chứ không vị nể. Một số bạn lém lỉnh còn gọi vui thầy là "dũng sĩ diệt… sinh viên". Dẫu vậy, phần lớn đều rất quý thầy vì thầy bỏ cái tâm của mình cho các bạn trẻ.
Ông Phúc cho biết thêm, thầy Phổ có thời gian nhận nhiệm vụ tại phòng công tác sinh viên. Thời gian đó, thầy rất quan tâm và không ít lần tự mình dẫn sinh viên tham gia những chương trình như mùa hè xanh, hoạt động tình nguyện. Thầy luôn mong muốn các bạn trẻ có cơ hội rèn luyện nhân cách, kỹ năng ngoài giảng đường.
"Tôi biết thầy mệt mấy nay, nhưng không ngờ thầy ra đi sớm vậy. Thầy vẫn hay về trường nên lúc nghe thầy ra đi, thật tình tôi rất hẫng. Không chỉ tôi, mà cả những đồng nghiệp trẻ ít tiếp xúc với thầy, chỉ nghe câu chuyện của thầy cũng rất kính trọng và thương tiếc khi thầy ra đi", ông Phúc nói.
Tang lễ của ông Võ Phổ - Ảnh: TRỌNG NHÂN
ThS Trần Lê Quốc Việt - hiện là giảng viên tại Trường ĐH Công nghệ Sài Gòn - cho biết thầy Phổ từng là thầy và đồng nghiệp của ông. Thậm chí, thầy Phổ còn đưa ông Việt vào đội tuyển dự thi đội tuyển Olympic Mác Lê-nin cấp TP thời ông còn đi học.
"Thầy chất phác, giản dị. Đúng như một người lính, thầy vừa có tinh thần nhiệt huyết, vừa có tính kỷ luật với sinh viên. Tôi với thầy chữ kính trọng chưa thể nói hết điều tôi ngưỡng mộ ở thầy", ông Việt nói.
Nhà giáo Võ Phổ từ trần vào lúc 11h38 ngày 28-8-2020. Linh cữu quàn tại Nhà tang lễ TP.HCM.
Lễ viếng bắt đầu 7h sáng ngày 29-8-2020. Lễ động quan vào lúc 11h ngày 30-8-2020. Sau đó, linh cữu được hỏa táng tại nghĩa trang Phúc An Viên (Q.9, TP.HCM).
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận