28/03/2019 17:11 GMT+7

Nhiều thách thức khi áp dụng chuẩn mực báo cáo tài chính quốc tế

Nguồn: Thông tấn xã Việt Nam
Nguồn: Thông tấn xã Việt Nam

Việc áp dụng chuẩn mực báo cáo tài chính quốc tế là cần thiết nhưng điều lo lắng là quá trình chuyển đổi sẽ phát sinh chi phí đầu tư, thiếu thông tin thị trường...

Nhiều thách thức khi áp dụng chuẩn mực báo cáo tài chính quốc tế - Ảnh 1.

Ảnh minh họa. Nguồn: cashtechcurrency.com

Việt Nam là một trong số ít quốc gia chưa áp dụng chuẩn mực báo cáo tài chính quốc tế (IFRS) cho việc lập và trình bày báo cáo. Chuẩn mực này sắp tới có thể được áp dụng theo hình thức tự nguyện, sau đó tiến tới bắt buộc với một số đối tượng từ sau năm 2025.

Đây là nội dung trong dự thảo tờ trình Chính phủ "Đề án áp dụng chuẩn mực kế toán quốc tế vào Việt Nam" vừa được Bộ Tài chính công bố.

Báo cáo tài chính sẽ minh bạch hơn

Theo Bộ Tài chính, tính đến nay đã có 131/143 quốc gia và vùng lãnh thổ được khảo sát đã tuyên bố cho phép áp dụng IFRS dưới các hình thức khác nhau. Bởi vậy, Việt Nam là một trong số ít quốc gia chưa áp dụng IFRS cho việc lập và trình bày báo cáo tài chính.

Dự thảo nêu lên, trong thời gian từ năm 2000 đến 2005, Bộ Tài chính đã ban hành 26 chuẩn mực kế toán Việt Nam (VAS). Hiện nay tất cả các doanh nghiệp thuộc mọi lĩnh vực, mọi thành phần kinh tế hoạt động tại Việt Nam đều đang áp dụng chuẩn mực VAS này.

Tuy nhiên, Bộ Tài chính đánh giá, do đã được ban hành cách đây hơn 10 năm, chưa được sửa đổi, bổ sung nên VAS ngày càng bộc lộ nhiều hạn chế. Hơn nữa, hiện nay Việt Nam mới ban hành được 26 chuẩn mực nên còn thiếu rất nhiều chuẩn mực so với thông lệ quốc tế như: Chuẩn mực về nông nghiệp, về thăm dò và khai thác tài nguyên khoáng sản, về nhóm công cụ tài chính phái sinh, về giá trị hợp lý, về tổn thất tài sản,….

Sự thiếu hụt này dẫn đến khi các doanh nghiệp có phát sinh các giao dịch kinh tế thuộc nhóm các chuẩn mực này thì chưa có cơ sở pháp lý để thực hiện hạch toán kế toán.

Bộ Tài chính cho rằng, chuẩn mực quốc tế sẽ yêu cầu doanh nghiệp phải áp dụng nhiều mô hình tài chính để xác định giá trị tài sản và nợ phải trả theo giá trị hợp lý, giá trị có thể thu hồi, giá trị sử dụng, giá trị thời gian, giá trị nội tại… Điều này sẽ nâng cao tính trung thực, minh bạch của của báo cáo tài chính, trách nhiệm giải trình của doanh nghiệp.

IFRS yêu cầu thông tin được công bố phải tập trung phản ánh được diễn biến của thị trường tại thời điểm báo cáo. Việc này được thực hiện thông qua việc đánh giá lại giá trị hợp lý, giá trị có thể thu hồi của tài sản và nợ phải trả… chứ không phải chỉ là các thông tin quá khứ tại thời điểm phát sinh giao dịch (giá gốc).

Bởi vậy, việc hoàn thiện khuôn khổ pháp lý về kế toán theo cơ quan soạn thảo sẽ giúp gia tăng niềm tin cho các đối tượng sử dụng báo cáo tài chính của doanh nghiệp như các cổ đông, nhà đầu tư, tổ chức tín dụng,.. bảo vệ quyền lợi hợp pháp của Nhà nước và công chúng.

Đặc biệt, theo Bộ Tài chính, hiện nay, một số doanh nghiệp Việt Nam đã có nhu cầu phát hành trái phiếu trên thị trường quốc tế hoặc dự kiến niêm yết trên sàn giao dịch quốc tế (như Vingroup, Vinamilk…) hoặc nhận được sự tài trợ dưới hình thức vốn vay của các định chế tài chính quốc tế.

Để thực hiện được điều này, theo quy định của hầu hết các nhà tài trợ quốc tế và cơ quan quản lý chứng khoán nước ngoài thì việc trình bày thông tin tài chính theo chuẩn quốc tế là điều kiện bắt buộc.

Lo thiếu thông tin?

Theo Bộ Tài chính, IFRS hướng đến việc trình bày tài sản và nợ phải trả của doanh nghiệp theo giá trị thị trường tại thời điểm báo cáo. Điều này đòi hỏi thị trường phải tương đối phát triển mới có thể cung cấp được các thông tin một cách đáng tin cậy.

Trong khi ấy, thị trường Việt Nam hiện nay mới cung cấp được một số thông tin cơ bản, như giá cổ phiếu niêm yết, giá giao dịch các mặt hàng nhiên liệu, nông sản...

Chưa kể, một số thông tin khác, như giá trị đất đai, tài nguyên còn có sự khác biệt lớn giữa giá công bố của Nhà nước và giá giao dịch thực tế.

"Ngoài ra, để đánh giá khả năng thu hồi nợ và định giá doanh nghiệp còn cần các thông tin khác như độ tín nhiệm của doanh nghiệp, thị phần…. nên việc áp dụng IFRS đối với một nền kinh tế đang chuyển đổi như Việt Nam có thể gặp một số khó khăn nhất định trong ngắn hạn," dự thảo Bộ Tài chính nêu lên vấn đề.

Một cái khó khác là ý thức tuân thủ pháp luật và đạo đức nghề nghiệp ở một số doanh nghiệp là chưa cao. Bộ Tài chính cho rằng, tâm lý không muốn công khai tình hình tài chính hoặc cố tình che dấu những yếu kém sẽ là lực cản đối với quá trình tiếp cận với thông lệ quốc tế.

Cơ quan chức năng cũng đánh giá, khi áp dụng IFRS, các doanh nghiệp sẽ phát sinh một số chi phí đầu tư ban đầu phục vụ cho việc đào tạo lại nguồn nhân lực cũng như thay đổi hệ thống thông tin, phần mềm kế toán.

Bộ Tài chính thừa nhận, các chi phí đầu tư ban đầu là tương đối lớn. Tuy vậy, cơ quan này cũng nhấn mạnh, xét về lâu dài thì những lợi ích từ việc minh bạch hóa thông tin, thu hút nhà đầu tư không những sẽ mang lại lợi ích nhiều hơn các chi phí ban đầu.

Về lộ trình, IFRS có thể chia thành 2 giai đoạn: từ năm 2022-2025 và từ sau năm 2025. Cụ thể, giai đoạn 1 từ năm 2022 đến năm 2025 sẽ hướng đến việc cho phép doanh nghiệp tự nguyện áp dụng. Theo đó những doanh nghiệp lớn đã có nền tảng và đủ điều kiện về nguồn lực sẽ áp dụng IFRS trước để rút kinh nghiệm chung cho các doanh nghiệp khác.

Giai đoạn 2 sau năm 2025, trên cơ sở tổng kết, đánh giá kết quả của giai đoạn 1, dự án sẽ mở rộng phạm vi, đối tượng áp dụng theo hướng vừa có đối tượng bắt buộc, vừa có đối tượng tự nguyện áp dụng IFRS.

Tuy nhiên, trước đó, từ năm 2019 đến hết năm 2021, Bộ Tài chính tính toán sẽ chuẩn bị các điều kiện cần thiết triển khai như: công bố bản dịch IFRS ra tiếng Việt, đào tạo nguồn nhân lực, xây dựng các hướng dẫn áp dụng.../.

Nguồn: Thông tấn xã Việt Nam
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp